Wushu vượt khó xây lực lượng
TPHCM cùng với Hà Nội vẫn là 2 địa phương đi đầu trong nỗ lực du nhập và phát triển môn wushu so với cả nước, kể cả phong trào lẫn chuyên nghiệp. Những võ sĩ như Phùng Thị Mỹ Linh, Trần Lê Thanh Trúc (Taolu biểu diễn), Lê Tuấn Anh (tán thủ)… đã có những thành tích nổi bật ở các giải đấu lớn trong nước và quốc tế.
Theo chị Nguyễn Thị Huyền Diệu (Trưởng bộ môn wushu TPHCM), phong trào wushu đã len lỏi đến khắp địa bàn TPHCM nhiều năm qua. Trong số này, nhiều đơn vị mạnh đóng góp nhiều gương mặt cho đội tuyển như quận 3, quận 5, quận 6, Gò Vấp, Tân Bình… TPHCM cũng chứng minh được vị thế của mình qua thành công ở giải đấu như thành tích hạng 3 toàn đoàn với 6 HCV, 12 HCB, 7 HCĐ ở giải trẻ quốc gia 2022. Tuy nhiên, một thực trạng mà wushu TPHCM đang gặp phải đó là nội dung tán thủ (đối kháng) phát triển mạnh hơn so với nội dung Taolu.
Gần 20 năm gắn bó với bộ môn wushu, võ sĩ kỳ cựu của đội tuyển TPHCM Phùng Thị Mỹ Linh cho rằng, nội dung tán thủ phát triển hơn và được nhiều người, nhất là giới trẻ lựa chọn luyện tập cũng là điều dễ hiểu. Bởi tương tự như bộ môn quyền Anh, nội dung này đáp ứng được nhu cầu rèn luyện kỹ năng tự vệ cho người tập luyện, một kỹ năng cần thiết trong cuộc sống hiện nay. “Trong khi các nội dung Taolu thiên về biểu diễn và chú trọng về nội lực hơn, từ đó mới cảm biến được động tác, tạo thành một bài biểu diễn có tiết tấu. Mà những điều như nội lực, khí công, cảm xúc hay thái cực phải trải qua rất nhiều năm khổ luyện mới tập thành. Do đó rất ít bạn trẻ kiên trì tập luyện nội dung này”, Mỹ Linh nói.
Cũng theo chia sẻ của võ sĩ Phùng Thị Mỹ Linh, điều kiện địa điểm và dụng cụ tập luyện của wushu TPHCM còn gặp khá nhiều khó khăn. Hiện TPHCM chỉ có 1-2 địa điểm là có thảm sàn đủ chuẩn để phục vụ luyện tập chuyên nghiệp. Trong khi ở một số quận, huyện, các VĐV sẽ không có thảm chuẩn để luyện tập mà thực hiện trực tiếp trên sân nền hoặc may mắn hơn là được tập trên thảm nhựa của bộ môn karate.
Chị Nguyễn Thị Châu Ngân (HLV đội trẻ wushu TPHCM) cũng thừa nhận rằng, để đào tạo ra một VĐV Taolu thật sự rất khó, có khi sau một đợt đào tạo 20 VĐV ban đầu theo lộ trình vài năm, chỉ có thể chọn ra được một tuyển thủ hoặc không có em nào để tiếp tục định hướng phát triển đỉnh cao. Từ nguồn VĐV đầu vào ở các giải học sinh, trẻ thành phố, ban huấn luyện sẽ cho các em tập luyện và thi đấu tại giải toàn quốc, nếu có thành tích thì các em mới được tuyển chọn vào đội tuyển wushu TPHCM. “Thông thường trong 1 năm, chúng tôi chỉ tuyển được khoảng 3 em, sau thời gian đào tạo chuyên nghiệp khoảng 5 năm hoặc có thể kéo dài hơn mới đào tạo được… một em. Ở wushu nội dung Taolu, việc đào tạo không thể gấp gáp, HLV phải theo sát từng VĐV để hạn chế nhất việc chấn thương trong lúc tập luyện. Do đó, ít VĐV có thể kiên trì theo đuổi con đường đỉnh cao đến cùng”, HLV Châu Ngân cho hay.
Taekwondo vuột dần đối kháng
Quay trở lại trở khứ, những thành công đầu tiên của võ thuật Việt Nam trên đấu trường quốc tế có sự đóng góp không nhỏ của TPHCM, với thế hệ những võ sĩ tài năng, như: Trần Quang Hạ, Hồ Nhất Thống, Nguyễn Đăng Khánh, Nguyễn Thị Huyền Diệu, Lê Thị Kim Hương… ở các hạng cân đối kháng. Trong đó, ở đấu trường Asiad, Trần Quang Hạ và Hồ Nhất Thống lần lượt giành HCV tại các kỳ đại hội 1994 và 1998.
Song trong những năm gần đây, thành tích ở nội dung biểu diễn quyền lại “qua mặt” nội dung đối kháng khá nhiều, tiêu biểu là thành tích nhiều lần giành HCV giải vô địch thế giới do Châu Tuyết Vân cùng các đồng đội đạt được. Ở giai đoạn 2014-2017, thành tích của các võ sĩ nội dung đối kháng TPHCM từ cấp độ đội tuyển trẻ cho đến đội tuyển thành phố đều tụt lại khá xa so với các tỉnh, thành khác.
HLV tuyển trẻ taekwondo TPHCM Nguyễn Hữu Nhân cho rằng, lý do dẫn đến sự đi xuống ở nội dung đối kháng vì cạnh tranh quốc tế ở nội dung đối kháng (môn Olympic) cao hơn nội dung quyền rất nhiều. Ngoài ra, sự đầu tư về kinh phí tập huấn cũng như thi đấu dồn vào cho quyền nhiều hơn cũng là một phần nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên.
Thực tế hiện nay cho thấy, taekwondo TPHCM có lực lượng năng khiếu dồi dào, được đào tạo bài bản và giành nhiều thành tích tốt ở các giải thiếu niên quốc tế. Tuy nhiên, khó khăn lại xảy ra khi đến cấp độ trẻ mà các VĐV được yêu cầu cao hơn về thể lực. “Đa số VĐV đối kháng trẻ ở TPHCM còn khá e dè với con đường thể thao chuyên nghiệp, dẫn đến việc không tập trung cho việc tập luyện nên chỉ khoảng 1 buổi tập trong 1 ngày. Điều này dẫn đến tình trạng không đảm bảo thể lực khi các em thi đấu, một yếu tố chiếm đến 60%-70% với thi đấu taekwondo hiện tại”, HLV Hữu Nhân nói.
Vì những lý do trên đã khiến lực lượng VĐV đối kháng càng lên tuyến trên thì càng mỏng, không có nhiều sự cạnh tranh và sàng lọc để chọn ra được nhân tố tốt nhất giành thành tích cao ở các đấu trường. Có lẽ nếu những vấn đề trên không sớm được giải quyết, cộng thêm xu hướng taekwondo đối kháng hiện tại, rõ ràng ở những đấu trường lớn rất khó khăn để TPHCM giữ được vị thế nếu không có sự thay đổi trong khâu tuyển chọn VĐV chuyên nghiệp và sự hỗ trợ kịp thời để đảm bảo việc tập luyện.