
Công bằng mà nói, ở một nền bóng đá nằm trong “vùng trũng”, không nghĩ đến chiếc HCV SEA Games thì còn biết… nghĩ đến cái gì?! Asian Cup thực sự chưa phải là sân chơi quen thuộc cho làng cầu Đông Nam Á. SEA Games, AFF Cup là những mục tiêu gần nhất, cụ thể nhất và là điểm tựa tinh thần để mơ đến những giấc mơ xa hơn.
Tuy nhiên, dựa vào thành tích tại SEA Games để đánh giá hoặc hoạch định một chiến lược phát triển thì có vẻ không hợp lý. Ở bóng đá thế giới, Brazil 5 lần vô địch World Cup nhưng chưa bao giờ có được chiếc HCV Olympic, trong khi đó, các tuyển thủ trẻ Argentina làm mưa làm gió từ giải U20 cho đến Olympic nhưng vẫn lỗi hẹn tại World Cup hơn 20 năm qua.
Trên thế giới, luôn có sự khác biệt giữa 2 sân chơi này, và người ta cũng không có cái khái niệm kiểu như “đã vô địch World Cup thì phải thành công tại Olympic và ngược lại”. Nên môn bóng đá Olympic có cơ chế “U-23 + 3 cầu thủ quá tuổi” để kéo gần khoảng cách ấy.

Các tuyển thủ U23 Việt Nam tại SEA Games 25. ẢNH: DŨNG PHƯƠNG
Để phát triển bóng đá, dứt khoát phải có khả năng đào tạo lực lượng trẻ tốt nhưng thành tích ở lứa tuổi trẻ lại không bảo đảm sẽ thành công ở các cấp độ khác. Nó chỉ là cái nền tảng hơn là một thước đo. Năm 2007, đội tuyển quốc gia chơi thành công ở Asian Cup (tháng 7) nhưng U-23 Việt Nam thất bại thảm hại tại đấu trường SEA Games (tháng 12) nhưng một năm sau lại vô địch AFF Cup 2008.
Tuy nhiên, các nhà quản lý bóng đá Việt Nam vẫn nghĩ khác. Có lẽ vì vậy mà họ vẫn giao cho ông Calisto cùng lúc nắm 2 đội tuyển với tiêu chí là tạo “tính kế thừa”. Tuy nhiên, phải thấy rằng ông Calisto cũng chỉ là HLV có hợp đồng mang tính ngắn hạn, chủ yếu là gặt hái thành tích trước mắt. “Tính kế thừa” ở các cấp độ đội tuyển thực ra là trách nhiệm của Hội đồng HLV quốc gia nhưng hội đồng này, từ trước đến giờ, thường “hữu danh vô thực”.
Đoạt HCV SEA Games sau hơn nửa thế kỷ chờ đợi là một mục tiêu không sai nhưng nếu cho rằng đấy là điều kiện tiên quyết để thay đổi bóng đá Việt Nam sau thất bại tại AFF Cup 2010 thì cần phải xem lại.
Không thể lấy mô hình của Malaysia với việc đoạt HCV SEA Games 2009 và vô địch AFF Cup 2010 để noi theo vì chúng tôi tin rằng, trong cả 2 giải đấu đó, bóng đá Malaysia không đặt ra chỉ tiêu bằng mọi giá phải vô địch. Họ thành công trên nền tảng xây dựng cả một đội tuyển cho tương lai chứ không phải vì danh hiệu.
Thế nhưng, có vẻ như VFF rất “quyết tâm” với định hướng này, bằng chứng là họ thậm chí còn tìm kiếm các tài năng trẻ gốc Việt trên khắp thế giới để hỗ trợ thêm cho ông Calisto cho giấc mơ vàng tại SEA Games 26.
VIỆT QUANG