1. Như đã từng đề cập, đấu trường Asiad là đỉnh cao mà thể thao Việt Nam (TTVN) phải chinh phục. Không thể cứ 2 năm/lần, tốn kém tiền của để giành những thứ hạng rất cao tại SEA Games, nhưng khi bước chân ra châu Á, những chiếc HCV Asiad lại trở thành sự chờ đợi trong hồi hộp.
So với mặt bằng chung của thể thao thế giới, không ở đâu có nhiều điều kiện thi đấu như khu vực Đông Nam Á khi hiện vẫn còn sân chơi SEA Games để “xé nháp chờ Asiad”, cùng các giải vô địch châu Á, Đông Nam Á, thế giới diễn ra đều đặn hàng năm. Thành ra, việc phát triển thành tích quá chậm tại Asiad là vấn đề cần được ngành thể thao phân tích một cách thấu đáo trong quá trình xây dựng chiến lược phát triển của mình.

Dù được kỳ vọng rất lớn, nhưng bắn súng vẫn chưa thể giành được HCV ở Asiad. Ảnh: QUANG THẮNG
Lấy ví dụ như môn bắn súng, môn được xem là “sở trường” của TTVN ngay từ những ngày đầu hội nhập thế giới vào những năm 80 thế kỷ trước. Năm 1989, TTVN mới tham dự SEA Games đầu tiên, nhưng từ năm 1982, bắn súng Việt Nam đã đem về chiếc HCĐ tại kỳ Asiad đầu tiên mà TTVN tham gia. Đến SEA Games năm 1989, chính bắn súng đã giành cả 3 HCV mà TTVN có được.
Từ đó đến nay, bắn súng là môn thể thao giành được nhiều HCV, ổn định thành tích nhất qua các kỳ SEA Games. Nhưng ngay ở Asiad 17, dù đang có trong đội hình tay súng số 1 thế giới nội dung 10m súng hơi nam Hoàng Xuân Vinh, nhưng vẫn chưa có HCV cho môn bắn súng. Như vậy là đã 32 năm trôi qua cho một giấc mơ vàng.
Trong khi đó, bắn súng không phải là môn lệ thuộc vào các yếu tố hình thể, thiên bẩm mà nó yêu cầu tính khoa học và chất lượng đầu tư cho VĐV. Việt Nam không thiếu nguồn nhân lực cho môn này, bởi nó vốn dĩ là thế mạnh của ngành thể thao quân đội (các nước khác thì bắn súng đã chuyên nghiệp), nhưng việc đầu tư cho trường bắn hiện đại, tập huấn thường xuyên, yếu tố tâm lý khoa học… lại luôn thiếu. Tình trạng này kéo dài suốt nhiều năm qua, số HCV SEA Games đã lên đến hàng trăm nhưng chẳng hiểu sao vẫn khan hiếm thành tích châu Á, thế giới và cụ thể là HCV Asiad.
2. Với một môn có thể và đủ khả năng đầu tư như bắn súng mà còn khó tiếp cận Asiad đến như vậy thì chuyện “mỏi mắt chờ vàng” ở những môn như bơi lội, điền kinh, thể dục dụng cụ… là hết sức bình thường, do còn lệ thuộc nhiều yếu tố khác. Nó cho thấy một sự thật là Asiad hãy còn chưa thật gần với TTVN, vẫn phải hy vọng ở những môn võ vốn khó xác định thành tích cụ thể. Chúng ta có VĐV Nguyễn Thị Ánh Viên lần đầu tiên đem huy chương bơi lội về cho Việt Nam, nhưng đây là môn thi đấu mà nếu chúng ta tiến 1, đối thủ có thể tiến 2, 3 chứ không dễ để kỳ này Ánh Viên có HCĐ thì kỳ sau sẽ đổi màu huy chương. Điều mà TTVN cần là phải có thêm nhiều Nguyễn Thị Ánh Viên, thêm nhiều kế hoạch tập huấn ở nước ngoài để tạo ra sự phát triển bền vững.
Lấy bài học của bắn súng để thấy rằng, chiến lược đầu tư trọng điểm là yếu tố quyết định khả năng vươn lên tầm vóc châu lục và thế giới. Ngân sách càng dàn trải cho việc tham gia quá nhiều sự kiện lớn, bé thì đương nhiên sẽ chẳng còn kinh phí để đầu tư một trường bắn chuẩn quốc tế cho môn bắn súng hay các chuyến tập huấn hàng năm trời như của VĐV Nguyễn Thị Ánh Viên.
Cho nên xem ra Asiad hãy còn là đấu trường quá lớn đối với TTVN!
VIỆT QUANG