
Cũng theo cách mà cả thế giới bóng đá đang làm, V-League cùng giải hạng nhất Việt Nam cũng đã giành 1 phút tưởng niệm cho người dân Nhật Bản. Đấy là nghĩa cử không hề xa lạ nhưng phải nói là rất ít khi gặp trên sân cỏ Việt Nam.
Không có gì quảng bá những khía cạnh cuộc sống rộng rãi bằng bóng đá. Hay như người ta vẫn nói, bóng đá là cuộc sống. Ở đó có niềm đam mê, nỗi thất vọng, nụ cười, điều chia sẻ, sự giận dữ và lòng vị tha. Vấn đề là chúng ta, những người gần gũi và quan tâm đến bóng đá, chuyên chở vào những trận đấu nhiều hay ít những điều của cuộc sống thường ngày.
Thực tế là bóng đá Việt Nam chưa thật sự gần gũi với cuộc sống. Đơn cử là hành động tương tự như cách các trận đấu hướng về nước Nhật còn khá ít ỏi. Chúng ta đã từng xem qua truyền hình các giải đấu châu Âu, thì thấy chỉ cần một danh thủ của làng cầu nước họ vừa qua đời, tất cả đều dành phút mặc niệm. Với các CLB, một cựu cầu thủ nổi tiếng của họ mất đi, họ cũng dùng trận đấu để ghi lòng biết ơn.
Chính vì thế mà cuộc chia tay sự nghiệp với một danh thủ nào đó, cũng là dịp để người ta tổ chức trận đấu rồi kết hợp làm từ thiện. Biết bao là điều tốt đẹp đã diễn ra trước mắt những người yêu bóng đá. Bởi, đấy là cuộc sống. Biết nhớ, biết chia sẻ, biết nói lời cảm ơn là những điều tốt đẹp mà bóng đá, với sức quảng bá rộng rãi của mình, có thể đem lại cho chính cuộc sống.
Nếu nói như thế, bóng đá Việt Nam vẫn chưa làm hết trách nhiệm của mình. Xã hội đang đem lại cho làng cầu này một sức sống, sự sung túc cho cá nhân cầu thủ, niềm hãnh diện đối với một doanh nhân nhưng các trận đấu đang đem lại gì cho xã hội?

Bóng đá cũng như cuộc sống, và những hành động mang tính nhân văn như thế này cần được phát huy. Ảnh: Nguyễn Đạt
Để có nghĩa cử hướng về nhân dân Nhật Bản khó không? Không, chỉ cần một văn bản từ VFF. Để thiết kế khoảng 10 phút chia tay hay cảm ơn một cầu thủ giã từ sự nghiệp có nhọc nhằn không? Không. Để tổ chức một trận đấu giữa các ngôi sao với nhau để làm từ thiện ủng hộ đồng bào lũ lụt trong mùa mưa bão khó không, tốn kém nhiều không?
Cũng không. Hoàn toàn không nếu như mọi người tham gia trận đấu đều miễn phí và khán giả thì đến sân mua vé ủng hộ từ thiện. Tại sao giới ca nhạc, truyền thông, các trường học, hội nghị… sẵn sàng dành thời gian để tổ chức hoạt động từ thiện thì bóng đá Việt Nam lại hiếm khi thực hiện điều đó một cách đều đặn và chuyên nghiệp trong khi tuần nào cũng thi đấu, tháng nào cũng có sự kiện và đặc biệt, ngày nào cũng có tiền đổ vào bóng đá như nước.
Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Tây khác, Ta khác. Người này khác, người kia khác. Hoàn toàn giới làm bóng đá Việt Nam có thể dùng đó để giải thích vì sao những nghĩa cử ấy ít khi được thể hiện trên các sân cỏ. Nhưng, rõ ràng bóng đá Việt Nam có quá nhiều ưu ái, cầu thủ Việt Nam đòi hỏi dư luận phải thông cảm cho thu nhập của họ, các CLB Việt Nam luôn đề nghị người hâm mộ chia sẻ nỗi khó khăn về tiền bạc hay kết quả bất thường từ những trận cầu, thế thì tại sao xã hội không được phép đòi hỏi bóng đá Việt Nam cần có trách nhiệm hơn với cuộc sống.
Thôi thì hành động vừa rồi của VFF sẽ được hy vọng là bước khởi đầu đầy ý nghĩa cho nhiều lần tiếp theo và với những sự kiện mang tính nhân văn khác nhau. Bóng đá là cuộc sống, vấn đề là sẽ có bao nhiều điều cao đẹp của cuộc sống được chuyên chở vào bóng đá.
Hồ Việt
Chia tay muộn
Vừa nếm trải thất bại đầu tiên kể từ khi ngồi vào chiếc “ghế nóng” của Muang Thong United (Thái Lan), nhưng tối qua (21-3), HLV Calisto bất ngờ xuất hiện tại Hà Nội để gặp gỡ một số người bạn thân và mở tiệc chia tay các tuyển thủ, những người từng gắn bó mật thiết với ông trong suốt 3 năm làm HLV trưởng đội tuyển Việt Nam.
HLV Calisto đã nhờ người thông báo rộng kế hoạch gặp mặt đến các tuyển thủ từ khá sớm, nhưng cuối cùng thầy Tô cũng chỉ gặp mặt được 7 học trò là Như Thành, Sỹ Mạnh, Thành Lương, Bảo Khanh, Công Vinh, Phước Tứ, Minh Đức, Việt Thắng.

Tiệc chia tay muộn của ông Calisto với những người bạn cũ và tuyển thủ quốc gia. Ảnh: Quang Minh
Những người còn lại đều cáo lỗi không kịp có mặt vì bận tập trung CLB, hoặc đội bóng chủ quản ở quá xa như B.Bình Dương, CS.Đồng Tháp, Navibank.SG, HA.Gia Lai…
Không gặp mặt được đầy đủ những gương mặt cũ, buổi tiệc chia tay của thầy Tô vẫn diễn ra khá vui vẻ. Ông thầy người Bồ Đào Nha đã nhận được rất nhiều lời hỏi thăm, cùng vô số lời cầu chúc gặp nhiều may mắn và thành công ở CLB Muang Thong Unietd.
Thầy Tô cũng nhận được rất nhiều chia sẻ từ người bạn thân Nguyễn Lân Trung cùng 3 trợ lý từng cùng làm việc là: Trần Văn Khánh, Nguyễn Đức Thắng, Phan Thanh Hùng và trợ lý ngôn ngữ Trường Minh. Giữa HLV Calisto và “phó tướng” Phan Thanh Hùng cùng trao đổi với nhau khá lâu, dù sắp tới Hà Nội T&T - Muang Thong United sẽ tái đấu tại sân Hàng Đẫy vào ngày 3-5.
Quang Ngọc