Cần cơ chế dành cho tập trung bác sỹ, chuyên gia dinh dưỡng theo các đội tuyển

Vấn đề được quan tâm đáng kể của ngành thể thao đó là cơ chế nào để có được bác sỹ, chuyên gia hồi phục thể lực, dinh dưỡng đi cùng chuyên biệt các đội tuyển thể thao quốc gia mỗi khi tập trung. Vấn đề tưởng chừng nhỏ nhưng lại quyết định quan trọng đối với sức khỏe của VĐV khi tập huấn, thi đấu.

Đội ngũ y tế bác sỹ luôn rất cần cho các đội tuyển thể thao quốc gia. Ảnh: MINH MINH
Đội ngũ y tế bác sỹ luôn rất cần cho các đội tuyển thể thao quốc gia. Ảnh: MINH MINH

Hiện tại, trong các quy định về tập trung tập huấn tập luyện và thi đấu dành cho thể thao là không có quy định cụ thể đề cập tập trung sẽ có lực lượng bác sỹ, chuyên gia dinh dưỡng, chuyên gia hồi phục thể lực cùng. Tất cả theo quy định việc tập trung dành cho hai đối tượng cụ thể là HLV và VĐV. Cùng với đó, các chế độ về lương, thưởng chỉ quy định dành cho HLV, VĐV thể thao trong mọi cấp độ giải đấu. Vì lẽ đó, tất cả các quyết định tập trung đội tuyển quốc gia và danh sách các đội tuyển quốc gia khi thi đấu không có thành phần bác sỹ, chuyên gia dinh dưỡng, chuyên gia hồi phục thể lực. Thực tế này vẫn đang diễn ra tại hầu hết đội tuyển thể thao quốc gia. Việc chăm sóc sức khỏe, vấn đề y tế của từng đội tuyển sẽ do bộ phận y tế của từng Trung tâm HLTTQG (nơi đội tuyển tập trung) chịu trách nhiệm. Không có bác sỹ, chuyên gia hồi phục thể lực và dinh dưỡng đi riêng biệt.

Tại Hội nghị định hướng phát triển thể thao thành tích cao tới năm 2030 mang chủ đề “Nâng tầm ASIAD, khát vọng Olympic” do Cục TDTT thực hiện cũng đã trao đổi vấn đề này. Trong thông tin chung về thể thao thành tích cao với nhiều nhóm giải pháp phát triển đưa ra, Cục trưởng Cục TDTT – ông Đặng Hà Việt chỉ ra việc cần thiết phải có đội ngũ bác sỹ theo các đội tuyển thể thao quốc gia. Ông Đặng Hà Việt cho biết “giải pháp sử dụng các thiết bị tập bổ trợ nâng cao năng lực cho VĐV, sử dụng hệ thống khoa học công nghệ hiện đại mô phỏng, phân tích và đánh giá các kỹ thuật nhằm điều chỉnh phát huy những mặt mạnh của kỹ thuật từ đó đưa ra giải pháp tối ưu nâng cao kỹ thuật cho VĐV. Với các đội tuyển trọng điểm, quá trình huấn luyện cần có sự theo dõi của i ngũ y, bác sỹ thể thao để đảm bảo các yêu cầu về dinh dưỡng, hồi phục và tâm lý thể thao...”.

Số liệu cho thấy, kinh phí phục vụ tập huấn dành cho HLV, VĐV thể thao thành tích cao năm 2022 dành cho công tác thuốc y tế, thuốc bổ, thực phẩm chức năng, khám chữa bệnh cho VĐV, điều trị chấn thương, giám định VĐV là hơn 7,7 tỷ đồng; năm 2023 là hơn 8,3 tỷ đồng.

Trong các kỳ Đại hội thể thao, thành phần bác sỹ, chuyên gia hồi phục thể lực theo Đoàn thể thao Việt Nam đều được bố trí cụ thể. Duy nhất, các đội tuyển thể thao bóng đá nam, bóng đá nữ là có bác sỹ riêng đi cùng đội (tại ASIAD 19, đội ngũ bác sỹ của Đoàn thể thao Việt Nam là 22 người; riêng trong đó có 4 bác sỹ của đội bóng đá nam, bóng đá nữ).

Một trong những minh chứng rất cụ thể đã được chuyên gia thể thao Nguyễn Hồng Minh (nguyên Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao – Tổng cục TDTT) đưa ra đó là trong giai đoạn chuẩn bị cho Olympic London (Anh) 2012, lực sỹ cử tạ Trần Lê Quốc Toàn từng gặp chấn thương và ăn cơm do vợ nấu, không có chế độ dinh dưỡng chế độ chăm sóc đặc biệt nhưng khi Trần Lê Quốc Toàn đã có được tấm HCĐ thì đây kết quả ghi nhận nỗ lực rất lớn.

Gỡ rối để hợp thức hóa việc tập trung bác sỹ theo các đội tuyển thể thao quốc gia đã từng được thực hiện bằng việc đăng ký chức danh HLV thể lực cho đội ngũ này. Tuy nhiên, điều này là không phù hợp và đã bị các đội tuyển thể thao không áp dụng.

Vấn đề bác sỹ sẽ có quy định nào để được tập trung chuyên biệt cùng đội tuyển thể thao quốc gia là điều nhà quản lý vẫn đang chờ đợi. Đánh giá về công tác này, tại Hội nghị định hướng phát triển thể thao thành tích cao tới năm 2030 tại ngày 21-12, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng yêu cầu Cục TDTT sớm giải quyết vấn đề này để tháo gỡ bất cập. Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng yêu cầu Cục TDTT là đơn vị tham mưu tới cấp quản lý của Bộ và khi thấy bất cập cần có đề xuất kịp thời để lãnh đạo Bộ sẽ xem xét các Nghị định, Thông tư chưa phù hợp để điều chỉnh rồi ban hành đảm bảo tốt nhất chính sách đối với thể thao đặc thù.

Trong báo cáo của ngành thể thao, các con số vẫn chỉ đưa ra về số lượt đội tuyển được tập trung. Năm 2023 đã có 1.260 VĐV cấp đội tuyển và 960 VĐV tuyển trẻ quốc gia được tập trung tập luyện tại các Trung tâm HLTTQG ở Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Cần Thơ. Con số về lực lượng bác sỹ, chuyên gia dinh dưỡng, chuyên gia hồi phục thể lực lại không được nhắc đến.

Tin cùng chuyên mục