“Cá nhân” trong VFF

Tại cuộc họp Ban chấp hành VFF mới đây, bầu Đức của HAGL, Phó chủ tịch VFF tiếp tục có những nhận xét về HLV Miura. Một tờ báo lớn trích nguyên văn lời ông Đức nói về HLV Miura: “Ông ấy là huấn luyện viên ngoại tệ nhất trong lịch sử bóng đá Việt Nam. Cần thay Miura ngay. Còn ông Miura ngày nào, bóng đá Việt Nam sẽ không phát triển ngày đấy”.

Tại cuộc họp Ban chấp hành VFF mới đây, bầu Đức của HAGL, Phó chủ tịch VFF tiếp tục có những nhận xét về HLV Miura. Một tờ báo lớn trích nguyên văn lời ông Đức nói về HLV Miura: “Ông ấy là huấn luyện viên ngoại tệ nhất trong lịch sử bóng đá Việt Nam. Cần thay Miura ngay. Còn ông Miura ngày nào, bóng đá Việt Nam sẽ không phát triển ngày đấy”.

Nội dung của sự chỉ trích này không mới mà đã xuất hiện cách nay vài tháng. Khi đó và bây giờ, bầu Đức vẫn cho rằng ông nhận xét với tư cách cá nhân. Rõ ràng với tư cách cá nhân, ông Đức nói cũng như bao nhiêu người hâm mộ khác, có thể bình phẩm về một cầu thủ hay một huấn luyện viên bất kỳ mà họ thích hay không thích. Nhưng chắc chắn bản thân ông Đức cũng hiểu rằng dù nói với tư cách cá nhân thì cái cá nhân đó cũng cần có những giới hạn, như trong giới học thuật không thể một người lấy tư cách cá nhân để chỉ trích người khác, hay trong giới showbiz các ca sĩ người mẫu không thể tự do miệt thị nhau trên mạng xã hội và cho rằng đó chỉ là cá nhân. Hơn nữa, tư cách cá nhân ở đây có thể hiểu là ông Đức không nói dưới góc độ của một thành viên VFF, nhưng ông xuất hiện dưới mắt công chúng là ông bầu của một đội bóng. Dưới góc độ này, những phát biểu trên dễ làm người ta liên tưởng đến câu chuyện cầu thủ của HAGL và quan điểm dùng người của ông Miura trong thời gian qua. Hy vọng đó không phải là lý do, bởi nếu đúng vậy thì là điều không hay trong văn hóa cư xử của những người cùng làm trong môi trường bóng đá.

Tuy nhiên, nhận xét về HLV Miura được bầu Đức nói ra ở thời điểm cuộc họp Ban chấp hành VFF, dù là phát biểu bên lề. Bầu Đức tham gia cuộc họp với tư cách phó chủ tịch VFF, tức là một trong những thành viên chủ chốt có trách nhiệm với nền bóng đá Việt Nam. Khi đã là thành viên của một tổ chức thì bất kỳ ai cũng phải tuân thủ những quy định của tổ chức đó, và có những giới hạn riêng trong phát ngôn cũng như hành động. Những bất đồng nếu có, có thể bàn bạc, tranh luận và giải quyết trong tổ chức ấy và khi chủ trương thống nhất thì mọi thành viên phải chấp hành. Ngay cả những tổ chức hoạt động theo nguyên tắc đồng thuận thì những thành viên bất đồng có thể giữ quan điểm của mình nhưng cũng ít khi họ nói ngược lại một cách cực đoan. Chính vì vậy mà người hâm mộ bóng đá Việt Nam đi từ ngơ ngác đến không thể hiểu nổi vì sao việc tuyển chọn huấn luyện viên trưởng cho đội tuyển là do VFF quyết định nhưng giờ lại có một phó chủ tịch lại cho rằng còn ông huấn luyện viên đó ngày nào thì bóng đá Việt Nam không thể phát triển ngày đấy!

VFF là tổ chức xã hội nghề nghiệp, được công nhận chính thức, là tổ chức quản lý, điều hành các hoạt động bóng đá ở Việt Nam. Vì vậy, cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ đều rất chặt chẽ và phải chịu trách nhiệm trước các hoạt động của mình. Trách nhiệm đó không chỉ với người hâm mộ mà là với sự phát triển của bóng đá nước nhà, vì vậy đòi hỏi các thành viên của tổ chức này phải hội đủ các tiêu chuẩn, điều kiện, năng lực để tham gia. Đây không thể và không phải là nơi để ai cũng có thể “ra, vào” và làm việc với tư cách cá nhân. Thế nên, dư luận cần câu trả lời chính thức, có trách nhiệm của lãnh đạo VFF về sự đúng sai trong tuyển chọn HLV Miura, ít nhất cũng có câu trả lời rằng những nhận xét của bầu Đức dù với tư cách nào đi nữa có đúng không và sẽ xử lý như thế nào nếu nhận xét đó đúng hoặc sai.

PHƯƠNG NAM

Tin cùng chuyên mục