1. Việc U.19 Nhật Bản sử dụng đội hình 2 để đánh bại Việt Nam ở bán kết là một trong những điều rất đáng suy ngẫm của những người làm bóng đá Việt Nam.
Đa số mọi người sẽ cho rằng, U.19 Nhật Bản quá mạnh nên có dùng đội hình nào thì cũng sẽ thắng, họ quyết giữ chân đội hình 1 để dành cho trận chung kết. Tuy nhiên, đó chưa hẳn là bản chất của câu chuyện.
Cần phải lưu ý đến chi tiết: Nhật Bản chưa bao giờ vô địch U.19 châu Á. Họ cũng chỉ có 2 lần vào vòng bán kết môn bóng đá Asiad dành cho lứa tuổi U.23 và cũng chỉ mới 2 lần vô địch U.16 châu Á. Nhưng cũng hãy nhớ, kể từ khi bắt đầu phát triển bóng đá chuyên nghiệp, tham gia giải vô địch châu Á (Asian Cup) từ năm 1992 đến nay, Nhật Bản 4 lần vô địch (nhiều nhất) và 3 lần khác lọt vào vòng 8 đội mạnh nhất. Họ là số 1 châu Á ở cấp độ đội tuyển quốc gia.
Tại sao một nền bóng đá phát triển nhất châu lục lại có thành tích bóng đá trẻ kém như vậy?

Nhật Bản tiếp tục khẳng định chiều sâu của các tuyến trẻ.
2. Câu hỏi đó cũng chính là câu trả lời. Theo lý thuyết lẫn trên thực tế, có muốn đá với đội hình dự bị để dưỡng chân cho trận chung kết đi nữa thì không có HLV nào lại thay đến 10 vị trí so với trận tứ kết cả. Không ai “điên” đến mức đó, ngoài lý do duy nhất: Người Nhật không quan tâm đến chuyện có thành tích tại giải U.19 sau khi đã hoàn thành mục tiêu quan trọng nhất là lấy vé dự World Cup. Nói như HLV trưởng của họ, đây là cơ hội để các cầu thủ được ra sân thi đấu.
Đấy chính là một bài học rất cần cho những nền bóng đá có khát khao tìm đến một đẳng cấp khác như Việt Nam. Đào tạo bóng đá trẻ là một việc quan trọng, nhưng luôn cần có một sự kiên nhẫn trong đầu tư. Với người Nhật, mỗi đội tuyển lứa tuổi U đều có 2-3 đội khác nhau, tham gia nhiều giải khác nhau và cùng mang danh phận đội tuyển quốc gia cả. Họ không quan tâm đến thành tích, chỉ tìm cách để giúp các cầu thủ trải nghiệm nhiều hơn. Quá trình này của bóng đá Nhật Bản kéo dài đến tận lứa U.22. Sẽ không có gì bất ngờ nếu chúng ta biết rằng có rất ít tuyển thủ U.22 của họ được đưa lên đá ở đội tuyển quốc gia.
So sánh thì khập khiểng, nhưng ở Việt Nam, cứ mới 17-19 tuổi mà có chút tài năng là đã vội “qui hoạch” cho các mục tiêu kiểu như… SEA Games chẳng hạn. Tức là chưa biết họ phát triển ra sao, đã “ấn” ngay cho các cầu thủ trẻ một giới hạn. Thay vì nghĩ đến chuyện “làm cuộc phiêu lưu” ở World Cup vào năm sau thì lại “chốt” mục tiêu là SEA Games dù ngay tại làng cầu Đông Nam Á, các giải tuổi U đó chẳng còn được quan tâm nữa.
Việt Long