Sức bật từ QBV Việt Nam 2024
Bản danh sách rút gọn của giải thưởng Quả bóng vàng Việt Nam 2024, đặc biệt là ở nội dung bầu chọn cầu thủ nam, đem đến sự hài lòng cho cộng đồng bóng đá. Một bản danh sách gần như không thể có tranh cãi khi đó đều là những cái tên xuất sắc vừa chơi những trận đấu giàu sức sống để lên ngôi vô địch ASEAN Cup 2024 lần thứ 3.
Điều thú vị nằm ở 9 cái tên thuộc 2 hạng mục Quả bóng vàng nam và “Cầu thủ trẻ xuất sắc” đều là tuyển thủ quốc gia. Đó là chưa kể tiền đạo Raffaelson (Nguyễn Xuân Son) nằm trong hạng mục “Cầu thủ ngoại xuất sắc” do thời điểm chơi bóng tại ASEAN Cup anh vẫn chưa hội đủ đầy đủ điều kiện của một “nội binh”. Rất hiếm khi các thành viên đội tuyển quốc gia chiếm trọn các đề cử như tại năm nay, điều đó cho giới hâm mộ một cái nhìn lạc quan cho tương lai nền bóng đá.
Sự trở lại của Nguyễn Quang Hải hay lần đề cử thứ 4 liên tiếp của Hoàng Đức, Tiến Linh đã đặt một dấu ấn về đẳng cấp lên giải thưởng năm nay. Họ là trụ cột của đội tuyển nhiều năm trước, tưởng đã có lúc sa sút và đánh mất khát vọng chiến thắng. Nhưng có thể nói là 5 cầu thủ trong danh sách rút gọn ở hạng mục Quả bóng vàng nam thực sự có một mùa giải trọn vẹn cả trong màu áo đội tuyển lẫn CLB. Bất kỳ ai trong số họ chiến thắng Quả bóng vàng đều xứng đáng, đó chính là điều may mắn cho bóng đá Việt Nam.
Bản danh sách đề cử Quả bóng vàng Việt Nam 2024 hội tụ đầy đủ các yếu tố của đẳng cấp và sức trẻ, thể hiện được tính ổn định của nền bóng đá và bảo đảm được sự tiếp nối trong tương lai. Có người nói vui, chưa bao giờ danh sách đề cử lại “có nhiều bóng vàng” đến vậy. Chỉ riêng Huỳnh Như, Nguyễn Hoàng Đức và Hồ Văn Ý là đã có 9 danh hiệu Quả bóng vàng hội tụ. Nhưng chính họ cũng đang bị cạnh tranh bởi những cái tên không kém nổi bật khác khiến cuộc đua đến vị trí cao nhất giải thưởng năm nay thật sự khó lường.
Năm 2025 bóng đá Việt Nam bận rộn ở mọi cấp độ. Chúng ta tham dự vòng loại Asian Cup của cả bóng đá nam lẫn nữ, SEA Games 33 và những giải futsal châu lục. Nếu năm 2024 có ít sự kiện nổi bật thì năm 2025 được đánh giá là cơ hội để bóng đá Việt Nam tìm lại xung lực mới.
Tính chuyện lâu dài
Nhìn từ QBV Việt Nam 2024, có thể thấy bóng đá Việt cũng như nền thể thao Việt Nam luôn có sẳn 2 thứ tài nguyên vô giá: Con người và khao khát vươn xa. Nhưng làm sao để khai thác và phát huy bền vững những tài nguyên đó, lại là một câu hỏi không dễ trả lời.
Mặc dù bóng đá nam vẫn chưa thể vượt qua được vòng loại thứ 3 World Cup, nhưng thực tế thì bóng đá là môn thể thao đã chứng minh chúng ta có thể vươn đến tầm thế giới sau khi futsal, bóng đá nữ , U19 đã từng dự các sự kiện lớn nhất hành tinh, điều mà 30 năm trước, ngay cái ngày mà giải thưởng QBV Việt Nam có những chủ nhân đầu tiên, không ai có thể hình dung dù chỉ là mơ mộng.
Sau trận chung kết lượt về ASEAN Cup 2024, khi đang đi vào đường hầm, tiền vệ Nguyễn Hoàng Đức đã được HLV Masatada Ishii của Thái Lan dừng lại nói chuyện, nhà cầm quân người Nhật Bản thông qua phiên dịch hỏi vì sao Hoàng Đức không sang Hàn Quốc hay Nhật Bản thi đấu. Cũng có thể là do bất ngờ, người từng 2 lần đoạt QBV Việt Nam chỉ cười mà không nói gì.
Đương kim QBV Việt Nam 2023 là cầu thủ gần nhất từng có những tin đồn ra nước ngoài thi đấu nhưng rồi 3 tháng trước, anh quyết định ở lại Việt Nam và chuyển từ Thể Công Viettel đến đội hạng Nhất Phù Đổng Ninh Bình. Cùng với việc Nguyễn Công Phượng từ Nhật về thi đấu cho một đội hạng Nhất khác là Trường Tươi Bình Phước, bóng đá Việt Nam chính thức khép lại 10 năm “xuất ngoại” cầu thủ, tính từ lúc Công Phượng được cho Mito Hollyhock (Nhật Bản) mượn.
Không thể đánh giá là thập niên xuất ngoại vừa qua là thành công hay thất bại, nhưng việc không có cầu thủ chơi bóng ở nước ngoài chắc chắn là vết gợn đối với nền bóng đá vừa vô địch Đông Nam Á.
Sự trở lại một cách mạnh mẽ của các ngôi sao từng chiến thắng hay lọt vào tốp đề cử các giải thưởng QBV Việt Nam những năm trước, trong cuộc bầu chọn 2024 cho thấy họ vẫn còn dư địa để phát triển tài năng. Nếu có một môi trường chơi bóng đẳng cấp cao hơn, thì chắc chắn đội tuyển quốc gia sẽ được hưởng lợi.
Lấy trường hợp của Hoàng Đức, việc xuống chơi ở giải hạng nhất đã tác động không nhỏ đến phong độ của anh nhất là ở các trận đấu đầu tiên của giải. Các trường hợp như Đặng Văn Lâm hay Filip Nguyễn, khi còn chơi bóng ở nước ngoài thì luôn có suất bắt chính trên tuyển, nhưng sau khi về nước một thời gian thì tài nghệ không nổi bật hơn một thủ thành nội địa như Nguyễn Đình Triệu.
Trong bối cảnh mà các quốc gia tại Đông Nam Á đang ồ ạt nhập tịch cầu thủ, Việt Nam cũng đã thay đổi với việc sử dụng tiền đạo nhập tịch Nguyễn Xuân Son. Nhưng do khách quan, số trường hợp như Xuân Son sẽ không nhiều, nghĩa là bóng đá Việt Nam cần có chiến lược để nâng cấp chất lượng cầu thủ nội mà phương pháp hiệu quả, áp dụng được ngay, đó là tìm cách đưa cầu thủ giỏi ra nước ngoài thi đấu.
Với 10 năm xuất ngoại vừa qua, có rất nhiều bài học cần được rút ra. Nói cách khác, là cần có một tổng kết chi tiết, chủ yếu tập trung vào những điểm yếu, bất lợi của cầu thủ Việt khi xuất ngoại để tìm ra lộ trình phù hợp. Bản thân cầu thủ không thể tự quyết định việc xuất ngoại, họ cần có sự hỗ trợ và tham vấn kịp thời từ những người có trách nhiệm. Điều quan trọng là đừng để cuộc hành trình 10 năm quá uổng phí và đứt gãy, vì thế mới cần một kế sách lâu dài…