Cầu thủ Nigeria trên khắp thế giới

Cầu thủ Nigeria trên khắp thế giới

Trước thềm World Cup 2010, trong một nỗ lực cuối cùng để… rà soát lại danh sách đội tuyển, báo chí Nigeria kêu gọi những cầu thủ có nguồn gốc ở nước này hãy tự lên tiếng, để đội tuyển “siêu đại bàng” không bỏ sót họ. Còn đối với các cầu thủ mà LĐBĐ Nigeria đã biết đến, lời kêu gọi là: hãy ưu tiên khoác áo đội tuyển quê hương.

Từ Anh, Pháp đến Đông Âu, từ Israel đến Singapore, đâu đâu cũng có cầu thủ Nigeria hoặc mang nguồn gốc Nigeria. Giới bóng đá Nigeria bình luận: hầu hết những cầu thủ Nigeria quay lưng với đội bóng quê hương để chạy theo các đội nổi tiếng hơn, đều chuốc lấy thất bại, nhanh chóng rơi vào sự quên lãng. Đấy là một bài học lớn mà thế hệ cầu thủ ngày nay cần rút kinh nghiệm!

Hồi cuối thập niên 1980, tiền đạo John Fashanu nổi đình nổi đám trên sân cỏ Anh. Các quan chức bóng đá Nigeria đã nhiều lần kêu gọi Fashanu phục vụ quê hương, nhưng anh khước từ, vì đội tuyển Anh hấp dẫn hơn. Kết quả là Fashanu chỉ được khoác áo đội Anh trong 2 trận giao hữu. Lúc Nigeria xuất hiện lần đầu tiên ở đấu trường World Cup và gây tiếng vang trên sân cỏ USA 1994, thì Fashanu chỉ được nhắc đến trong làng bóng Anh như một trong những nhân vật chính của một scandal dàn xếp tỷ số.

Fashanu mà chọn màu cờ sắc áo Nigeria (theo quê cha), sự nghiệp bóng đá quốc tế của anh có thể đã thành công hơn. Nhưng bài học Fashanu lại không được một ngôi sao khác là John Salako lưu ý. Salako cũng vươn lên cùng thời với Fashanu, cũng bị choáng ngợp bởi sự hấp dẫn của đội tuyển Anh, và cũng kết thúc sự nghiệp bóng đá quốc tế với vỏn vẹn 5 lần khoác áo đội tuyển, đều chỉ là các trận giao hữu.

Chris Armstrong là một trường hợp tương tự. Không chỉ Nigeria mà các đội tuyển Xứ Gan và Bắc Ireland cũng đều mời mọc, riêng Nigeria (dưới thời HLV Clemens Westerhof) thậm chí đã ghi tên Armstrong vào danh sách tham dự World Cup. Cuối cùng, Armstrong vẫn chọn đội Anh để… chìm vào quên lãng.

Làm sao để có chỗ đứng khi phải cạnh tranh với Teddy Sheringham, Alan Shearer, Robbie Fowler, Stan Collymore, Les Ferdinand, và hàng loạt hảo thủ khác, đấy là điều mà Armstrong hoặc Salako không hề nghĩ đến, hoặc không thấy quan trọng. Họ nghĩ rằng mình có thể thành công. Và cũng như nhiều lĩnh vực khác trong cuộc sống, sự tự tin không phải bao giờ cũng đem lại cho người ta kết quả tốt đẹp.

Đấy là chỉ mới bàn về khía cạnh chuyên môn. Về mặt xã hội, không phải ai cũng tin rằng thế giới đã thật sự bình đẳng chủng tộc. Vì sao Ugo Ehiogu, Shola Ameobi tại Anh, Emmanuel Olisadebe ở Ba Lan hoặc Patrick Owomoyela ở Đức đều không thành công như mong muốn?

Báo chí Nigeria cho rằng một phần nguyên nhân lớn nằm ở nạn phân biệt chủng tộc, cho dù người ta có công nhận hay không. Sau 11 lần khoác áo đội Đức, Owomoyela không bao giờ xuất hiện nữa, giống như trường hợp của các cầu thủ gốc Ghana Gerald Asamoah, Paul Adonkor. Trước World Cup 2006, đảng cánh hữu Dân chủ Quốc gia ở Đức kêu gọi dân chúng tẩy chay cầu thủ da đen trong đội tuyển Đức. Chuyện tương tự cũng đã xảy ra ở đội tuyển Pháp hồi trước World Cup 1998.

Patrick Owomoyela (trái) một cầu thủ Nigeria tha hương, trong màu áo Dortmund.

Patrick Owomoyela (trái) một cầu thủ Nigeria tha hương, trong màu áo Dortmund.

Anh hoặc Đức là các đội tuyển nổi tiếng, nên cũng chẳng có gì lạ khi màu áo ĐTQG ở những nơi ấy có sức hấp dẫn đặc biệt. Nhưng báo chí Nigeria chỉ trích cả những Itimi Dickson, Casmir Agu, Precious Emuejeraye, khi các cầu thủ này khoác áo đội tuyển… Singapore. Ifeanyi Okonkwo chọn màu áo Malta. Toto Tamuz chọn màu áo Israel. Còn nhiều trường hợp tương tự nữa. Họ không đủ kiên nhẫn chờ đợi đội tuyển Nigeria. Lỗi cũng nằm ở Nigeria, khi không biết đến hoặc xem thường họ! 

KINH KHA

Tin cùng chuyên mục