Văn hóa thể thao

Bóng đá TPHCM - sống để mà tin. Bài cuối: Vạch một chân trời

Bóng đá TPHCM - sống để mà tin. Bài cuối: Vạch một chân trời

1. Thời bây giờ, chúng ta thấy có nhiều ngân hàng hay công ty xi măng nhảy vô làm bóng đá: Ngân Hàng Đông Á, Ngân hàng Bắc Á, Ngân hàng ACB, Ngân hàng SHB, Xi măng Hải Phòng, Xi măng Công Thanh... Thực ra, ngay sau 1975, bóng đá TPHCM đã có đội Xi măng Hà Tiên rồi, đó chính là tiền thân của đội Sở Công nghiệp sau này.

Ngay hồi đó cũng đã có đội mang tên Ngân Hàng, được xây dựng từ đội Việt Nam Thương Tín cũ. Nhưng đó là thời người ta làm bóng đá một cách hồn nhiên, chủ yếu vì yêu thích, xem đó là hoạt động phong trào, bên cạnh những đội ca, đội kịch. Ý nghĩa văn hóa xã hội cao hơn ý nghĩa kinh tế. Cơ quan chủ quản của các đội bóng là các đơn vị và doanh nghiệp nhà nước.

Khi xã hội bắt đầu thoát khỏi chiếc áo bao cấp, bóng đá buộc phải đối diện với yêu cầu hạch toán tài chính. Khi phải cân đối ngân sách, khi lấy quyền lợi của người lao động trực tiếp trong đơn vị làm thước đo, bóng đá trở thành một thú chơi xa xỉ, thường gặp phản ứng từ tổ chức công đoàn. Lãnh đạo đơn vị nếu là người mê bóng đá thì còn “chống lưng” cho đội bóng được phần nào, nếu không (hoặc nếu “kẻ chống lưng” chuyển công tác hoặc về hưu), trò chơi bóng đá sẽ không thuyết phục được công nhân viên trong đơn vị về sự tồn tại của mình trong vòng xoáy áo cơm.

Thiết tưởng, đó là nguyên nhân chính khiến hàng loạt đội bóng thuộc đơn vị nhà nước giải thể hoặc đánh mất phiên hiệu: từ Hải Quan, Sở Công Nghiệp, Cảng Sài Gòn, Công an TPHCM ở phía Nam đến Công an Hà Nội, Tổng Cục Đường Sắt ở phía Bắc. Ngành hải quan là một định chế, ngành công an cũng thế, đâu cần “PR” như gỗ Hoàng Anh hay gạch Đồng Tâm.

Thể Công nếu Viettel buông ra, nguy cơ trở lại thành đội bóng phong trào là rất lớn. SHB còn cạnh tranh với các ngân hàng khác, chứ Tổng cục Đường Sắt hay Cảng Sài Gòn đâu có cạnh tranh với ai. Cho nên khi V-League trở thành cuộc thi đua tiêu tiền khốc liệt giữa các doanh nghiệp mới nổi, những câu lạc bộ vốn xem bóng đá là cuộc vui, thi nhau giã từ sân cỏ cũng là điều dễ hiểu.

Bóng đá TPHCM - sống để mà tin. Bài cuối: Vạch một chân trời ảnh 1

CLB TPHCM (áo trắng): Đến hẹn lại lên?

2. Cơ cấu kinh tế và hành chánh dần chuyển đổi, TPHCM vẫn là một trung tâm nhưng không còn là “miền đất hứa” độc quyền như trước. Đã có nhiều trung tâm mọc lên - mà Đà Nẵng là tiêu biểu. Ngay cả các địa phương “vệ tinh” của TPHCM như Bình Dương, Long An, Đồng Nai cũng bắt đầu cạnh tranh nhằm san sẻ thế mạnh của thành phố bằng các chương trình kinh tế thông thoáng, các chính sách kêu gọi đầu tư ưu đãi. Lực ly tâm xuất hiện: cầu thủ các nơi khác không đổ xô về TPHCM như trước đây, ngược lại thành phố bắt đầu đối mặt với “nạn chảy máu cầu thủ”.

Trong khi lãnh đạo thể thao thành phố mải loay hoay để thích ứng với bóng đá chuyên nghiệp trong hoàn cảnh mới, chưa xác định được mô hình thích hợp thì Long An, Gia Lai, Bình Dương và Đà Nẵng đã kịp chia nhau chức vô địch quốc gia suốt 7 năm liền. Bóng đá thành phố không lên ngôi nổi mà còn bị xóa sổ khỏi V-League - một sự thật nghẹn đắng.

Một sự thật khác: với Đà Nẵng, Bình Dương, Long An và Gia Lai, bóng đá không chỉ là thể thao. Sự thành bại của nó còn có tác động chính trị và xã hội. Đội bóng lên ngôi vô địch, dân chúng phấn khởi rước cúp, diễu hành, đổ ra nghẹt đường như Việt Nam vô địch AFF Cup. Tinh thần địa phương lên cao ngất. Chỉ số hạnh phúc có lẽ cũng tăng cao không kém trong không khí lễ hội đó. Còn chỉ số tiêu dùng chắc chắn là tăng, ít ra là khoản tiệc tùng, rượu bia mừng chiến thắng. Bóng đá, dù chỉ là một trò chơi, trong trường hợp đó đã trở thành bộ mặt của tỉnh thành, là vinh dự của địa phương. Một cách vô hình, nó kích hoạt các tiềm năng trong xã hội. Khi người hâm mộ trương hình lãnh đạo thành phố, hẳn có cả sự tôn vinh chính quyền nữa.

Khi chính quyền ý thức được sức mạnh nhiều mặt của bóng đá sẽ sẵn sàng bắt tay với doanh nghiệp, kể cả khi phải chấp nhận một số nhượng bộ về kinh tế. Ngược lại, các doanh nghiệp khi quyết định hợp tác với chính quyền địa phương để làm bóng đá tất phải nhìn thấy được mối lợi lớn. Ngoài thương hiệu được quảng bá hằng ngày trên các phương tiện truyền thông, họ còn được sở hữu các cơ sở vật chất, nhà cửa, đặc biệt là đất đai, chưa kể những mối lợi khác, thấy được và không thấy được. Sự kết hợp này, trước mắt đều thành công, dù về lâu dài thì khó mà nói trước. Lalima SHB vừa rồi thất bại trong việc “kết hôn” với Nghệ An chỉ vì yêu sách quá cao mà thôi.

Tóm lại, sự lên ngôi của “tứ đại gia” ở V-League trong thời gian qua là thành quả của sự kết hợp địa phương và doanh nghiệp, trong đó vai trò tự chủ của doanh nghiệp lớn đến mức đôi khi lấn át cả Sở VH - TT - DL lẫn Liên đoàn bóng đá tại chỗ.

3.
Đặc điểm của TPHCM hoàn toàn khác với các địa phương trên. Là một thành phố lớn, bóng đá với cư dân chỉ là một phần của cuộc sống. Chính quyền lẫn người dân thành phố còn có những mối quan tâm khác lớn hơn bóng đá. Chưa kể, TPHCM là một “hợp chủng quốc” dung nạp dân tứ xứ nên tinh thần địa phương không rõ ràng (thực tế cho thấy khi các đội bóng thành phố gặp các đội Thừa Thiên Huế, Sông Lam Nghệ An, Thanh Hóa trên sân Thống Nhất, cổ động viên của đội khách thường đông hơn đội nhà).

Một đội bóng của TPHCM vô địch V-League sẽ không bao giờ tạo ra hiệu ứng xã hội như các đội đại biểu của các tỉnh thành khác. Cảng Sài Gòn, Hải Quan, Công an TPHCM từng vô địch nhiều lần rồi đó thôi, chỉ có fan của họ vui mừng, dân thành phố chẳng xem đó là sự kiện gì đặc biệt. Bóng đá đóng vai trò chừng mực như thế, nên mối quan tâm của lãnh đạo thành phố không lớn, và không chấp nhận biệt đãi các doanh nghiệp, không đáp ứng các đòi hỏi đất đai như ở các địa phương khác. Cho đến nay, bóng đá TPHCM không có Đồng Tâm nào, Hoàng Anh nào, SHB nào...

Từ đó suy ra: câu chuyện bóng đá của Bình Dương, Long An, Gia Lai, Đà Nẵng, và cả Ninh Bình nữa, đơn giản hơn TPHCM nhiều. Cách đây 10 năm, Gia Lai là vùng trắng trên bản đồ bóng đá, chỉ cần Hoàng Anh vung tiền thật nhiều, là đủ sức lên ngôi vô địch, ít nhất là 2 năm. Bình Dương cũng gần như thế, với Becamex đứng sau lưng. Bây giờ thì Gia Lai và Bình Dương đã tính đến đường dài (bằng cách mở học viện và xây dựng các đội trẻ), nhưng lúc hai đội này lên ngôi, lực đẩy chủ yếu là tiền.

Ngoài bóng đá của doanh nghiệp, trên thế giới còn có những đội bóng thuộc sở hữu của một thành phố hay của các cổ động viên dưới hình thức cổ đông. Vấn đề của bóng đá TPHCM bây giờ là tham khảo và chọn lựa mô hình phù hợp, làm sao có thể điều tiết và dung hòa các lợi ích, vừa gặt hái được thành tích vừa không phá vỡ các nguyên tắc của một lối làm bóng đá văn minh và có căn cơ. Vạch một chân trời tươi sáng cần trí tuệ của nhiều nguồn, nhưng Sở VH - TT - DL phải là người cầm lái... 

Chu Đình Ngạn

- Thông tin liên quan:

Bóng đá TPHCM - sống để mà tin

>> Bài 2: Khi mọi thứ rối như canh hẹ

>> Bài 1: Thời hoàng kim

Tin cùng chuyên mục

Bóng đá trong nước

Văn Toàn nghỉ thi đấu 2-6 tuần ở Hàn Quốc: Đang hay thì đứt dây đàn

Cú lật cổ chân trong buổi tập vào chiều 31-3 với CLB chủ quản Seoul E-Land khiến Nguyễn Văn Toàn phải nghỉ thi đấu từ 2-6 tuần để có thể phục hồi hoàn toàn chấn thương. Với cầu thủ chuyên nghiệp, việc dính chấn thương lật cổ chân quá đỗi bình thường, không quá nghiêm trọng. Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh của Văn Toàn, đó là điều vô cùng đáng tiếc.

Bóng đá quốc tế

Tiếp AC Milan, Napoli không quá lo lắng dù vắng Victor Osimhen

Đội đầu bảng Napoli không thể có tiền đạo Victor Osimhen ít nhất 2 tuần lễ, trong đó có 2 trận đấu với AC Milan ở Serie A và lượt đi tứ kết Champions League. Dù Osimhen là chân sút chủ lực nhưng số liệu thống kê cho thấy khi vắng tiền đạo Nigeria, hàng công của Napoli chơi khá ổn.

Các môn khác

Giấc mơ đưa Việt Nam đến Olympic mùa đông của Trang!

Tưởng chừng đất nước nhiệt đới như Việt Nam khó có thể tiếp xúc với thể thao mùa đông. Tưởng chừng những môn thể thao “đặc sản” ở vùng có tuyết sẽ chẳng có dấu ấn của tuyển thủ Việt Nam. Nhưng cô gái nhỏ bé Trần Thị Đoan Trang đã từng bước xóa bỏ những “tưởng chừng” đó để thực hiện ước mơ lớn, đưa thể thao Việt Nam đến gần với Olympic mùa đông.