Bài học từ Thái Lan

V-League tái đấu

V-League trải qua gần hết lượt đi nhưng không để lại ấn tượng nào ngoài sự quan tâm của người hâm mộ dành cho đội HA.GL với dàn cầu thủ U.19.

Ở cuộc đua vô địch, B.Bình Dương vẫn quá mạnh so với phần còn lại, trong khi nhóm cuối bảng cũng chỉ là những “gương mặt thân quen” với các đội bóng trực thuộc địa phương, luôn khó khăn về tài chính, nhân sự khi không có doanh nghiệp đỡ đầu.

Các đội tuyển của Thái Lan luôn đạt thành tích cao nhờ nền tảng ổn định từ giải vô địch Thái - League. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Đây đã là năm thứ 4 liên tiếp, V-League chịu cảnh đìu hiu như vậy. Theo những người trong cuộc, nguyên nhân chính là do thiếu năng động trong việc điều hành, tổ chức V-League nên không nhận được sự quan tâm của xã hội. Minh chứng cụ thể là dù các cầu thủ U.19 thi đấu không đạt thành tích tốt, nhưng việc HA.GL chọn lựa cách chơi cống hiến, cộng với hiệu quả làm truyền thông tốt nên vẫn thu hút được khán giả, nhà tài trợ nhờ sự năng động của bầu Đức.

Trong khi đó, nhìn sang Thái Lan, dễ dàng nhận thấy những cải tổ mang tính cách mạng của giải ngoại hạng nước này đã đem đến thành công cho các đội tuyển quốc gia. Từ năm 2008, bóng đá Thái Lan tái cấu trúc giải vô địch quốc gia qua việc tăng số lượng CLB từ 10-12 đội lên 18-20 đội. Cách làm này giúp các CLB thi đấu nhiều hơn, thời gian diễn ra giải cũng dài hơn, tạo điều kiện để thu hút tài trợ, tránh lãng phí tiền lương phải trả cho cầu thủ. Ban đầu, giải Thai-League hoàn toàn không có tài trợ trong 3 mùa đầu tiên, trước khi nhận được sự quan tâm của tập đoàn Toyota với mức tài trợ gấp 3 lần so với V-League. Nói cách khác, sự kiên trì cũng như những đột phá trong công tác tổ chức thi đấu của những người điều hành Thai-League đã được trả công xứng đáng.

Ba năm trước, Công ty VPF dự kiến tăng số lượng đội dự V-League lên 16, nhưng khi bị phản ứng nên không “dám” triển khai nữa. Thay vào đó, V-League vẫn chỉ có 14 đội nhưng mùa nào cũng hồi hộp không biết liệu có CLB nào giải thể hay không; trong khi giải hạng nhất chỉ có 8 đội, thi đấu tẻ nhạt và hầu như không đội nào muốn thăng hạng. Nếu học theo cách làm của Thái Lan, V-League có thể gộp chung với giải hạng nhất để tăng số lượng CLB và cũng tránh tình trạng lãng phí thời gian, tiền bạc khi cùng lúc tổ chức 2 giải nhưng thời gian thi đấu trong 1 năm của các CLB lại quá ít.

Tóm lại, chẳng cần học ở châu Âu hay Nhật Bản cho xa xôi, bóng đá Thái Lan vẫn có nhiều điều để nghiên cứu.

ĐĂNG LINH

Tin cùng chuyên mục