V-League bán không ai mua

1. Nhà tài trợ Eximbank chính thức rút chân khỏi bóng đá, ngay lập tức V-League mất ngay nguồn thu tối thiểu 30 tỷ đồng mà Eximbank đã rót đều đều 4 năm qua. Theo tính toán của Công ty VPF - đơn vị điều hành các giải đấu chuyên nghiệp - mùa giải 2015 cần ít nhất 50 tỷ đồng để có thể tổ chức các giải đấu. Còn con số đạt yêu cầu phải từ 60 - 80 tỷ đồng.

Đến thời điểm này, tức là chưa đầy 1 tháng trước khi mùa giải chính thức khai mạc, VPF vẫn chưa thể công bố tên tuổi nhà tài trợ chính cho các giải đấu dù đang tiến hành đàm phán với 3 - 4 doanh nghiệp trong và ngoài nước. Theo ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức), nếu không có nhà tài trợ chính thì sẽ chuyển sang hướng tìm nhiều nhà tài trợ với các khoản nhỏ hơn để gom lại, đủ mục tiêu kinh phí đề ra.

V-League bán không ai mua ảnh 1

Sau khi Eximbank rút lui, V-League 2015 vẫn đang “khát” nhà tài trợ. Ảnh: HOÀNG MINH

2. Với các doanh nhân tầm cỡ như ông Đoàn Nguyên Đức, Võ Quốc Thắng đang tham gia điều hành Công ty VPF thì có thể nói, trước sau gì thì V-League cũng sẽ có tiền. Ví dụ như mùa trước, giờ cuối Ngân hàng Kienlongbank, nơi ông Võ Quốc Thắng làm Chủ tịch HĐQT cũng đã “ôm” 2 giải cúp quốc gia và hạng nhất, còn Tập đoàn HA.GL của bầu Đức thì rót thêm 10 tỷ đồng “ủng hộ” V-League.

Tuy nhiên, bản chất vấn đề không thay đổi: V-League bán không ai mua, ngoài những “người trong nhà”. Sự rút lui của Eximbank cho thấy điều đó. Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng không thể thuyết phục HĐQT của ngân hàng này tiếp tục tài trợ cho V-League. Điều này có nghĩa, việc tài trợ này hoàn toàn không hiệu quả nên dù có tình cảm, có “người nhà”, số tiền cũng không quá lớn đối với một ngân hàng, nhưng cũng không thể tiếp tục. Với một đối tác thân thiết như vậy mà còn không thuyết phục được, liệu “người ngoài” có hứng thú với V-League hay không?

3. Để thuyết phục HĐQT Eximbank rót tiền cho V-League, ông Lê Hùng Dũng từng dẫn chứng số tiền 30 tỷ đồng bỏ ra không quá lớn nếu so với số lượng quảng cáo trên truyền hình mà Eximbank được hưởng. Còn hiện nay, các nhà điều hành VPF lại đang hy vọng hiệu ứng từ đội U.19 Việt Nam, đội tuyển quốc gia tại AFF Cup 2014, sẽ khiến các nhà tài trợ quan tâm đến bóng đá Việt Nam hơn. Điều này có nghĩa, tự thân hoạt động thi đấu của V-League không đủ sức hấp dẫn mà phải nhờ đến những yếu tố phụ.

Người ta lý giải rằng V-League có quá nhiều tiêu cực, chất lượng thi đấu không tốt nên không đủ sức hấp dẫn doanh nghiệp tham gia. Tuy nhiên, cần phải thấy rằng suốt 3 - 4 năm qua, việc kiếm tiền cho V-League năm nào cũng gặp khó khăn chứ không phải riêng mùa này. Rõ ràng, công tác quảng bá hình ảnh, khả năng tiếp thị và vận động tài trợ của những nhà quản lý V-League là nguyên nhân chính chứ không thể “đổ thừa” cho chất lượng của V-League.

Chưa bao giờ bóng đá nội lại tràn ngập trên sóng truyền hình quốc gia như hiện nay, khán giả đến sân vẫn không sút giảm nhiều so với trước đây, thế nhưng các doanh nghiệp vẫn cứ thờ ơ. Cụ thể: gói tài trợ thấp nhất mà Công ty VPF đang chào bán chỉ 5 tỷ đồng/mùa giải với hàng chục bảng quảng cáo trên 14 sân vận động và hàng chục giờ phát sóng truyền hình, nhưng suốt cả mùa trước cũng chỉ bán được cho 1 đối tác là Tập đoàn Becamex, vốn cũng chỉ là “người nhà”.

Vì thế, trước khi nói về chất lượng của V-League, các nhà tổ chức cần xem lại công nghệ tổ chức của mình, nhất là trong lĩnh vực kinh doanh khi họ đang có nhiều doanh nhân tầm cỡ tham gia điều hành Công ty VPF.

Đăng Linh

Tin cùng chuyên mục