Cải thiện nguồn lực để phát triển Vovinam TPHCM

Trong buổi khảo sát và làm việc của đoàn đại biểu Ban VH-XH HĐND TPHCM với Liên đoàn Vovinam Việt võ đạo TPHCM (HVVF) vào chiều ngày 29-5, những vấn đề xoay quanh tình trạng cơ sở vật chất tập luyện cũng như các chế độ đãi ngộ cho VĐV sau giải nghệ đã được tập trung thảo luận.
Cơ sở vật chất chưa đáp ứng đủ nhu cầu tập luyện của đội tuyển Vovinam TPHCM. Ảnh: THANH TÙNG
Cơ sở vật chất chưa đáp ứng đủ nhu cầu tập luyện của đội tuyển Vovinam TPHCM. Ảnh: THANH TÙNG

“Xót” vì cơ sở vật chất không đảm bảo

Ngày 29-5, đoàn đại biểu Ban VH-XH HĐND TPHCM do ông Cao Thanh Bình - Trưởng Ban VH-XH làm trưởng đoàn, đã có buổi làm việc với HVVF liên quan đến kết quả thực hiện Nghị quyết số 05 của HĐND thành phố về một số chính sách đặc thù đối với HLV, VĐV.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký HVVF Nguyễn Bình Định cho biết, thành phần đội tuyển hiện nay có 81 HLV, VĐV trải đều 2 tuyến đội tuyển và đội trẻ. Việc Nghị quyết số 05 được triển khai đã tạo một bước ngoặt quan trọng trong chế độ chính sách cho HLV, VĐV khi tập huấn, thi đấu, khen thưởng. Một hệ thống chế độ chính sách cao và tương đối hoàn chỉnh được cung cấp đã giúp đội ngũ HLV, VĐV yên tâm cống hiến cho thể thao TPHCM.

Trong nhiều năm qua, đội tuyển Vovinam TPHCM là nhân tố chủ lực cung cấp lực lượng chuyên gia, HLV, VĐV cho đội tuyển quốc gia và lan tỏa phát triển phong trào vươn tầm quốc tế. Tại SEA Games 32 vừa qua, Vovinam TPHCM đã đóng góp 4 HCV, 10 HCB vào thành tích chung của đoàn thể thao Việt Nam.

Đoàn đại biểu Ban VH-XH HĐND TPHCM tham quan nơi tập luyện của đội tuyển Vovinam TPHCM tại Nhà thi đấu Phú Thọ. Ảnh: THANH TÙNG
Đoàn đại biểu Ban VH-XH HĐND TPHCM tham quan nơi tập luyện của đội tuyển Vovinam TPHCM tại Nhà thi đấu Phú Thọ. Ảnh: THANH TÙNG

Tuy nhiên qua quá trình khảo sát thực tế, các đại biểu cảm thấy “xót” khi ghi nhận được thực trạng khó khăn của đội tuyển khi phải luyện tập trong một môi trường cơ sở vật chất không đáp ứng được nhu cầu. Hiện đội tuyển Vovinam TPHCM đang tập luyện tại Nhà thi đấu TDTT Phú Thọ (quận 11), nhưng không gian sân tập chỉ đủ cho một tuyến đội trẻ, thậm chí phải tập chung giữa nội dung quyền và đối kháng.

Nếu xét trên thực tế, sân tập luyện và thi đấu quyền phải khác với sân đối kháng, chưa kể nội dung quyền sử dụng thêm binh khí nên đòi hòi sân tập phải rộng. Từ những khó khăn trên, đại diện Liên đoàn mong muốn trong thời gian tới sẽ có một địa điểm tập phù hợp với đầy đủ không gian, tiện ích, trang thiết bị đặc thù cho VĐV.

Đoàn đại biểu chụp hình lưu niệm cùng các thành viên đội tuyển Vovinam TPHCM. Ảnh: THANH TÙNG

Đoàn đại biểu chụp hình lưu niệm cùng các thành viên đội tuyển Vovinam TPHCM. Ảnh: THANH TÙNG

Cần có chế độ đãi ngộ sau giải nghệ

Tại buổi làm việc, một số đại biểu cho rằng có nên chăng thiết lập chế độ hoặc học bổng hỗ trợ cho VĐV sau khi kết thúc sự nghiệp, bởi VĐV thường có tuổi nghề cũng không quá dài nhưng do chấn thương hay một số vấn đề phát sinh mà phải kết thúc sự nghiệp sớm.

VĐV Huỳnh Khắc Nguyên (Đội tuyển Vovinam TPHCM) cho biết, các VĐV sau khi giải nghệ không phải ai cũng tìm được công việc ổn định nên nếu xã hội có phúc lợi hỗ trợ cho đối tượng này là một điều rất vui mừng. Như ở môn Vovinam có kế hoạch xây dựng mô hình học viện để các VĐV sau khi kết thúc thi đấu vẫn có thể được tiếp tục cống hiến cho bộ môn. Việc hình thành học viện cũng là giúp cho Vovinam có cơ sở để phát huy nội lực, mở rộng môn phái hơn.

Trưởng Ban VH-XH HĐND TPHCM Cao Thanh Bình phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: THANH TÙNG

Trưởng Ban VH-XH HĐND TPHCM Cao Thanh Bình phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: THANH TÙNG

Phát biểu tại buổi làm việc, Trưởng Ban VH-XH HĐND TPHCM Cao Thanh Bình trân trọng và ghi nhận sự nỗ lực cùng những đóng góp thành tích của bộ môn Vovinam TPHCM cho ngành thể thao địa phương, lan tỏa tinh hoa võ thuật và tinh thần, văn hoá của người Việt ra toàn thế giới. Từ đây, ông đề nghị các cơ quan thẩm quyền cần tạo điều kiện để có hướng quy hoạch giúp bộ môn Vovinam có được cơ sở tập luyện tập tốt hơn, tháo gỡ những vướng mắc trong chế độ khen thưởng để các HLV, VĐV an tâm tập luyện.

Ngoài ra, việc định hướng đầu ra, chế độ đặc thù cho đối tượng sau khi nghỉ thi đấu cũng cần được quan tâm sâu sắc. Đây cũng là cách để các VĐV sau giải nghệ có công việc, tiếp tục cống hiến cho Vovinam. Ông Bình cho rằng, nếu có thể thành lập học viện Vovinam sẽ là phương án rất tốt để các VĐV tiếp tục cống hiến cho bộ môn. Từ đó, ngành thể thao TPHCM cần tính toán và tham mưu với lãnh đạo thành phố để có chính sách đặc thù cho VĐV sau giải nghệ.

Tin cùng chuyên mục