Bí mật thành công của Ấn Độ tại Asiad 19

Từ chỗ là điển hình cho trường hợp không phải cứ dân đông thì thể thao mạnh, thì tại Asiad 19, thể thao Ấn Độ được ví như “gã khổng lồ” được đánh thức.

Ấn Độ chỉ đoạt 70 huy chương, thành tích tốt nhất trong lịch sử, ở Asiad 18 tại Indonesia cách đây 5 năm; đã lần đầu vượt mốc 100 huy chương, vươn lên hạng 4 toàn đoàn tại Asiad 19. Họ đang đặt mục tiêu sẽ nhân đôi số huy chương tại Paris 2024 so với con số 7 ít ỏi tại Tokyo 2020.

Bình luận từ Hãng Reuters cho biết: “Kết quả ở TP Hàng Châu cho thấy việc tăng cường tài trợ và đầu tư vào thể thao có tính mục tiêu hơn trong những năm gần đây đang mang lại lợi ích. Ấn Độ không xây dựng chiến lược dựa vào lợi thế của quốc gia đông dân nhất thế giới, mà đề cao giá trị của các chiến thắng sẽ nâng tầm vị thế quốc gia”.

Ví dụ như điền kinh Ấn Độ đã có những bước tiến ở TP Hàng Châu, giành được đến 29 huy chương, trong đó tại môn ném lao, họ có 2 VĐV đứng đầu, bao gồm Neeraj Chopra, nhà vô địch thế giới lẫn Olympic đầu tiên của châu Á tại nội dung này. Nghĩa là thành công của môn ném lao không phải may mắn, mà do quá trình đầu tư chiều sâu của thể thao Ấn Độ. Cách tiếp cận của Ấn Độ là thay vì tổng quy mô dân số, thì việc “dân số tham gia hiệu quả” mới là vấn đề quan trọng. Ấn Độ lấy các bài học từ Nhật Bản, Australia để chuyển hướng đầu tư.

Việc phân bổ ngân sách cho thể thao đã tăng gần gấp đôi trong 10 năm qua, phần lớn ngân sách rót vào các môn thế mạnh như bắn súng, điền kinh, bắn cung. Trong đó có đề án Khelo Ấn Độ, tạo cơ hội cho khoảng 230.000 học sinh có tiềm năng thể thao được tập trung đào tạo thông qua 1.000 Trung tâm Khelo Ấn Độ tại các bang. Từ năm 2020, thể thao nằm trong chính sách giáo dục quốc gia của đất nước tỷ dân này.

Nếu năm 2018, Ấn Độ đã giành được huy chương ở 18 môn thể thao khác nhau, thì con số này tăng lên 22 vào năm 2023. Ở cả hai kỳ đại hội, hai thành tích đóng góp nhiều nhất đều đến từ điền kinh và bắn súng, nhưng tại TP Hàng Châu chứng kiến số VĐV thành công đông đảo ở 2 môn Olympic này. Và đáng chú ý hơn, HCV ở môn cầu lông cùng HCĐ đồng bóng bàn đã khiến Trung Quốc phải bắt đầu dè chừng các đối thủ đến từ Ấn Độ trong tương lai. Chi tiết này cũng cho thấy, không chỉ phát triển các môn sức mạnh như môn điền kinh, Ấn Độ vẫn thể hiện được các phẩm chất khéo léo của người châu Á.

Ấn Độ còn một chặng đường dài để bắt kịp Trung Quốc, nhưng họ không thiếu sự lạc quan. Chỉ hơn một năm trước, Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) đã đe dọa cấm Ủy ban Olympic Ấn Độ tham gia Olympic vì các vấn đề nội bộ, nhưng bây giờ thì chính Chủ tịch IOC Thomas Bach nói rằng Ấn Độ có đủ cơ sở để đăng cai Olympic 2036. Quốc gia này sẽ đăng cai phiên họp IOC tại Mumbai vào ngày hôm nay, 15-10 và chiến dịch tranh quyền đăng cai có thể sẽ là đề tài nóng sau thành công ở TP Hàng Châu.

Tin cùng chuyên mục