Chỉ vì thiếu nhân lực

Nếu nhìn sự hình thành, phát triển của nhiều môn thể thao tại Việt Nam trong 10 năm trở lại đây, bóng chuyền là môn xảy ra nhiều tranh cãi nhất. Tất cả các tranh cãi bắt nguồn từ khi việc chuyển nhượng VĐV được cho phép. Khi không làm được gì, tranh cãi có khi phải ra tòa phân xử.

Nếu nhìn sự hình thành, phát triển của nhiều môn thể thao tại Việt Nam trong 10 năm trở lại đây, bóng chuyền là môn xảy ra nhiều tranh cãi nhất. Tất cả các tranh cãi bắt nguồn từ khi việc chuyển nhượng VĐV được cho phép. Khi không làm được gì, tranh cãi có khi phải ra tòa phân xử.

Chủ công Nguyễn Hữu Hà (8) từng 2 lần bị các CLB chủ quản cấm thi đấu và Lê Quang Khánh là nạn nhân của cơ chế giữ người kỳ lạ trong bóng chuyền. Ảnh: T.L.

Năm nào cũng có chuyện

Phát súng đầu tiên và đình đám nhất về tranh cãi chuyển nhượng giữa VĐV với CLB chủ quản xảy ra năm 2010. Thời điểm này, cựu chủ công Nguyễn Hữu Hà muốn giải phóng hợp đồng rời CLB nam Tràng An Ninh Bình. Khúc mắc không giải quyết được và Hữu Hà vẫn là người của Tràng An Ninh Bình nên bị CLB cấm thi đấu. Sau 1 năm phải làm khán giả, Hữu Hà và lãnh đạo CLB Tràng An Ninh Bình mới ngồi lại được để bàn thảo chuyện giải phóng hợp đồng. Lúc đó, mức phí giải phóng ấn định 1,350 tỷ đồng. Đội bóng mới của Hữu Hà đứng ra giải quyết là Đức Long Gia Lai (cũ).

Năm 2011, trường hợp chủ công Nguyễn Văn Hạnh tranh cãi với CLB Tràng An Ninh Bình đã phải đưa nhau ra tòa phân xử. Cầu thủ này không bị cấm thi đấu nhưng việc tranh cãi là CLB muốn Nguyễn Văn Hạnh phải đền bù tiền phí đào tạo. Cuối cùng, mất 1 năm theo kiện tại tòa sơ thẩm và phúc thẩm, Hạnh bị thua kiện và phải bồi hoàn hơn 400 triệu đồng cho CLB Tràng An Ninh Bình. Khi giải quyết xong, Nguyễn Văn Hạnh đã khoác áo Đức Long Gia Lai (cũ). Cùng trong năm, libero Nguyễn Văn Sang đã bị CLB Long An đề nghị cấm thi đấu do tìm cách chuyển tới Đức Long Gia Lai. Sau cùng, cầu thủ này vẫn được chuyển nhượng do Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam (VFV) xác nhận không sai luật. Án phạt mà CLB Long An nhất quyết đưa ra đã không có giá trị chiếu theo các điều lệ thi đấu của giải VĐQG.

Cuối năm 2014, cựu cầu thủ Nguyễn Hữu Hà lần thứ 2 vướng khúc mắc. Hữu Hà tiếp tục không thể thi đấu trong năm tiếp theo (2015) do CLB cũ Đức Long Gia Lai “khóa” nhau ở những điều khoản riêng. Việc này đã được các bên (từ VĐV tới HLV và lãnh đạo đội Đức Long Gia Lai) nói rất nhiều. Không có sự thỏa đáng giữa 2 bên, Hữu Hà không được VFV chấp nhận cho thi đấu nên vắng mặt cả mùa giải VĐQG năm 2015.

Đầu năm 2016, chủ công Từ Thanh Thuận muốn rời đội XSKT Vĩnh Long. Đôi bên đã lên tiếng nếu không thỏa thuận được sẽ nhờ tòa án phán xử. Rất may, chuyện được giảm căng thẳng tối đa và Từ Thanh Thuận được chuyển tới Khánh Hòa thi đấu. Năm 2017 này, CLB Long An và chủ công Lê Quang Khánh đã rạn nứt. Ngày 13-3, Trung tâm huấn luyện thể thao Long An đã ra văn bản thông báo cấm hoạt động bóng chuyền đối với Lê Quang Khánh và nếu đơn vị nào muốn chuyển nhượng cầu thủ này phải được sự đồng ý của Trung tâm.

Thiếu người do cơ chế đào tạo

Những trường hợp tranh cãi trên, khúc mắc về sau đều được giải quyết ổn thỏa bằng chi phí chuyển nhượng. Riêng vụ tranh cãi của Hữu Hà và CLB Đức Long Gia Lai giai đoạn cuối năm 2014, không phải vấn đề tiền bạc do cầu thủ đã hết hợp đồng mà chỉ là rằng buộc cá nhân. Trường hợp của Lê Quang Khánh đang rất được chờ nút thắt sẽ sớm mở. Trao đổi mới đây, Trưởng bộ môn bóng chuyền Đào Xuân Chung xác nhận vướng mắc giữa CLB Long An và chủ công Lê Quang Khánh sẽ phải theo văn bản được gửi tới: “Lúc này chưa có văn bản gởi về Tổng cục TDTT và Liên đoàn bóng chuyền. Có văn bản, chúng tôi xem xét rồi mới xác minh cụ thể sự vụ được”.

“Việc chuyển nhượng cầu thủ là điều rất bình thường trong thể thao hiện đại. Đây là điều chúng ta phải chấp nhận ở một cuộc chơi chuyên nghiệp. Các giải bóng chuyền tại các quốc gia ở châu Á, châu Âu... đều có chuyển nhượng VĐV. Khúc mắc mà ai cũng biết ngoài chuyện tiền chuyển nhượng thì do VĐV giỏi quá ít nên không ai muốn bị mất người. Mất cầu thủ giỏi nhất thì đội bóng đương nhiên ảnh hưởng tổng thể”, một HLV đã chia sẻ. VFV quy định 1 đội dự giải VĐQG phải có đội bóng trẻ được đào tạo và thi đấu các giải trẻ trong năm. Ở nhiều đội bóng, số VĐV trẻ được đào tạo sau đó tiếp tục đưa lên tuyến 1 để nhận suất ra đấu chính thức không nhiều. Từng đội có đặc thù riêng từ áp lực thành tích tới đầu tư đào tạo VĐV trẻ và chế độ đãi ngộ VĐV. Thế nên, cầu thủ đã thành danh rất khó được “nhả” để ra thi đấu cho đội khác. Nếu 1 năm các đội đào tạo được nhiều tay đập chất lượng thì chuyện giữ người đã không căng thẳng như vậy.

NGUYỄN ĐÌNH

Tin cùng chuyên mục