*Biến mất trong 60 giây”, hay kết liễu trong hiệp 1?
Và như lẽ thường, cả “Gã điên Ailen” lẫn “Viên kim cương nước Mỹ” đều dốc hết sức lực cho… “cuộc chiến ngôn từ”, cho “cuộc khẩu chiến” trước giờ thượng đài, vốn cũng đã mang đậm màu sắc của phim hành động - kungfu của điện ảnh Hollywood. Cả 2 đều dùng những lời lẽ sặc mùi “xã hội đen” nhất để hăm dọa nhau, và chẳng ai tỏ vẻ e sợ ai!
Hồi tuần trước, dù thể hiện “sự tôn trọng” dành cho “thủ hạ bại tướng” của mình, McGegor vẫn nghiêm mặt đe dọa trong một video-clip được đăng công khai trên Fanpage UFC Europe: “Tôi thích Dustin. Tôi nghĩ anh ta là một võ sĩ giỏi. Nhưng tuyệt vời là, đẳng cấp vẫn thuộc về bản thân tôi. Tôi sẽ KO, sẽ khiến đối thủ biết mất chỉ trong 60 giây…”.
Vài ngày sau, hôm 15-1, “Gã điên Ailen” McGregor vẫn tiếp tục “khủng bố tinh thần” đối thủ khi đăng tải suy nghĩ và quan điểm của mình trên “một trong những võ đài ưa thích của anh trên mạng xã hội” - vốn là tài khoản Instagram chính chủ của anh này: “Anh muốn có một trận chiến báo thù ư? Anh sẽ nhận lại được cả một cuộc chiến tàn khốc”.
Đương nhiên, Poirier cũng không vừa, anh này đã đáp trả bằng lời răn đe có độ sát thương cũng rất là cao: “Tôi sẽ hạ KO McGregor ngay ở trong hiệp đấu đầu tiên. Đây là cách mà tôi đã thấy trước về trận đấu báo thù của mình. Tôi giỏi hơn Conor, các bạn sẽ chứng kiến điều đó trong trận chiến"
"Trong suốt 6 năm vừa qua, tôi luôn bước vào lồng sắt bát giác chống lại những kẻ giỏi nhất, và vẫn luôn dính vào các trận thách đấu tranh đai vô địch. Trong ngần ấy năm, tôi đã đánh bại, nếu tôi không nhầm lẫn, thì có đến 5 nhà cựu vô địch (ám chỉ đến những võ sĩ tên tuổi như là Max Holloway, Eddie Alvarez, Justin Gaethje…). Vì thế, ngay vào lúc này, đơn giản là tôi chỉ đi qua một thời khắc khác, tương tự với những lần trước thôi!”.
McGregor có thực lực gì, thứ tuyệt chiêu gì để đe dọa đối thủ, khiến cho Poirier “sẽ biến mất trong 60 giây”? Theo như là võ sĩ người Nga, anh Vyacheslav Vasilevsky, McGegor có những chiêu thức… chống lại cả mọi định nghĩa trong văn thư, sách vở, trong các cuốn “võ phổ”. Chính điều đó, chứ không phải “sự huênh hoang khoác lác”, kỹ năng chửi người mạt hạng và coi trời bằng vung, thích làm màu ở trên Twitter - Instagram… mới là thứ tạo ra McGregor.
Mọi người vốn đã quen với việc nhìn thấy McGregor ra đòn KO bằng “viễn quyền” (quyền xa tay trái). Nhưng vấn đề chính ở đây không phải là thứ tuyệt chiêu đã được nhiều người trông thấy và nhận biết, mà là sự ngụy trang và tấm bình phong. “Cận quyền” tay phải của McGregor luôn duỗi ra xa, không giữ ở gần thân người để bảo vệ phần đầu, cũng không bảo vệ cả cơ thể, mà nó luôn nằm ở cơ chế chờ, sẵn sàng phóng đi như tên lửa.
1-Tiên quyền (cận quyền) - hậu quyền (viễn quyền)
“Tiên quyền (cận quyền tay phải - do quyền tay phải anh này gần với cơ thể đối thủ nhất) của Conor lại là một câu chuyện khác. Anh ta luôn cảm giác được đầu quyền và lòng chưởng này. Anh ta đánh vào tay đối thủ, nhưng không phải cứ như vậy, với lòng bàn tay của anh ta. Anh ta cảm giác được khoảng cách với đối thủ nhờ chiêu này. Cộng thêm việc, dùng tiên quyền đánh vào tay đối thủ như thế sẽ khiến cho đối thủ tức giận, mất bình tĩnh, bắt đầu phụ thuộc vào nhịp điệu thi đấu của anh ta. Giống một con ruồi vo ve khó chịu”.
Cũng nhờ vào chiêu thức này, từ một cú chạm của “tiên quyền” Conor McGregor sẽ cảm nhận được khoảng cách từ cơ thể đối thủ với “hậu quyền” (hay còn gọi là “viễn quyền” - quyền ở xa cơ thể đối phương hơn), để từ đó, võ sĩ người Ailen tung cú với tay trái, một cú ra quyền KO đầy uy lực, mang tính chết chóc với sát thương cực kỳ to lớn.
“Conor cũng tính toán thời điểm, nắm bắt thời cơ cực tốt. Anh ta biết khi nào phải xuất quyền, ra đòn. Nhịp quãng ngắn, sau đó nhanh dần lên và rõ ràng hơn. Khi Aldo khẽ lướt đến gần vị trí của Conor, đó cũng là khi đầu quyền trái của McGregor “bắt kịp” gương mặt của đối thủ. Đúng người và đúng thời điểm!”, Vasilevsky giải thích trận đấu đó.
Xét về lý thuyết, nếu “xuất tướng” theo cách này, McGregor sẽ tự gây nguy hiểm cho bản thân. Việc không đưa 2 tay cao quá đầu để bảo vệ mặt và đầu, thứ mà các võ sĩ quyền Anh hay chơi các môn võ thiên về xuất quyền đã được dạy dỗ khi còn nhỏ xíu, nghĩa là mặt và đầu của anh phơi thẳng ra trước tầm tấn công của đối thủ, cả bằng chiêu quyền lẫn đòn cước.
Tuy vậy, sẽ là quá ảo tưởng nếu cứ bám vào mớ lý thuyết này, trong MMA, do găng mỏng hơn quyền Anh, việc giơ 2 tay quá đầu để phòng thủ không mấy hiệu quả, người ta dễ dàng xuyên thủng hệ thống phòng ngự găng mỏng của đối phương. Với cách “xuất tướng” như thế này, Conor có sự cơ động sẵn sàng né tránh khi kẻ thù xông lên (thay vì cứ mãi trông chờ vào “công sự” 2 găng tay), kiểm soát được khoảng cách và phản kích đúng thời điểm…
2-Bộ tấn rộng, kiểm soát các đòn vật và kiểm soát di chuyển (bộ tấn của Lý Tiểu Long)
Trong vài năm trở lại đây, HLV hàng đầu ở hạng cân nặng của UFC, ông Alexander Volkov luôn trông thấy McGregor sử dụng “lặp đi lặp lại” kỹ thuật của Lý Tiểu Long, đặc biệt là bộ tấn rất rộng. Trong lồng sắt bát giác của UFC, rất hiếm có người sử dụng bộ tấn này, nghĩa là việc nhìn thấy bộ tấn rộng này ở UFC chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay.
“Mọi thứ chỉ mang tính cá nhân. Trong quyền Anh, người ta tin rằng việc dùng bộ tấn rộng là rất không tốt. Nó cản trở sự thăng bằng, khó di chuyển. Nhưng Conor lại linh hoạt như con thoi, vì thế anh ta cảm thấy thoải mái. Cộng thêm nữa, bước đi của Conor dễ dàng hơn, khiến anh vững vàng hơn và đứng tự tin hơn. Điều này cho phép anh ta phản ứng một cách mạnh mẽ. Vì một khi bạn bị quật xuống sàn đài, hành động đầu tiên là dang rộng chân càng nhiều càng tốt. Và đôi chân của Conor luôn dang rộng khi phải vào thế đánh sàn!”.
Nhờ bộ tấn và kỹ năng di chuyển này, Conor có thể đa dạng hóa các đòn tấn công của mình. Về cơ bản, mọi người đều chờ đợi và dè chừng các pha xuất quyền của anh ta, vì thế, anh ta có thể kết nối định kỳ với đôi chân của mình. “Anh ta có thể dạy đổi đối thủ bằng đầu quyền, lòng chưởng, và sau đó là “bam”, một cú hạ quyền thấp hoặc xoay trở bộ. Tôi nghĩ, Conor có một trường phái đánh quyền đặc biệt. Anh ta giỏi đánh lạc hướng, nhưng cũng có các chiêu thứ đa dạng. Vì McGregor tạo bất ngờ, nó gây áp đảo”, Vasilevsky nói.
Trong sự nghiệp đấu MMA - UFC của mình, McGregor thường xuyên thắng KO đối thủ ngay ở hiệp 1, hiệp 2 (anh 19 lần hạ KO đối thủ ngay ở 2 hiệp đấu đầu tiên, chủ yếu bằng các đòn quyền, đôi khi bằng chiêu cước, trong đó có 9 chiến thắng KO ở trong lồng sắt bát giác của đấu trường UFC). Có thể nói, dù đó là những chiêu trò xưa cũ, nhưng thế đứng điệu bộ, dáng dấp của McGregor luôn khiến các đối thủ mắc câu và sớm xông lên…
“Conor hoạt động mạnh ngay từ những giây phút đầu tiên, nhưng không phải là kẻ chủ động. Anh ta không bao giờ gấp rút lao lên phía trước, nhưng với bộ pháp, dáng đứng rộng và di chuyển phù hợp với thế bát giác của lồng, Conor gây ra đủ áp lực để đối thủ buộc phải lao lên và rơi vào cái bẫy phản đòn của anh ta!”, Vasilievsky giải thích.
“Bộ tấn rộng, cơ thể giữ thăng bằng tốt, Conor sẵn sàng lùi lại, tiến lên một bước rồi lùi lại, nhử đối thủ lao lên. Cứ thế, tiến tiến lại lùi lùi, anh ta chưa bao giờ lao sấn sổ vào đối thủ dù thường thắng KO từ rất sớm. Kỹ năng “đốt cháy giai đoạn” của Conor phải nói là tuyệt hảo. Còn nếu dối thủ không lao lên, anh ra sẽ nhử đối thủ lùi sát về hàng rào bao lồng”.
Chưa tính tiền bản quyền truyền hình (chỉ được tổng kết sau khi sự kiện UFC 257 kết thúc), Conor McGregor sẽ nhận được 5 triệu USD trong trận đấu với Dustin Poirier. Nhiều nguồn tin cho hay, khoản tiền này sẽ tăng thành mức tổng 20 triệu USD dựa theo lợi nhuận của PPV. Trong khi đó, Poirier sẽ có ít nhất 1 triệu USD (nhiều nhất ở trong sự nghiệp)… |