Cơ hội mở mang
Sau giai đoạn Covid-19, bóng bàn Việt Nam đã được thêm một số cơ hội ra nước ngoài tập luyện, thi đấu cọ xát. Trước SEA Games 32, tất cả tuyển thủ chuẩn bị cho Đại hội đã được cơ hội tập huấn hơn 20 ngày tại Quảng Châu (Trung Quốc). Đợt tập luyện ghi nhận sau ba năm, bóng bàn Việt Nam mới được trở lại Trung Quốc tập huấn để làm mới mình hơn. Tới đây, các tay vợt được dịp thi đấu theo lời mời giao lưu tới Houston (Texas, Mỹ) và kể như đội tuyển bóng bàn Việt Nam thêm một dịp mở mang về chuyên môn cũng như chuẩn bị thêm tâm lý cho mình.
Ở giai đoạn từ cuối năm 2021 tới năm 2023, bóng bàn Việt Nam đã được các cuộc tập huấn, thi đấu như tập huấn tại Hungary, thi đấu SEA Games 31, thi đấu vô địch Đông Nam Á 2022, thi đấu SEA Games 32. Dù trên thực tế, chúng ta vẫn cần nhiều hơn giải đấu có tính chuyên môn cao để từng tay vợt được thi đấu nâng tầm thật sự nhưng đã được đi nước ngoài thi đấu là điều tốt cho ban huấn luyện, VĐV.
Tại Lễ trao thưởng dành cho HLV, VĐV đội tuyển bóng bàn Việt Nam giành kết quả huy chương SEA Games 32 tại Hà Nội ở tháng 5 vừa qua, Chủ tịch Liên đoàn bóng bàn Việt Nam – ông Nguyễn Xuân Vũ từng bày tỏ rằng mô hình tổ chức các giải đấu của bóng bàn trong nước đang hướng tới chuyên nghiệp hóa hơn đồng thời nhà quản lý sẽ tìm thêm cơ hội để có tay vợt Việt Nam dự giải quốc tế theo các hệ thống chuyên nghiệp. Tổng thư ký Liên đoàn bóng bàn Việt Nam đồng thời là phụ trách bộ môn bóng bàn (Tổng cục TDTT) – ông Phan Anh Tuấn đồng quan điểm “chúng tôi sẽ tính tới việc chọn giải đấu quốc tế phù hợp để cử thêm VĐV góp mặt...”.
Phải có suất Olympic
Những chia sẻ ấy của nhà quản lý Liên đoàn bóng bàn Việt Nam cho thấy sự rộng mở về các chương trình chuyên môn mà nhà quản lý hướng tới nâng tầm cho VĐV. Dù thế, chúng ta vẫn phải nhìn nhận cùng nhau rằng, chỉ khi chương trình được thực hiện, điều đó mới thiết thực.
Sau SEA Games 32, ban huấn luyện đội tuyển bóng bàn Việt Nam đã có những sự rút kinh nghiệm nội bộ và lúc này tất cả sẽ chờ một cuộc làm việc cùng nhà quản lý Liên đoàn và bộ môn bóng bàn (Tông cục TDTT) từ đấy bày tỏ những mục tiêu và định hướng về chuyên môn. Nếu thực hiện được những chiến lược, mà ở đó thực tế nhất là đào tạo tuyến trẻ cho tới tổ chức thi đấu giải nâng cao chuyên môn cho VĐV, bóng bàn sẽ tạo được cơ hội tốt cho các tay vợt phát triển.
Lần cuối cùng môn bóng bàn của Việt Nam có suất Olympic là năm 2008 tại kỳ Olympic ở Bắc Kinh (Trung Quốc) với trường hợp của tay vợt Đoàn Kiến Quốc. 15 năm đã đi qua, chúng ta đang đau đáu có tay vợt giành được tấm vé chính thức thi đấu Olympic. Ông Phan Anh Tuấn đã chia sẻ, chiến lược tìm vé dự Olympic đang được tính toán phù hợp nhất để làm sao bóng bàn Việt Nam hoàn thành mục tiêu này. Trên thực tế, mỗi sự chuẩn bị chuyên môn hướng đến một mục tiêu đều cần thời gian và bóng bàn có đặc thù riêng không phải ngày một ngày hai là hoàn thành được ngay.
Về bình diện ở Đông Nam Á, bóng bàn Việt Nam giành HCV ở các kỳ SEA Games năm 2017, 2019, 2021, 2023. Nghĩa là, tay vợt Việt Nam có khả năng tranh chấp vị trí cao ở khu vực và khi đó, cơ hội cụ thể hóa tấm vé Olympic rất triển vọng. Từ nay đến tháng 7-2024, các lượt thi đấu vòng loại Olympic môn bóng bàn dành cho tranh suất Olympic Paris (Pháp) 2024 được tổ chức và dự kiến đội bóng bàn Việt Nam sẽ được dự lượt giải phù hợp theo khả năng của mình.
Ngày 3-6, đội tuyển bóng bàn Việt Nam với các tuyển thủ Trần Mai Ngọc, Đinh Anh Hoàng, Lê Đình Đức, Nguyễn Thị Nga và Nguyễn Khoa Diệu Khánh đi Mỹ thi đấu giao lưu, tập huấn tại thành phố Houston (Texas, Mỹ). Chương trình dự kiến kéo dài hết ngày 15-6. Ban huấn luyện cử hai HLV đi cùng các tay vợt ở lần tới Mỹ này.