
Tôi có một anh bạn vốn là CĐV của đội Cảng Sài Gòn ngày trước. Từ khi đội Cảng không còn, anh cũng không đến sân Thống Nhất xem bóng đá nữa. Hôm rồi, nhân trận đấu giữa Navibank Sài Gòn – Bình Dương, anh mới trở lại sân. “Thực sự, tôi chỉ đến để muốn xem Đặng Trần Chỉnh đã làm gì mà Bình Dương trọng vọng như vậy...”, anh nói.
- Tình yêu bóng đá
Điều ấy cũng dễ hiểu. Như tình yêu dành cho bóng đá Sài Gòn thì không phải chuyện giữ cho được một đội bóng, duy trì một cái tên là tất cả. Cảng Sài Gòn sẽ không còn là Cảng Sài Gòn nếu đá theo kiểu Hải Quan hay Công an TPHCM. Navibank Sài Gòn không thể thay thế cho linh hồn Cảng đã mất nếu cứ chơi kiểu bóng đá đầy chất “quân khu” như hồi còn là QK4. Không thể trách được người hâm mộ vì chẳng có thứ tình yêu nào không đòi hỏi, khao khát được nhận nhiều hơn ở nơi mình yêu.
Mới đây, khi trả lời phỏng vấn của PV SGGP, Giám đốc điều hành Lê Quang Nhật của đội TPHCM có ý trách HFF rằng tại sao không giúp đội của ông 10 tỷ đồng như đã hứa. Ông Nhật có so sánh trường hợp tại XMHP khi thành phố Hải Phòng giao đội bóng vẫn cấp ngân sách hơn 10 tỷ mỗi năm.
Ông Nhật không sai nhưng chúng ta thử hỏi: liệu thêm 10 tỷ đồng thì TPHCM sẽ trở lại như ngày xưa? Và cơ quan chủ quản của CLB TPHCM đã “cư xử” với “tượng đài” của bóng đá Sài Gòn như thế nào để không còn nhận được sự quan tâm từ lãnh đạo? Từ khi nhận Cảng Sài Gòn đến nay, thành tích đi xuống hay lên?
Tiền bạc có thể đem lại cho làng cầu Sài Gòn một đội bóng (như trường hợp của Navibank) nhưng lại không thể giữ lại được linh hồn đã mất. 10 tỷ đồng có thể giúp cho TPHCM thăng hạng nhưng cũng chẳng bảo đảm sẽ đem lại cho người hâm mộ tình yêu như ngày trước khi chính những ông chủ đội bóng ấy không khao khát tìm lại linh hồn cho làng cầu này.

HLV Võ Hoàng Bửu (trái) và Đặng Trần Chỉnh (phải) vốn là những cầu thủ tài năng của đội Cảng Sài Gòn. Ảnh: N.Nh.
- Và giấc mơ bay xa...
Phía sau quyết định mua lại đội QK4 là giấc mơ tìm lại hình ảnh đỉnh cao của HFF. Phía sau cuộc chuyển giao đó là ngân hàng Navibank. Còn đằng sau của tất cả những sự chuyển động ấy là gì? Không phải ai cũng biết. Vì không biết nên người ta có quyền nghi ngờ về chuyện ai đó đem tình yêu về sự trở lại của bóng đá Sài Gòn ra để đùa cợt. Cầu mong đó không phải là sự thật.
Nhưng có một sự thật khác: Phải nài nỉ lắm ông Lê Hùng Dũng mới chịu làm Chủ tịch HFF. Ngày nhậm chức, những giọt nước mắt nhớ về quá khứ của ông là thật lòng. Từ ngày đó đến nay, mỗi quyết định của ông Dũng gần như sự giành giật lại giấc mơ ngày mà ông đã rơi lệ. Khổ nỗi, càng ngày giấc mơ ấy càng trở nên xa lạ. Cả liên đoàn bao nhiêu con người cứ ngồi nhìn vào ông Dũng.
Có cảm giác rằng chỉ cần tiền mà ông Dũng đem lại có thể thay đổi được sự tụt dốc khủng khiếp của làng cầu này. Ông Dũng làm rất nhiều việc, giữ lại cho bóng đá thành phố một đội chuyên nghiệp nhưng càng làm, ông càng trở nên lẻ loi. Rốt cuộc còn lại gì sau lưng ông Dũng? Phía CLB TPHCM, người ta vẫn trách móc theo kiểu nếu thành phố không chịu giúp thì đội bóng có rớt hạng cũng chẳng phải lỗi của họ. Phía Navibank Sài Gòn, người ta vẫn thực dụng, tà tà làm bóng đá theo kiểu phân chia rạch ròi trách nhiệm – tiền bạc. Đến lúc đội bóng nguy cấp, báo giới lên tiếng mạnh mẽ mới thấy lãnh đạo Navinbank ra mặt giải quyết khó khăn.
Anh bạn của tôi sau khi xem Đặng Trần Chỉnh cùng Bình Dương đá bại Navibank Sài Gòn, chua chát tâm sự: “Đừng trách Chỉnh làm gì, cậu ấy đã từng trở về mà phải ra đi. Đi như thế, khó có ngày Chỉnh về lần nữa…”
TÂM VIỆT