VFF: Còn gì để mất?

1. Những phát biểu chỉ đạo thẳng thắn của Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng tại Đại hội thường niên VFF vừa qua nếu quan sát kỹ sẽ thấy đó đều là những vấn đề đã được báo chí phản ánh rất kỹ, rất nhiều suốt từ đầu năm đến nay. Mà một khi những ý kiến từ dư luận lại được chính cơ quan quản lý tổng kết để chỉ đạo thì có nghĩa VFF chả tiếp thu được gì từ dư luận dù đây là một tổ chức xã hội nghề nghiệp. Dư luận nói, không nghe, liệu cấp trên nói có nghe không?

Tổng cục TDTT cũng có nỗi khổ riêng. Là nơi chịu trách nhiệm trước Chính phủ và Nhân dân về nền bóng đá nhưng “đụng” tới VFF là vướng quy định của FIFA. Đưa cán bộ sang thì sẽ bị nói là “cài cắm”, tạo “cánh tay nối dài”, mà như nhiệm kỳ 7 này, có muốn đưa sang cũng không. Nhìn vào danh sách BCH khóa 7, rõ ràng VFF gần như đã độc lập so với Tổng cục. Ấy vậy mà phải để ông Tổng cục trưởng nhắc lại những điều mà xã hội đã nói, chẳng hiểu suốt thời gian qua VFF làm gì?

2. Nhìn vào danh sách những thành viên trong BCH của VFF khóa 7, ngoài Tổng Thư ký Lê Hoài Anh còn trẻ và ít có uy tín trong giới, ông Trần Anh Tú thì chỉ chuyên mảng futsal, những người còn lại đều khá lớn tuổi và quan trọng hơn, đều là “cây đa cây đề” tại VFF. Chủ tịch Lê Hùng Dũng ngồi đến 4 khóa cùng với ông Phan Anh Tú, Nguyễn Hồng Thanh, Trần Quốc Tuấn. Riêng ông Lê Nguyên Hồng thì tham dự đến 5 khóa VFF. Như vậy, 70% nhân sự lãnh đạo của VFF vừa là những người có vai vế, uy tín xã hội, vừa có thâm niên làm việc trong tổ chức này. Tuổi tác của họ cũng đã lớn, gần như không thể tham gia khóa tới. Hơn ai hết, chính họ là những người dễ dàng quyết liệt và theo đến cùng việc cải tổ bộ máy cũng như nền bóng đá. Ai cũng nói, vào VFF chẳng được lợi lộc gì, nhưng lý do gì ngồi lâu đến vậy?

Chủ tịch Lê Hùng Dũng từng ngồi đến 4 khóa VFF. Ảnh: Minh Hoàng

Nói cách khác, VFF khóa 7 có một thuận lợi mà chẳng khóa nào có được đó là: không có gì để mất. Với từng đó năm đi cùng sự trì trệ của tổ chức mình, đang đối đầu với những thách thức của đời sống bóng đá, đang chứng kiến sự tuột dốc không thể chối cãi của nền bóng đá trên mọi góc độ, hơi ai hết các lãnh đạo VFF phải là người quyết liệt nhất trong việc đổi mới.

3. Bóng đá Việt Nam cần một cuộc cải tổ thực sự, tận gốc rễ chứ không phải là câu chuyện đội tuyển quốc gia nên đá theo kiểu nào, HLV là ai? Nó phải bắt đầu từ khâu đào tạo và hệ thống bóng đá phong trào ở cơ sở. Câu chuyện về HA.GL và học viện đào tạo đặt tại Pleiku cho thấy vai trò của VFF đối với các địa phương là quá mờ nhạt. Tất nhiên, để tìm ra người có nhiều tiền làm bóng đá như bầu Đức là không dễ nhưng việc đào tạo cầu thủ theo bài bản tại HA.GL – Arsenal đâu phải là quá khó. Việc đào tạo ở HA.GL - Arsenal nghe thì ghê gớm nhưng thực ra, quan trọng nhất vẫn là quyết tâm, sự kiên trì trong 5-7 năm liên tục trong hoạt động đào tạo. Việc đó, nếu không có sự giúp đỡ từ VFF thì chẳng địa phương nào chịu “hy sinh” nhiều đến như vậy trước áp lực tài chính.

Lẽ ra, những người cao tuổi và giàu kinh nghiệm của VFF phải tập trung vào việc xây dựng nền tảng chứ không phải tổ chức đại hội để bàn những chuyện tiểu tiết.

Hồ Việt

Tin cùng chuyên mục