Về cơ bản, tại mỗi kỳ SEA Games, quốc gia chủ nhà có đặc quyền đưa môn thể thao truyền thống của quốc gia mình vào chương trình thi đấu chính thức. Chúng ta đã từng làm quen với những môn như pencak silat (xuất phát từ quốc gia Indonesia), cầu mây (xuất phát từ Thái Lan) và vovinam (xuất phát từ Việt Nam)... và những môn thể thao đó giờ quen thuộc với các nền thể thao của khu vực cũng như thường xuyên được đưa vào chương trình thi đấu chính thức tại SEA Games.
Còn nhớ vào tháng 10-2021, đại diện lãnh đạo các nền thể thao trong khu vực của các quốc gia thành viên ASEAN và đối tác tới từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA), UNESCO, Liên đoàn thể thao người khuyết tật ASEAN, WADA tham dự 5 Hội nghị trực tuyến (online) về thể thao gồm: Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về thể thao lần thứ 6 (AMMS-6); Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về thể thao với Nhật Bản lần thứ 3 (3rd AMMS + Japan); Hội nghị quan chức cấp cao ASEAN về thể thao lần thứ 12 (SOMS 12); Hội nghị ASEAN và Nhật Bản về phụ nữ và thể thao lần 2 (2nd ASEAN – Japan women in Sports); Hội nghị quan chức cấp cao ASEAN về thể thao và Nhật Bản lần thứ 4 (4th SOMS + Japan).
Trong đó, với SOMS 12 Hội nghị đã tập trung thảo luận các vấn đề được nhiều quốc gia quan tâm đối với nền thể thao khu vực như quy chế và hướng dẫn về quỹ thể thao ASEAN; kế hoạch hành động về thể thao của ASEAN giai đoạn 2021-2025; kế hoạch hợp tác thường niên ASEAN và FIFA; dự án nghiên cứu công dân tích cực toàn cầu ASEAN về giá trị kinh tế xã hội đối với thể thao; việc chuẩn hóa các môn thể thao thi đấu tại SEA Games; biên bản ghi nhớ giữa ASEAN và tổ chức phòng chống doping thế giới (WADA); nghiên cứu tính khả thi xây dựng Trung tâm thể thao ASEAN...
Việc chuẩn hóa các môn thể thao tại SEA Games đã được bộ trưởng các quốc gia trong khu vực thảo luận tại SOMS 12 cách đây hai năm. Dĩ nhiên, tất cả đều hướng tới tiêu chí nâng tầm thể thao khu vực qua việc đưa môn chuẩn Olympic và môn của ASIAD vào chương trình thi đấu chính thức. Mặc dù vậy, Đông Nam Á là khu vực đa dạng về nền văn hóa nên bất kỳ quốc gia nào (trong đó có Việt Nam) có đặc thù riêng và có môn thể thao dân tộc của riêng mình muốn phổ biến tới bạn bè khu vực, quốc tế. Do đó, sự có mặt của các môn thể thao dân tộc đặc thù của quốc gia chủ nhà là chấp nhận được.
SEA Games 32 tới đây tại Campuchia, Ban tổ chức chủ nhà đưa vào chương trình thi đấu một số môn đặc thù của mình như kun bokator, arnis (võ gậy) hoặc kun khmer. Trong sự chuẩn bị của chúng ta, thể thao Việt Nam cũng thành lập các đội tuyển võ thuật này và đặt mục tiêu thành tích cho SEA Games 32. Trên thực tế, chúng ta không có những môn võ trên nhưng linh hoạt huấn luyện các đội tuyển thể thao khác làm quen và thích ứng thi đấu môn võ mới. Đơn cử, đội hình kun bokator sẽ gồm nhiều tuyển thủ từ môn võ cổ truyền Việt Nam hay đội tuyển arnis tập hợp nhiều võ sĩ quen thuộc từ môn pencak silat còn đội tuyển kun khmer có thành viên từ đội muay.
Vào năm 2013 trong kỳ SEA Games tổ chức ở Myanmar, quốc gia chủ nhà đưa môn kempo vào chương trình thi đấu chính thức. Khi đó, dù là môn mới, chúng ta vẫn cử đội tuyển tham dự và giành được HCV.
Hay với kurash, dù là môn đã có đủ thời gian hình thành phát triển nhưng vẫn mới với SEA Games. Năm 2019 tại SEA Games 30 ở Philippines, môn võ này lần đầu được nằm trong chương trình thi đấu chính thức. Trước đó, kurash lần đầu được đưa vào thi đấu ở ASIAD là năm 2018 tại Indonesia. Chúng ta đã có những tuyển thủ tập luyện môn này từ năm 2007 và khi cần tham dự các đấu trường quan trọng, thể thao Việt Nam sẵn sàng có lực lượng góp mặt thi đấu. Ở kỳ SEA Games 31 năm ngoái, đội kurash Việt Nam từng giành được 7 tấm HCV.