Vũ Văn Huyện và mục tiêu Olympic London 2012: 8.000 điểm là mơ ước

Cùng với Vũ Thị Hương và Trương Thanh Hằng, “người không phổi” Vũ Văn Huyện được đánh giá là 3 gương mặt chủ lực của điền kinh Việt Nam ở đấu trường quốc tế. Năm 2011, Huyện cũng nằm trong nhóm chỉ tiêu giành vé dự giải VĐTG và đoạt vé chính thức dự Olympic London 2012. Thế nhưng, đỉnh cao Olympic theo Huyện không phải cứ nói là thực hiện được.
Vũ Văn Huyện và mục tiêu Olympic London 2012: 8.000 điểm là mơ ước

Cùng với Vũ Thị Hương và Trương Thanh Hằng, “người không phổi” Vũ Văn Huyện được đánh giá là 3 gương mặt chủ lực của điền kinh Việt Nam ở đấu trường quốc tế. Năm 2011, Huyện cũng nằm trong nhóm chỉ tiêu giành vé dự giải VĐTG và đoạt vé chính thức dự Olympic London 2012. Thế nhưng, đỉnh cao Olympic theo Huyện không phải cứ nói là thực hiện được.

Vũ Văn Huyện đang tích cực phấn đấu giành vé chính thức dự Olympic 2012.Ảnh: Việt Hùng

Vũ Văn Huyện đang tích cực phấn đấu giành vé chính thức dự Olympic 2012.Ảnh: Việt Hùng

Cơ hội 50-50

Đấu trường SEA Games thì chắc cú đối với Vũ Văn Huyện, vì anh đang là nhà vô địch “bất khả chiến bại” ở nội dung 10 môn phối hợp. Thế nhưng, năm 2011 có 2 đích ngắm quan trọng mà không chỉ Huyện, điền kinh Việt Nam cũng đang phải nhắm tới: giải VĐTG tại Deagu (Hàn Quốc, tháng 9) và SEA Games 26 ở Indonesia vào tháng 11. Cao hơn, chính là chiếc vé chính thức dự Olympic London 2012 mà điền kinh Việt Nam ước mơ từ lâu rồi.

Có thể, với Vũ Thị Hương và Trương Thanh Hằng, chỉ tiêu đạt chuẩn B ở các cự ly 100m và 800m thuận lợi và dễ dàng hơn, thì với Huyện, cột mốc 8.000 điểm (dự tính là chuẩn B của Olympic năm tới) là thách thức rất lớn. “Người không phổi” thừa nhận: “8.000 điểm là ước mơ của bản thân em. Nhưng để đạt tới cột mốc đó, em cần nhiều yếu tố khác hỗ trợ, từ kế hoạch tập luyện, thi đấu đến chọn thời điểm bùng nổ… Ai cũng bảo em vẫn còn đủ sức để vươn đến cột mốc ấy, mừng vì mọi người đặt niềm tin, nhưng lại lo vì nói thực nó chỉ là 50-50”.

Huyện bảo năng lực của anh đã đạt đến đỉnh, và chiếc HCĐ lịch sử giành được ở Asian Games 2010 trên đất Quảng Châu cuối năm ngoái đã bao gồm toàn bộ sức lực của mình. Nhưng theo đánh giá của các chuyên gia Đức và cả HLV Vadim, họ vẫn cho rằng giới hạn thành tích của Huyện chưa dừng lại ở 7.775 điểm như vừa qua? “Ai cũng có những mục tiêu để phấn đấu và em không phải ngoại lệ. Bản thân em thậm chí còn muốn vượt qua thành tích 8.000 điểm để coi đó là thời điểm kết thúc sự nghiệp, nhưng mơ ước là một đằng, còn biến nó thành hiện thực lại là chuyện khác”, Vũ Văn Huyện nói.

Trước mắt, cứ tập luyện cái đã, Huyện bảo thế, còn được đến đâu thì hay đến đấy. Hơi ngạc nhiên về điều này, người viết thắc mắc: “Vì sao lại thế?”. “Dễ hiểu thôi anh. Xưa nay, em cũng như nhiều VĐV chỉ vò võ tập một mình. Giao tụi em cho chuyên gia xong thì hình như là xong, chứ làm gì có ai quan tâm mấy đến chuyện thăng tiến hay không thăng tiến thành tích đâu. Chỉ đến khi nào giành được huy chương, có lẽ mới được nhắc đến tên thôi. Có lẽ, chỉ có báo chí mấy anh mới quan tâm đến chuyện tụi em tập luyện và thi đấu ra sao mà thôi”, Huyện giãi bày.

Năm nay, nghe đâu điền kinh Việt Nam quyết tâm đầu tư lớn, chi nhiều kinh phí để các “mũi nhọn” Vũ Thị Hương, Trương Thanh Hằng “luyện vàng” châu lục. Nhưng đúng là từ đầu năm đến giờ, chẳng ai nhắc đến tên Vũ Văn Huyện, ngoài giới truyền thông lâu lâu vẫn điểm tên anh vào kế hoạch chinh phục SEA Games, giải châu lục, thế giới và cả mục tiêu đưa điền kinh Việt Nam lần đầu góp mặt ở Olympic bằng cửa chính thức.

Căng thẳng với chuyện học, chuyệp tập

Sau nhiều lần lưỡng lự, rốt cuộc, Huyện cũng buộc phải nhập trường Đại học TDTT Từ Sơn. Lý do thì dễ hiểu: “Phải học thôi anh, lớn tuổi rồi. Với lại, nếu không học lúc này, vài năm nữa khi nghỉ rồi mới cắp sách đi học thì muộn mất cơ hội. Phải học để lấy tấm bằng cử nhân, xong mới tính tiếp. Em đã bỏ qua nhiều cơ hội rồi, nếu tạm ngưng nữa thì chẳng biết ngày mai sẽ ra sao”, Huyện bày tỏ.

Chính vì vừa theo học chuyên ngành điền kinh, vừa phải tập luyện cùng chuyên gia Vadim phục vụ các mục tiêu lớn của điền kinh Quân đội nói riêng và Việt Nam nói chung, thành ra Huyện gặp khá nhiều khó khăn. Anh cho biết: “Chắc chắn em sẽ bị phân tâm với 2 chuyện cùng lúc. Bài vở và những buổi tập là 2 thứ hoàn toàn khác nhau. Nếu tập trung quá cho 1 chuyện, có khi lại hỏng chuyện kia. Vì vậy, điều cốt yếu là tìm được cách dung hòa cả hai”.

Rơi vào tình cảnh “thân này… phải xẻ làm hai”, đúng là chẳng thể đòi hỏi quá nhiều ở Vũ Văn Huyện, người đã hy sinh hết mình cho sự cường thịnh của điền kinh Việt Nam vài năm trở lại đây. Anh lính chơi nội dung “chua” nhất của điền kinh chưa từng bị bất kỳ ông thầy nào (kể cả chuyên gia nước ngoài) phàn nàn về thái độ tập luyện và tinh thần thi đấu, bắt đầu thấy… lo cho chuyện vừa học vừa tập của mình.

Năm nay, có thể Huyện sẽ bảo vệ thành công chiếc HCV ở SEA Games 26, nhưng giấc mơ Olympic theo anh nó vẫn chỉ dừng ở mức 50-50…

THANH LÂM

Tin cùng chuyên mục