
Hồi Gạch Đồng Tâm Long An đầu tư đội Sơn Đồng Tâm, chúng tôi có đặt câu hỏi với ông Võ Quốc Thắng về khả năng nếu đội Sơn thăng hạng V-League thì sao. Ông bầu này chỉ cười: “Tôi nghĩ là Sơn Đồng Tâm khó mà thăng hạng, nhưng nếu thăng thì cũng… chẳng biết sao nữa”. Ông Thắng “không biết sao nữa” vì hồi đó công ty thể thao của ông quản lý 2 đội bóng một cách chính thức. Có lẽ vì việc “không biết sao nữa” ấy mà nay, người ta mới có cách một mình làm chủ nhiều đội bóng mà chẳng phải lo gì.
Mới tuần trước, có cặp đấu Hà Nội T&T - SHB Đà Nẵng, tuần này, lại là cuộc đấu giữa “anh em nhà Xuân Thành”: Sài Gòn Xuân Thành và Thái Sơn Quảng Nam. Tên gọi thì hoàn toàn khác, gốc gác cũng chẳng giống nhau nhưng ai cũng biết, họ đều là “người một nhà”. Hay chính xác hơn, đều có chung một ông bầu. Biết là vậy nhưng sự vi phạm những qui tắc cơ bản trong bóng đá này lại tồn tại một cách đường hoàng ở bóng đá Việt Nam.
VFF án binh bất động vì họ cho rằng, về luật thì những ông bầu trên chẳng sai gì cả khi các doanh nghiệp khác nhau quản lý những đội bóng khác nhau và bản thân các ông Hiển, ông Thụy cũng chẳng trực tiếp giữ chức vụ gì trong đội bóng. Lấy cơ sở nào để nói đấy là sở hữu của các ông?
Điều đó hoàn toàn đúng. Nói về luật, nhất thiết phải đủ chứng cứ. Mà chứng cứ, phải thể hiện trên giấy tờ.

Bầu Hiển trên khán đài sân hàng Đẫy theo dõi trận đấu giữa “hai anh em” Hà Nội T&T - SHB.Đà Nẵng ở vòng đấu vừa qua. Ảnh: Quang Minh
Thế nhưng, vì sao người ta gọi doanh nhân Đỗ Quang Hiển là “bầu” Hiển? Chính là vì đặc thù của bóng đá. Ông Hiển có thể không điều hành trực tiếp đội bóng nhưng ông điều hành người quản lý đội bóng và như vậy, ông là người có quyết định cao nhất về CLB đó.
Ví dụ như trường hợp của đội SHB Đà Nẵng. Đội bóng này, về lý thuyết, chẳng liên quan gì đến Ngân hàng SHB mà ông Hiển làm Chủ tịch cả. Chẳng có ngân hàng nào đi đầu tư trực tiếp vào một lĩnh vực chỉ có từ lỗ đến lỗ như bóng đá. Vì như thế thì lấy đâu ra tiền để trả tiền lời cho người gửi! SHB chỉ đóng vai trò là nhà tài trợ với nguồn tiền từ ngân sách tiếp thị (chấp nhận được). Cũng hệt như HN.ACB không liên quan đến Ngân hàng ACB, mà là tiền túi của ông Phó Chủ tịch sáng lập ngân hàng này, Nguyễn Đức Kiên. Phân tích như vậy để thấy, nếu CLB không phải của bầu Hiển thì là của ai bây giờ?
Trong kinh doanh, cũng không hẳn ông Chủ tịch Hội đồng quản trị là ông chủ của công ty mà thuộc về người có vốn nhiều nhất. Người này có thể cử người khác thay mặt mình để quản lý công ty, rồi công ty ấy cử người quản lý các công ty con khác có vốn góp của mình. Lòng vòng kiểu đó, muốn truy ra bầu Thụy, bầu Hiển có liên quan đến nhiều đội bóng hay không thì phải đến… khuya!
Nhưng, như đã nói, họ vẫn là người quyết định sau cùng. Tiếng nói của họ, còn lớn hơn cả chữ ký. Trong lĩnh vực bóng đá, lẽ ra, VFF phải uyển chuyển vận dụng các chế tài nội bộ của lĩnh vực đặc thù do mình quản lý để kiểm soát chứ đâu phải “đổ” hết cho chuyện luật lệ kinh doanh.
Cũng như việc họ dựa trên những chứng cứ đặc thù bóng đá để ra án phạt chứ nếu xét về luật, thì đâu có đủ cơ sở. Họ thậm chí còn “đứng trên cả luật” khi cấm công dân đi xem đá bóng, không cho công dân trở thành tuyển thủ quốc gia, gạt một đội bóng đủ tư cách để thăng hạng dù đấy chẳng phải là lỗi của đội bóng đó. Những chuyện như vậy, được chấp thuận vì đấy là bóng đá. Cũng vì thế mà FIFA có nguyên tắc là bóng đá không được chỉ đạo bởi chính quyền. Lĩnh vực nào đơn thuần thuộc về xã hội thì được quản lý riêng theo những qui tắc của nó.
Thế nên, khi VFF ngó lơ chuyện các ông bầu sở hữu nhiều đội bóng thì họ vô tình tạo ra một sự phức tạp không đáng có. Cứ thử nghĩ xem, đến một lúc nào đó mà 14 đội dự V-League chỉ nằm trong tay của 3-4 ông bầu mà thôi. Lúc đó, còn là bóng đá là của đại chúng hay là trò chơi riêng của các ông bầu? Mà chuyện này, rất dễ xảy ra. Cách đây 2 năm, suýt nữa bầu Hiển đã có thêm SHS Tiền Giang, T&T Huế, SHS Quảng Nam… còn gì!
Phải chăng, khi các ông bầu nhìn bóng đá như một kiểu “của riêng” để đánh bóng tên tuổi và thương hiệu thì chẳng còn người hâm mộ nào dám tin vào kết quả các trận đấu. Làm sao có thể đến sân khi biết chắc chắn vì hoàn cảnh bắt buộc, SHB Đà Nẵng phải thua Hà Nội T&T, hay TS.Quảng Nam phải nhường Sài Gòn.XT!?
Ngày xưa, khán giả tẩy chay bóng đá vì những liên minh tiêu cực. Nay, dạng liên minh ấy thậm chí còn cao cấp hơn khi đều là “người nhà” của nhau.
Khổ nỗi, ai cũng biết chỉ có một mình VFF là (giả vờ) không biết
Hồ Việt