Chiến thắng lịch sử của Hiếu Hoa - Quahaco
Ở sự kiện lịch sử, khi một giải đấu cấp quốc gia thuộc hệ thống Vietfootball được tổ chức lần đầu tiên tại TPHCM, Hiếu Hoa - Quahaco cũng đã đi vào lịch sử.
Đại diện của bóng đá miền Trung đã đánh bại SHB trên loạt sút luân lưu cân não và trở thành đội bóng đầu tiên của Khu vực này, giành một danh hiệu sân 7 cấp quốc gia danh giá.
Trước đó, Hiếu Hoa - Quahaco đã từng lọt đến chung kết VPL - S4, nhưng họ để thua Đại Từ trong trận đấu chung kết.
Trong suốt 4 mùa giải của VPL và cả 2 mùa giải của VSC trước đó, các đội bóng lên ngôi vô địch đều là những đại biểu của 2 miền Bắc Nam (đặc biệt, miền Bắc vô địch tại cả 2 kỳ VSC trước đây).
Thế nên, khi Hiếu Hoa - Quahaco lên tiếng, lịch sử bóng đá sân 7 của Việt Nam đang bắt đầu được viết lại và bóng đá miền Trung đang vươn lên mạnh mẽ!
Chiến thắng của Hiếu Hoa - Quahaco ở Vòng chung kết VSC - S3 cũng cho thấy là, hướng đi đầy “mạo hiểm” của ông bầu Lê Thế Nghĩa bắt đầu thành công, và gặt hái được quả ngọt.
Trước đó, “bầu” Nghĩa chấp nhận chấp dứt cuộc chơi khá gập ghềnh ở sân chơi futsal để tập trung vào bóng đá sân 7, thời điểm ban đầu với ông, chắc chắn có vô vàn khó khăn...
Chiến thắng của SVĐ Gia Định, của không khí phủi Sài Gòn
Trước Vòng chung kết của VSC - S3, SVĐ Hoàng Mai (Trung tâm VHTT & TT Quận Hoàng Mai) vẫn được biết đến như là “thánh địa của bóng đá phủi Việt Nam”.
Hàng loạt VCK của các hệ giải đấu trực thuộc Vietfootball, như VPL, VSC đều được tổ chức thành công ở đây, với khán đài đông nghịt người, CĐV sống động và ồn ã.
Tuy vậy, sau những ngày “trẩy hội” cuối tuần rồi, SVĐ Gia Định xứng đáng được tôn lên trở thành “thánh địa mới của bóng đá phủi Việt Nam”.
Những chỗ ngồi chật kín trên khán đài, khán giả tràn xuống cả đường piste, thậm chí là quây kín sân số 1 ở trong trận đấu chung kết giữa Hiếu Hoa - Quahaco vs SHB, rồi cả bầu không khí sôi động không chỉ với những CĐV dễ thương đến từ Hà Nội... SVĐ Gia Định vừa trải qua những khoảnh khắc tươi đẹp nhất.
Bãi xe không còn chỗ để và bảo vệ đành phải báo với các vị khán giả: “Không thể nhận thêm xe khách nữa rồi!”, những chỗ ngồi được “điền kín” - và đi trễ là phải đứng xem dưới đường piste.
Ở nơi đó, không còn chỗ cho thứ quan điểm "hẹp hòi và phát xét tiêu tực": “Người Sài Gòn mà mê bóng đá cái gì?? Tổ chức VCK trong đó làm chi?”, “Chẳng có ai đi xem đâu mà thông báo gửi xe bãi khác”...
Mặt sân cỏ dày và đẹp, những buổi chiều nắng tươi với không khí mát mẻ của TPHCM, thay thế cho mặt cỏ sát ở Hoàng Mai và những ngày mùa Đông Hà Nội.
Khán giả vẫn đông nghẹt, sự kết hợp giữa những CĐV cực-vui-cực-sôi-động (đặc biệt là CĐV của Thiên Khôi) với những vị khán giả đầy kiên nhẫn và trung thành ở đất Sài Gòn, hệ giải đấu của Vietfootball mới vừa có cuộc “chuyển đổi trạng thái thành công” giữa 2 miền phủi Bắc - Nam, mà vẫn giữ được nhịp thở sống động!
Và chiến thắng của Vietfootball
Hồi chục năm trước, khi nghe HPL ra mắt rầm rộ ở Hà Nội, nhiều người cứ nghĩ, tưởng nghe chuyện kể cổ tích đêm khuya.
Nhưng không, đó là giải đấu phong trào sân 7 "người thật việc thật", thu hút lượng khán giả đến sân đông kỷ lục, nhiều khi, nhiều trận đấu tại V-League cũng phải ước ao sở hữu bầu không khí và lượng khán giả tương tự.
Rồi hệ giải tương tự, cũng do Vietfootball tổ chức, mang tên SPL, được ra mắt tại TPHCM, từ 2018 đến nay, dần trở nên lớn mạnh và là món ăn tinh thần không thể thiếu của giới mộ điệu làng phủi Sài Gòn.
Từ cú hích của SPL, các giải sân 7 phong trào nở rộ tại TPHCM và giờ đây, bất kỳ giải đấu nào, dù lớn đến nhỏ, được tổ chức, BTC đều phải dùng đến tiêu chí - lăng kính của Vietfootball để tính toán và cân đo đong đếm, đánh giá chất lượng...
Để mang một Vòng chung kết, vốn đã “thành danh”, có lượng khán giả tốt từ Hà Nội vào Sài Gòn, nơi người dân có tính cách nhẹ nhàng, sống tình cảm, kém sôi động khi ủng hộ, hẳn là trăn trở và bài toán rất lớn của Vietfootball.
Nhưng sau những gì rạng rỡ tại SVĐ Gia Định, chắc chắn, họ đã chứng minh được rằng, mình “không sai” khi “không ngại mạo hiểm chuyển đổi trạng thái”.
Vòng chung kết VSC - S3 tại TPHCM là một khoảnh khắc của lịch sử. Từ đây, người người sẽ đều hiểu rằng, người dân ở vùng miền nào cũng đều mê bóng đá như nhau, khán giả sẽ đến sân xem thi đấu nếu giải đấu có chất lượng, BTC làm việc chỉn chu và bài bản, để tạo ra một lễ hội thật sự.
Sau TPHCM, miền Trung hẳn sẽ là điểm hướng tới tiếp theo cho một Vòng chung kết tập trung, tất nhiên ở đây không tính đến kỳ giải VSC - S1 tổ chức theo nguyên tắc bong bóng vì dịch Covid-19 và các đội được mời hoặc tuyển lựa từ trước, rồi không phải trải qua thi đấu vòng loại.