ASIAD 19: Võ sĩ thần tượng Lý Liên Kiệt vượt qua khó khăn về tài chính, từ Afganishtan sang thi đấu tại Hàng Châu

So với các VĐV Syria, các VĐV đến từ Afganishtan thậm chí còn gặp nhiều khó khăn hơn khi muốn đến tham dự Đại hội thể thao châu Á tại Hàng Châu (Trung Quốc). Không chỉ vượt qua các khó khăn thách thức vì không có cơ sở hạ tầng tập luyện, ít chuyên môn, họ còn đối mặt với bài toán tiền bạc, tài chính cực kỳ nan giải. Võ sĩ wushu Khalid Hotak là một trong số đó.
Hotak đang tích cực tập luyện
Hotak đang tích cực tập luyện

Đoàn thể thao Afganishtan sẽ tham gia thi đấu trong 15 môn tại kỳ ASIAD 19 ở Hàng Châu. Đây sẽ là kỳ giải Asian Games đầu tiên của Afganishtan kể từ khi Taliban quay trở lại nắm quyền từ hồi năm 2021.

Á vận hội, vốn có nhiều VĐV tham gia thi đấu hơn cả Thế vận hội truyền thông sắp sửa khai mạc sau 1 năm bị đình hoãn vì chính sách không Covid của Trung Quốc, nhưng cũng chính vì vậy, khiến các VĐV Afganishtan gặp khó khăn hơn về tài chính.

Trong suốt thời gian vừa qua, Hotak và 3 người đồng đội rất tích cực tập luyện wushu, môn thi đấu võ thuật tương tự với kung fu của Trung Quốc, vào sáng sớm mỗi ngày tại Trung tâm huấn luyện của Liên đoàn, họ siêng năng rèn giũa và tập luyện các kỹ thuật ra đòn để hạ gục các đối thủ tại kỳ ASIAD 19.

Hotak chia sẻ với phóng viên của AFP về việc anh thích xem phim võ thuật Trung Hoa nhiều như thế nào và... thần tượng Lý Liên Kiệt ra sao. Dù gì thì gì, Lý Liên Kiệt cũng là Nhà vô địch wushu toàn Trung Quốc trước khi giải nghệ chuyển sang đóng phim.

“Tôi thường xem các phim Trung Quốc... Tôi muốn xem phim Lý Liên Kiệt đóng, tôi thích sức mạnh về cơ thể của anh ấy và khi tìm hiểu sâu hơn về anh ấy, tôi mới nhận ra rằng, anh ấy là một võ sĩ wushu trong quá khứ”, Hotak nói.

“Đó là lý do tại sao tôi đến CLB và đăng ký khóa học võ wushu. Ban đầu, tôi chỉ định đứng ở hàng phía sau và tập chơi chơi, nhưng rồi tôi đã nhận ra tiềm năng trong cơ thể của mình”, Hotak, người đã từng giành HCĐ tại kỳ ASIAD hồi năm 2018, tấm huy chương đầu tiên của... Afganishtan trong môn wushu nói về mối lương duyên với môn võ thuật này.

Chủ nhật này, ngày 24-9, khi wushu bước vào khai mạc tại ASIAD 19, Hotak sẽ nỗ lực tìm lấy một tấm huy chương khác nữa, không chỉ cho bản thân mà còn cho đất nước còn đầy khó khăn của mình”.

Ông bố một con đã chia sẻ thật lòng, đề cập cả đến những khó khăn mà anh - và các VĐV Afganishtan khác phải vượt qua khi đến thi đấu tại Hàng Châu: “Huy chương giành được từ Asian Games là rất quan trọng với toàn thể châu Á, nhưng đối với chúng tôi, chúng thậm chí còn quan trọng hơn nữa”.

Nền kinh tế của Afganishtan vốn phải vật lộn suốt hàng thập kỷ do chiến tranh, giờ đây, cuộc khủng hoảng càng thêm sâu sắc bởi các lệnh trừng phạt quốc tế với hệ thống ngân hàng và tài sản ở nước ngoài.

Dù chính quyền Taliban vẫn ủng hộ phát triển thể thao, nhưng Đoàn thể thao Afganishtan không thể nhận được sự hỗ trợ tài chính nào từ chính phủ để các VĐV có chi phí tham gia thi đấu ở đấu trường quốc tế.

Hotak kiếm được 13 ngàn Afgani (tiền Afganishtan, khoảng 155 EUR) trong vai trò cố vấn thể thao tại Cục Giáo dục thể chất của chính phủ. Đồng đội anh, anh Nasratullah Habibi (29 tuổi), người giành nhiều huy chương quốc tế trong môn thể thao này, lại sống khá khá giả dựa vào việc mở 3 CLB dạy Wushu.

Nhưng anh này thừa nhận, sức nặng về phúc lợi gia đình vẫn đề nặng tâm trí nhiều người và nó là lý do khiến nhiều chàng trai phải ngưng theo đuổi thể thao để ra ngoài tìm việc làm và nuôi sống bản thân, gia đình...

“Khi tôi ở đây để tập luyện cho Asian Games, tâm trí của tôi vẫn dành cho gia đình và việc tôi sẽ nuôi người nhà mình như thế nào. Còn khi tôi ở bên cạnh họ, tôi lại nghĩ về những trận đấu sắp tới”.

HLV đội tuyển wushu Afganistan, ông Mahfooz Wafaa tâm sự với AFP, không một ai ở trong ĐTQG được nhận lương cho những nỗ lực của mình: “Mọi người đều tữ bỏ tiền túi để tập luyện. Một số cậu nhỏ nói: “Thầy ơi, tụi em không có tiền trả tiền taxi để tham gia khóa huấn luyện”.

“Nhưng bởi vì thể thao là sự đam mê của chúng tôi, cũng là trách nhiệm của chúng tôi, nên chúng tôi không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải hoàn thành trách nhiệm của mình”, HLV Wafaa cho biết.

Do chính quyền Taliban chưa được bất kỳ quốc gia nào công nhận, các VĐV Afganishtan tham gia thi đấu tại Hàng Châu sẽ không chính thức mang cờ của Taliban. “Điều quan trọng họ vẫn tới đó, vẫn thi đấu đại diện cho Afganishtan”, ông Atal Mashwani, người phát ngôn của Tổng cục Giáo dục thể chất và thể thao, hiện quản lý các công việc của Ủy ban Olympic Afganishtan cho biết.

Một yếu tố khác: Phụ nữ ở trong nước sẽ không tham gia Đoàn thể thao hơn 120 người của Afganishtan, cũng vì chính sách của Taliban, dù trong bất kỳ vai trò nào - VĐV, HLV, giám sát viên... Nhưng một số phụ nữ Afganishtan từ nước ngoài sẽ gia nhập và có tên trong các môn thể thao như bóng chuyền, điền kinh và xe đạp.

Vượt qua tất cả, Hotak thậm chí còn ấp ủ giấc mộng “thắng Vàng” tại Hàng Châu, giải đấu anh tin rằng sẽ là giải đấu lớn cuối cùng trong sự nghiệp. Hotak cũng cho biết, anh vẫn muốn khuyến khích các con tham gia thể thao bất chấp khó khăn.

Cô con gái duy nhất của Hotak mới được 18 tháng, nhưng anh đã có kế hoạch cho cô bé: “Khi con bé lớn lên, tôi sẽ giúp con bé trở thành một VĐV giỏi dang”

Tin cùng chuyên mục