Báo chí luôn đóng góp tích cực trên mặt trận thể thao

Đó là một trong những chia sẻ của lãnh đạo ngành thể thao nhân kỷ niệm 99 năm Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6-1925 / 21-6-2024).

Phóng viên thể thao Việt Nam luôn tác nghiệp nhanh, chính xác và đầy đủ nhất ở các giải đấu quốc tế. Ảnh: MINH MINH
Phóng viên thể thao Việt Nam luôn tác nghiệp nhanh, chính xác và đầy đủ nhất ở các giải đấu quốc tế. Ảnh: MINH MINH

Trong trao đổi của mình với các phóng viên, nhà báo, cơ quan thông tấn đối với mảng thể thao trong báo chí ngày 19-6 vừa qua, Cục trưởng Cục TDTT – ông Đặng Hà Việt bày tỏ “lĩnh vực thể thao là lĩnh vực đặc thù và với những thông tin nhanh, nhạy, có tính chính xác cao từ các cơ quan thông tấn báo chí thì sức lan tỏa của thể thao Việt Nam tới với người dân hiệu quả nhất”. Cùng với đó, Cục trưởng Đặng Hà Việt chia sẻ thêm rằng những phản ánh chính xác kịp thời ở một số sự việc về chế độ vừa qua trong lĩnh vực thể thao được công luận quan tâm và cho thấy yếu tố truyền thông đóng vai trò rất quan trọng.

Cùng quan điểm này, chuyên gia thể thao Nguyễn Hồng Minh cũng nhìn nhận “tôi đánh giá, bất kể lĩnh vực nào cũng phải hiểu được sự quan trọng của công tác truyền thông, của thông tin báo chí. Khi báo chí đăng tải những thông tin về thi đấu, về kết quả huy chương của HLV, VĐV hay nói về những gương người tốt việc tốt hoặc HLV, VĐV gặp hoàn cảnh khó khăn đều có sức lan tỏa, được xã hội quan tâm. Từ đó, ngành thể thao giải quyết chính xác, hiệu quả hơn các sự việc cụ thể”.

Qua nhiều giai đoạn, nhiều thời kỳ thì ngành thể thao Việt Nam có sự phát triển nói chung. Trong đó, tính cấp thiết của các thông tin thể thao trên mặt trận báo chí được đề cao. Gần nhất, 2 sự việc ở đội tuyển bóng bàn trẻ Việt Nam và đội TDDC nữ Việt Nam sau khi được thông tin đầy đủ trên truyền thông báo chí đã giúp ngành thể thao tăng cường hơn công tác quản lý, có cái nhìn thấu đáo hơn về nhiều mặt từ con người VĐV cho tới phương thức quản lý trong tập luyện, thi đấu và cả chế độ đặc thù của ngành thể thao khi thi đấu, tập huấn.

Dù thế, ở thể thao không chỉ có sự phản ánh mà còn cả sự lan tỏa tinh thần dân tộc, sự tự hào về các thành tích huy chương trên đấu trường quốc tế. Năm ngoái, chúng ta đã dự 2 đấu trường quan trọng nhất là SEA Games 32 và ASIAD 19. Tại từng đấu trường đó, nhiều phóng viên, nhà báo, biên tập viên của các cơ quan báo chí, thông tấn đã có mặt trực tiếp tác nghiệp truyền tải hình ảnh, kết quả thi đấu nhanh nhất tới độc giải. Nếu không có thông tin từ báo chí lĩnh vực thể thao, hình ảnh cô gái nhỏ bé Nguyễn Thị Oanh khó có được sức lan tỏa lớn khiến cả Đông Nam Á phải ngước nhìn sau khi chinh phục 4 tấm HCV trên đường chạy điền kinh SEA Games 32. Hay tại ASIAD 19 ở Hàng Châu (Trung Quốc), khoảnh khắc các VĐV Việt Nam đạt HCV trong môn bắn súng, karate và cầu mây đã được các phóng viên, nhà báo, biên tập viên thể thao ghi lại chân thực, rõ nét nhất để người hâm mộ ở Việt Nam tự hào và xúc động.

Trong đó, các cán bộ phóng viên, nhà báo, biên tập viên của báo Sài Gòn Giải Phóng cũng tham gia vào chung dòng chảy của thể thao nước nhà để có mặt trực tiếp tại nhiều giải đấu trong nước, quốc tế tác nghiệp mang lại thông tin chính xác, đầy đủ tới độc giả. Báo Sài Gòn Giải Phóng là đơn vị tổ chức Giải thưởng Quả bóng Vàng của bóng đá Việt Nam và đây là giải thưởng có uy tín trong làng thể thao nước nhà nói chung cũng như làng túc cầu Việt Nam nói riêng.

Tin cùng chuyên mục