Cho đến khi “nữ hoàng chân đất” Phạm Thị Bình chạm vạch đích, không có bất kỳ dấu hiệu gì cho thấy nhà vô địch Đại hội TDTT toàn quốc 2014 kiệt sức và cần chăm sóc y tế, các bác sĩ thể thao mới thở phào nhẹ nhõm. Kè suốt bên đường chạy của Phạm Thị Bình từ lúc xuất phát đến khi cô giành chiến thắng ở cự ly marathon nữ (dài hơn 42km) là chiếc xe cứu thương và đội ngũ y tế, sẵn sàng vào cuộc nếu sự cố xảy ra…
Cô gái 25 tuổi ấy vẫn chạy trong sự hồi hộp của nhiều người, vẫn đoạt HCV để tiếp tục chứng minh rằng ý chí và nghị lực phi thường đã giúp cô vượt qua nỗi sợ hãi bệnh tim, thắp sáng mãi tình yêu với điền kinh. Đấy có lẽ là một trong những hình ảnh xúc động nhất của kỳ Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 7 vừa kết thúc ít ngày trước. Nó càng trở nên đáng nhớ, bởi ngay sau khi đem về cho đoàn thể thao Quảng Ngãi tấm HCV, VĐV Phạm Thị Bình đã chính thức tuyên bố giải nghệ. Một đoạn kết ngọt ngào cho cô gái nhỏ nhắn này và nó buộc giới điền kinh Việt Nam phải thể hiện sự cảm phục đối với cô.
VĐV Phạm Thị Bình từng tự hào rằng vùng đất Quảng Ngãi kiên trung đã hun đúc ý chí phấn đấu trong cô ngay từ ngày đầu đến với điền kinh. Song sự nghiệp của Phạm Thị Bình không kéo dài như cô vẫn hình dung, vì những nguy cơ từ bệnh tim quái ác có thể đốn quỵ cô trên đường chạy bất cứ lúc nào. Nếu tiếp tục, Phạm Thị Bình sẽ đánh đu với số phận, mặc dù chính cô luôn thừa nhận đủ sức khỏe và quan trọng là đủ sự tự tin để theo đuổi nghiệp điền kinh.
Có những luồng ý kiến trái ngược quanh câu chuyện của Phạm Thị Bình, nhưng đa phần đều cho rằng VĐV này đã quá mạo hiểm, khi mà cự ly khắc nghiệt như marathon (dài hơn 42km) luôn vắt kiệt sức mọi VĐV, kể cả trong tập luyện lẫn thi đấu. Cô dừng lại lúc này thậm chí còn hơi muộn, bởi lẽ đã chơi thể thao, nhất là theo đuổi môn tiêu tốn sức lực kiểu như điền kinh, lại càng không nên nếu cứ sống chung với quả tim không thật khỏe mạnh trong lồng ngực.
Một số ít, trong đó có các đồng nghiệp của Bình, lại cho rằng cô là tấm gương của nghị lực vượt khó, của ý chí vươn lên mà họ cần phải học, cần coi đấy như là động lực để phấn đấu hết mình vì sự thịnh vượng của điền kinh Việt Nam. Tức là, hình ảnh của “nữ hoàng chân đất” rất giàu ý nghĩa nhân văn.
Bình chia tay điền kinh ở tuổi 25. Trước đó, còn một nhà vô địch tuyệt đối nữa trên đường chạy trung bình nữ cũng ngậm ngùi bỏ dở sự nghiệp đang thăng hoa - VĐV Trương Thanh Hằng. Hậu quả của tai nạn mà Trương Thanh Hằng gặp phải trong một buổi tập ngoài trời ở bãi biển Đà Nẵng đã tước đi giấc mơ đổi vận cho điền kinh Việt Nam ở đấu trường Asiad và Olympic. Khi đó, Trương Thanh Hằng vừa tròn 26 tuổi, độ tuổi sung sức nhất đối với một VĐV thi đấu cự ly trung bình.
Suốt gần 2 năm qua, VĐV từng vô địch châu Á, không có đối thủ ở Đông Nam Á đã nỗ lực tập luyện với cái chân không còn lành lặn như trước và phải gắn rất nhiều đinh vít. Trương Thanh Hằng vốn nổi tiếng với khát vọng chiến thắng. Song đến bây giờ, cô gái vàng ấy buộc phải thừa nhận chỉ có phép màu mới giúp được cô trở lại với vẹn nguyên phong độ thuở nào.
Nhưng phía trước của hai VĐV Phạm Thị Bình và Trương Thanh Hằng vẫn còn cả tương lai rộng mở, khi họ chuyển sang công tác huấn luyện. Nhiều thế hệ VĐV tài năng trẻ khác đang chờ được 2 “nữ hoàng” ấy phát hiện và đào tạo, truyền cho ngọn lửa đam mê, ý chí và nghị lực vươn lên từ chính họ, để điền kinh Việt Nam sớm biến giấc mơ Olympic còn dang dở thành hiện thực…
LÊ HÙNG