Bên trọng, bên khinh?

1. Tại Asiad 17, đội tuyển nữ Việt Nam có cơ hội rất lớn để vào đến bán kết, tức là trở thành 1 trong 4 đội mạnh nhất châu lục. Ấy thế nhưng suốt 2 tháng tập trung vừa qua, chẳng thấy ai nói gì về họ.

Ngoài trận giao hữu với đội tuyển Trung Quốc tại Bắc Kinh, các cô gái của chúng ta không có thêm bất kỳ sự cọ xát nào khác. Điều này trái ngược với quá trình chuẩn bị cho VCK Asian Cup 2014, nơi mà Việt Nam có cơ hội dự World Cup (đã thất bại khi thua Thái Lan tại trận play-off). Phải chăng, khi nào có khả năng đoạt thành tích cụ thể thì mới đầu tư, còn chuyện vào bán kết Asiad lại không quá quan tâm?

Các cầu thủ Olympic Việt Nam (áo trắng) tham dự Asiad 17 trong lặng lẽ. Ảnh: HOÀNG MINH

Tình cảnh của đội Olympic Việt Nam còn tệ hơn. Cũng gần 2 tháng tập trung, đá được 2 trận giao hữu theo kiểu chiếu lệ nên đến nay, chẳng ai biết Olympic mạnh hay yếu. Cũng cần nhắc lại, đội Olympic (hay U.23) chính là thế hệ kế thừa của các nền bóng đá chứ không phải các tuyến U.19, U.17 (tạm gọi là thế hệ tương lai). Vậy mà những cầu thủ có khả năng trở thành những tuyển thủ quốc gia trong tương lai lại đang bị “thờ ơ” khiến cho việc tham dự Asiad 17 chẳng khác gì một chuyến tập huấn, lãng phí tiền bạc.

2.
Xảy ra tình trạng ấy, phần lớn là do “thỏi nam châm” U.19 Việt Nam. Coi như các đội tuyển khác đã… xui xẻo khi “ra trận” cùng thời điểm U.19 Việt Nam chuẩn bị cho VCK giải châu Á. Không thể trách người hâm mộ “được trăng, quên đèn” bởi việc họ quan tâm, dành toàn bộ tình cảm cho U.19 Việt Nam là chuyện không có gì phải bàn cãi.

Thế nhưng, chính sự việc này cho thấy một sự phát triển có phần méo mó của bóng đá Việt Nam. Nếu như U.19 Việt Nam hầu như chẳng chịu một áp lực nào cả, họ được đầu tư đến từng bữa ăn, được thi đấu gần 40 trận đấu từ đầu năm đến nay, được tập huấn nước ngoài, chỉ để làm việc ra sân đá cho đẹp là đủ, thì các đội tuyển khác như Olympic đang chịu áp lực là phải đá giống U.19 thì mới có khả năng được quan tâm. Đành rằng đá đẹp như U.19 đâu phải là chuyện dễ, nhưng thực tế thì tính chất của các cấp độ đội tuyển khác nhau rất xa, những cầu thủ Olympic sống trong môi trường khác, không được bảo vệ và đào tạo kỹ lưỡng như U.19 Việt Nam nên chẳng thể ngày một, ngày hai bắt họ phải thay đổi. Đó là chưa nói, giả sử như Olympic hay đội tuyển quốc gia được tập trung dài hạn, đầu tư tầm cỡ như U.19 Việt Nam thì biết đâu, họ cũng có thể chơi thứ bóng đá tương tự.

Người hâm mộ không có lỗi gì khi yêu mến U.19 Việt Nam hơn các đội tuyển khác, lỗi nằm ở những nhà quản lý khi chính họ đã “nhất bên trọng, nhất bên khinh” trong quá trình đầu tư. Họ cũng quên mất rằng, cả nền bóng đá (ngoài Học viện HA.GL- Arsenal) vẫn đang tồn tại trong một thực tế khác hẳn lứa U.19. Không lẽ, từ bây giờ trở về sau, cứ lấy U.19 Việt Nam đi thi đấu trên mọi đấu trường quốc tế để tiếp tục duy trì sự yêu mến của khán giả như hiện nay?

Đăng Linh

Tin cùng chuyên mục