30-4-1975, hòa chung niềm vui của cả dân tộc nhưng dân thể thao ở Sài Gòn lúc bấy giờ cũng có những lo lắng, băn khoăn. Không rõ sau sự chuyển giao giữa hai chế độ, cuộc sống, công việc của họ sẽ như thế nào. Chỉ sau một thời gian ngắn, đã có lời giải đáp…
1. Ông Nguyễn Hữu Huy (70 tuổi) hồi tưởng: “Lúc đó, tôi dạy judo và aikido tại Trường Thể dục và quân sự Thủ Đức. Tôi rất vui khi đất nước hết chiến tranh nhưng cũng băn khoăn, lo lắng, không biết chính quyền cách mạng sẽ đối xử với mình ra sao, có được tiếp tục theo ngành thể thao nữa không vì bản thân đã làm việc cho chế độ Sài Gòn. Dù không nói ra nhưng có lẽ một số anh em khác cùng hoàn cảnh cũng mang tâm trạng như tôi”.
Sau một thời gian phụ vợ buôn bán nuôi con, khoảng tháng 7-1977, ông Huy không khỏi bất ngờ khi được mời dạy judo cho 800 học viên Trường Hạ sĩ quan Công an Rạch Dừa rồi sau đó là Trường Hạ sĩ quan an ninh Linh Đông (Thủ Đức), Phòng TDTT Bình Thạnh, Thành đoàn…
Được trở lại nghề cũ, ông Huy đã mang hết năng lực của mình dẫn dắt đội tuyển judo nước ta giành 6 HCV tại các kỳ SEA Games từ năm 1991 - 1999 và được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng ba. Vợ ông - bà Nguyễn Thị Ngọc Chi - cũng là một VĐV judo và từng đoạt huy chương tại Mékong Games tổ chức ở Sài Gòn vào tháng 6-1974...
2. Đất nước thống nhất, chàng trai 21 tuổi Đỗ Như Minh phấn khởi tiếp tục cống hiến tài năng cho chế độ mới. Biết bơi lúc 7-8 tuổi và đến năm 19 tuổi Như Minh đã đoạt HCB nội dung 100m bướm tại SEAP Games 7 (1973) ở Singapore với thành tích 1 phút 2 giây 15 - phá kỷ lục 1 phút 2 giây 30 của VĐV người Burma (nay là Myanmar).
Tại giải vô địch bơi toàn quốc lần thứ 1 năm 1977, Như Minh phá kỷ lục 100m bướm, 200m hỗn hợp, tiếp sức 4x100m tự do và là VĐV xuất sắc nhất giải. Cuối năm 1977, Đỗ Như Minh thực hiện nghĩa vụ quân sự tại Quân khu 7 hơn 4 năm rồi trở về công tác tại CLB Yết Kiêu. Từ 1985 đến 1989, Đỗ Như Minh học Đại học TDTT và tiếp tục công tác đến năm 2000. Dù rời khỏi ngành, ông vẫn theo nghiệp thể thao khi làm quản lý hồ bơi tại CLB Lan Anh.
Thừa hưởng gien của cha, hồi còn nhỏ, Đỗ Minh Quân (sinh năm 1984, con trai của ông Đỗ Như Minh) cũng mải mê với đường đua xanh và từng giành HCV Hội khỏe Phù Đổng. Nhưng mê quần vợt nên Minh Quân chuyển sang bộ môn này từ năm 12 tuổi. Năm 2002, Minh Quân lên ngôi vô địch quốc gia và là tay vợt số 1 của Việt Nam cho đến nay. Trên đấu trường quốc tế, anh cũng từng giành HCĐ đồng đội SEA Games 23, 24, 25.
Hiện nay, Minh Quân vẫn đang cầm vợt và theo học năm cuối Đại học TDTT để chuẩn bị cho tương lai khi giã từ sàn đấu.
3. Gia đình chị Nguyễn Thị Hoàng Nga có truyền thống thể thao nổi tiếng ở TPHCM. Các chị em ruột, vợ chồng, em rể, em dâu và con cháu đều gắn bó với sự nghiệp thể thao.
Hoàng Nga (56 tuổi) là VĐV điền kinh của Sài Gòn từ năm 1971 đến 1974 và từng là cựu kỷ lục gia nhảy xa. Sau ngày đất nước thống nhất, Hoàng Nga tiếp tục thi đấu và từng tham dự Olympic 1980. Hiện nay, bà Hoàng Nga đang công tác tại Đại học Hồng Bàng, chồng của bà - ông Nguyễn Hoàng Dũng, Tổng Thư ký Liên đoàn Quần vợt TPHCM và con gái là tuyển thủ quần vợt.
Trò chuyện trong lúc toàn dân kỷ niệm ngày thống nhất đất nước, bà Hoàng Nga mong ước ngành giáo dục và TDTT quan tâm tập trung đầu tư vào hệ thống trường học. Đây sẽ là nơi ươm mầm và trở thành nguồn cung cấp tài năng thể thao cho đất nước. Từ đó, tài năng sẽ không còn hiếm hoi mà sẽ có nhiều VĐV xuất sắc như Lý Đức, Nguyễn Tiến Minh, Trương Thanh Hằng…
NGỌC THIỆN