Đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam lên đường tới Indonesia thi đấu AVC Challenge Cup 2023 ở ngày 16-6. Lần đầu tiên chúng ta dự giải đấu này, mục tiêu mà ban huấn luyện đưa ra không ngoài việc cầu thủ phải thể hiện tốt nhất chuyên môn từ đó hướng tới giành thành tích phù hợp.
Từ đầu năm 2023 đến nay, đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam để lại dấu ấn khi lần đầu tiên giành cúp vô địch giải bóng chuyền vô địch các câu lạc bộ nữ châu Á cũng như lọt vào chung kết SEA Games và giành HCB (tại SEA Games 32). Điều HLV trưởng Nguyễn Tuấn Kiệt đã khẳng định sau hai giải đấu ấy là “ban huấn luyện thấy thành công nhất là các em thi đấu với một tinh thần mạnh mẽ, đầy quyết tâm. Tinh thần của từng cầu thủ thay đổi rõ rệt qua mỗi trận đấu và càng thi đấu càng thêm sự hưng phấn. Chúng tôi rất mong các em giữ được tinh thần này ở tất cả các giải và phát huy cao nhất”.
Một tháng tập luyện tại Quảng Ninh chuẩn bị cho AVC Challenge Cup 2023, đội tuyển bóng chuyền nữ có được những bài huấn luyện thể lực, những bài tập luyện chuyên môn phù hợp nhất. Chưa kể, các thành viên được những chương trình dã ngoại từ đó giúp tinh thần thoải mái tự tin nhất để lên đường tranh tài.
Ở góc độ chuyên môn, bóng chuyền Việt Nam vẫn chờ đợi thêm thật nhiều đội bóng quốc tế hoặc những đội bóng của châu lục, khu vực tìm tới bóng chuyền Việt Nam để mời gọi cầu thủ ra bên ngoài thi đấu. Ít nhất, đây là cơ hội cho cầu thủ thể hiện được sự mở mang và cần thiết giúp bóng chuyền nữ Việt Nam xây dựng hình ảnh tốt ở quốc tế. Lúc này, chúng ta chỉ có chủ công Trần Thị Thanh Thúy là người đang thi đấu nước ngoài (tại giải bóng chuyền nữ nhà nghề Nhật Bản). Đầu năm nay, phụ công Đinh Thị Trà Giang đã xuất ngoại và thi đấu ngắn hạn ở Thái Lan nhưng hiện tại đã về nước vào khoác áo Ngân hàng Công thương ở giải vô địch quốc gia 2023.
Không phải cầu thủ không có khát khao ra nước ngoài thi đấu. Tuy nhiên, để được một lời mời và một hợp đồng cụ thể ra nước ngoài thi đấu sẽ không dễ. Nó phải có sự kết hợp tốt nhất từ chuyên môn bản thân cầu thủ, sự ủng hộ của đơn vị chủ quản và mục đích cụ thể của việc ra nước ngoài sẽ ra sao. Thanh Thúy may mắn khi có được cả 3 yếu tố ấy hoàn hảo nhất nhưng trên hết là việc được đơn vị chủ quản VTV Bình Điền Long An gật đầu cho tới Nhật Bản đấu dài hạn.
14 cầu thủ của đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam là Trần Thị Thanh Thúy, Võ Thị Kim Thoa, Nguyễn Khánh Đang, Hoàng Thị Kiều Trinh, Đoàn Thị Lâm Oanh, Phạm Thị Nguyệt Anh, Đoàn Thị Xuân, Vi Thị Như Quỳnh, Trần Thị Bích Thủy, Lý Thị Luyến, Nguyễn Thị Kim Liên, Trần Tú Linh, Đinh Thị Trà Giang, Nguyễn Thị Trinh được xem như những người tốt nhất Việt Nam hiện tại. Trong số này, nhiều cầu thủ đủ khả năng ra bên ngoài thi đấu với năng lực của mình.
Năm ngoái, đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam dự cúp bóng chuyền nữ châu Á 2022 giành hạng tư rồi ASEAN Grand Prix 2022 giành hạng nhì, một số đội bóng chuyền Thái Lan đã đánh tiếng mời gọi cầu thủ nữ Việt Nam sang giải nhà nghề Thái Lan thi đấu.
Sự kết nối không phải không có nhưng chỉ thành công khi tất cả hướng tới một mục tiêu là phải phát triển năng lực cho cầu thủ, đi đường xa cho bóng chuyền nữ Việt Nam. Giới chuyên môn hiểu rõ, từ những giải đấu như vậy, khi đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam có thành tích, cầu thủ trên sân được các đội bóng, các nhà môi giới chú ý nhiều hơn.
Cầu thủ chơi thành công, chắc chắn nhiều đội bóng sẽ chú ý và có những sự kết nối. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG |
Tại cúp các câu lạc bộ bóng chuyền nữ châu Á 2023 ở Vĩnh Phúc, tất cả các đội bóng dự giải (ở cấp câu lạc bộ) đều có đội ngũ phân tích chuyên môn đi cùng. Từng người họ quan sát và ghi chép tỉ mỉ chuyên môn của cầu thủ Việt Nam trong mỗi trận đấu và khi chúng ta vào chung kết, đoạt ngôi vô địch, trang thông tin chính thức của Liên đoàn bóng chuyền châu Á (AVC) và Liên đoàn bóng chuyền thế giới (FIVB) đã có bài viết ca ngợi. Nội dung bài viết chia sẻ một số gương mặt nổi bật của đội tuyển, trong đó có Thanh Thúy. Đó là một trong những sự quảng bá thật hiệu quả với bản thân cầu thủ nữ Việt Nam.