Chỉ cần vài chục phút trong màu áo đội tuyển, Nguyễn Xuân Son, tiền đạo nhập tịch gốc Brazil đã ngay lập tức “kéo” cổ xe đội tuyển Việt Nam đang rất ì ạch vọt lên bằng tốc độ đáng kinh ngạc. Anh tạo ra sự thay đổi gần như toàn diện, điều mà chưa từng có cầu thủ Việt Nam nào làm được. Góp công vào 4 bàn thắng, kết nối tốt với phần lớn đội hình, tràn trề nguồn cảm hứng chơi bóng, giá trị mà Xuân Son mang đến không chỉ nằm trên bảng tỷ số mà như một chìa khóa chiến thuật. Có cảm giác, cách mà đội tuyển vận hành ở 3 trận đấu chưa thuyết phục trước đó, dường như chỉ để “chờ” Xuân Son, như một miếng ghép buộc phải có thì mọi thứ mới đi đúng hướng.
Nhưng đó chính là vấn đề. Tác động của Xuân Son càng lớn thì sự phụ thuộc vào anh càng nhiều. Nếu vai trò của Xuân Son chỉ dừng ở việc đưa bóng vào lưới, thì mọi chuyện sẽ đơn giản hơn. Nói cho cùng, có thể thay 1 tiền đạo sắc bén bằng 2 tiền đạo khác, nhưng nếu vị trí mang ý nghĩa “chìa khóa” chiến thuật mà bị vô hiệu hóa thì chỉ còn cách là phải đổi toàn bộ đấu pháp. Nhưng như đã thấy, sự có mặt của Xuân Sin còn làm thay đổi cả lối chơi và sắc thái của đội tuyển Việt Nam. Điều đó chắc chắn đã được BHL của Singapore dễ dàng nhận ra.
Trước một Myanmar hầu như không có cầu thủ nào đủ tầm kèm Xuân Son, đội tuyển chơi tưng bừng khi Xuân Son thoải mái di chuyển. Nhưng Singapore là đội bóng có chất lượng cao hơn, tính kỷ luật tốt hơn và thể chất khỏe hơn. Quan trọng hơn, họ giành vé vào bán kết chủ yếu bằng một lối chơi kiên cường và đơn giản. Đối thủ của chúng ta ở bán kết là đội bóng đã có đủ những trải nghiệm khốc liệt nhất trước khi tiến vào bán kết. Trong tâm thế của một đội bóng bị đánh giá thấp hơn, họ cũng sẽ dàng chọn lựa chiến thuật, kể cả khi phải dựng xe buýt 2 tầng trên sân nhà. Như một thành viên của BHL Singapore đã nói, họ có 2 cách để “phong tỏa” Xuân Son. Một là “bắt chết”, và nếu cảm thấy không được, thì sẽ tìm cách chặn đường “tiếp tế” bóng cho Xuân Son.
Rất nhiều khả năng Singapore sẽ chọn cách thứ 2. Phong độ của Xuân Son hiện thời quá tốt, muốn ngăn cản anh chơi bóng thì Singapore phải mất ít nhất 2 vị trí. Về lý thuyết, họ là đội yếu hơn nên không thể “chấp người” như vậy. Làm sao để các đường chuyền đến chỗ Xuân Son ít hơn, kém thuận lợi hơn, sẽ là mục tiêu của Singapore.
Khi Xuân Son chưa kịp đưa bóng vào lưới trong trận đá với Myamar, thì Việt Nam có trận thứ 4 liên tiếp không thể ghi bàn trong hiệp một. Việc quá chậm khi biến ưu thế kiểm soát bóng thành bàn thắng rõ ràng là đáng lo ngại. Nó cho thấy cách vận hành chiến thuật của Việt Nam chưa được trơn tru. Ở 4 trận đấu vòng bảng, HLV Kim Sang-sik đều có thay đổi đội hình xuất phát, thậm chí ở trận đá với Philippines, ông còn xáo tung toàn bộ 3 tuyến. Kết quả là trận đấu đó, chúng ta cầm bóng ít hơn, sút ít hơn và suýt thua trận. Thử nghiệm bất thành của ông Kim Sang-sik cho thấy chính nhà cầm quân người Hàn Quốc chưa thể có được đội hình ưng ý của mình.
Dù sao, HLV Kim Sang-sik đã dùng toàn bộ thời gian ở vòng bảng để tìm đáp án cho mình mà vẫn bảo đảm mục tiêu đầu bảng, vào bán kết. Nguyễn Xuân Son đã xuất hiện đúng lúc, phần còn lại là công việc của ông Kim Sang-sik liên quan đến các phương án có và không có Xuân Son trong trường hợp Singapore tổ chức “phong tỏa” tiền đạo này, liệu cũng đã hoàn thành hay chưa?