
Bình Dương lại có những ngày không yên ả. Mọi thứ vẫn như cũ, chỉ cần một vài kết quả không đáng để hài lòng thì xung quanh đội bóng này lại xôn xao. Kể ra, một đội bóng mà được quan tâm đến từng cái hắt hơi như vậy thì đúng là chẳng ai bằng. Nhưng như vậy thì đã là bệnh hay chỉ thói quen?
Bình Dương rõ ràng là một đội bóng đặc biệt. Cho đến tận thời điểm này, chẳng thể nói họ đã phải ngại điều gì bởi mùa bóng chỉ mới bắt đầu. Bị loại khỏi Cúp Quốc gia thì năm nào mà chẳng thế. Vậy nhưng, vẫn cứ có chuyện như thường.
Vẫn là câu chuyện cũ: liệu các cầu thủ có “đá văng” ông Ricardo hay không? Từ trước đến nay, ở đâu không biết chứ ở Bình Dương mà HLV ra đi thì nhất nhất không ai tiết lộ điều gì. Ngay ông Lê Thụy Hải, một người có vẻ không ngại bất kỳ ai, nhưng những hồi ức về Bình Dương dù là tươi đẹp hay chuyện ông ra đi như thế nào, cũng chẳng tiết lộ lần nào. Đi thì phải đi mà thôi. Chính vì thế mà những tin đồn về chuyện Bình Dương vốn tồn tại một quyền lực mang tên “cầu thủ” cứ được thêu dệt thêm mỗi khi có chuyện với HLV nào đấy.
Cũng như bây giờ, người ta đang đặt câu hỏi: liệu ông Ricardo có thành công với Bình Dương hay không? Câu hỏi ấy sẽ ngày một gấp gáp hơn nếu như Bình Dương không tìm ngay được những trận thắng hoành tráng thay vì cứ năm ăn - năm thua như hiện nay. Chẳng có HLV nào đủ khả năng trụ lại nếu mỗi ngày sự ngờ vực tăng dần theo tốc độ chóng mặt như thế cả. Làm HLV ở một đội bóng được quan tâm nhiều cũng khổ.
Lúc ấy, chẳng cần phải cầu thủ phá nữa, áp lực cũng đủ khiến HLV mất phương hướng rồi cũng dần tự đánh mất mình.
Vậy nên mới có câu hỏi: đấy đã là căn bệnh hay đơn thuần chỉ là một thói quen xấu?

Nếu B.Bình Dương lại thua nữa, HLV Ricardo (giữa) có thể phải ra đi. Ảnh: Nguyễn Nhân
Muốn trả lời điều đó, cần quay lại ngọn nguồn của sự việc. Một đội bóng mà cầu thủ thường được đưa về đội trước cả HLV. Một đội bóng mà việc mỗi mùa phải có một ngôi sao trên thị trường chuyển nhượng “hạ cánh” xuống sân Gò Đậu đã là quán tính. Một đội bóng mà phải đại diện cho tập đoàn kinh tế tầm cỡ, cho cả một địa phương, cho cả một sự kiêu hãnh về kinh tế của một vùng đất. Một đội bóng như thế thì còn hơn cả… một đội bóng.
Vì thế, cầu thủ ở đó cũng khác. Có người kể, nhiều cầu thủ thuộc dạng lành tính nhưng về Bình Dương rồi cũng trở nên khác biệt. Ở Bình Dương không tồn tại một cá nhân đơn lẻ nào. Ai muốn làm ngôi sao sẽ bị tẩy chay ngay. Thế nhưng, đội bóng ấy lại có nhiều tập thể khác nhau, mà nhóm nào cũng muốn chiếm ưu thế trong mắt lãnh đạo đội bóng.
Một ngôi sao dở chứng còn dễ trị. Nhiều nhóm khác nhau thì chẳng có HLV nào đủ sức để thỏa hiệp.
Thành ra, chỉ cần một chút trục trặc là coi như Bình Dương “sẵn sàng” bước ngay vào một cuộc khủng hoảng nhỏ bất kể trục trặc đó chỉ là nhất thời, có thể lý giải được. Vì mọi chuyện đã thành “bệnh”, chưa được chữa trị dứt điểm nên ở Bình Dương, ngoại trừ trường hợp của ông Lê Thụy Hải ra, thì cứ thay HLV như điều duy nhất mà họ có thể làm để nhanh chóng giải tỏa các tình huống khó khăn ấy.
Cũng như người ta uống một loại thuốc kháng sinh tổng hợp liều cao để cho mau hết bệnh chứ không chịu đi khám xem mình đang bị bệnh gì!
Hồ Việt