Từ việc thanh tra vụ “bầu Hiển và các đội bóng” - Trách nhiệm VFF ở đâu?

Chưa bàn đến việc thanh tra Bộ VH-TT-DL tiến hành xác minh vai trò của bầu Hiển ở 2 đội bóng Hà Nội T&T và SHB Đà Nẵng, chỉ riêng việc 2 đội này song song tồn tại suốt 4 năm qua mà đến bây giờ mới tiến hành các biện pháp kiểm tra “xuất xứ” thì rõ ràng là không đúng.

Dư luận bức xúc về chuyện của bầu Hiển một thì bất bình về sự buông lỏng quản lý của VFF nhiều lần hơn. Giả sử như kết luận thanh tra của bộ cho thấy bầu Hiển làm sai thì cũng cần phải nghiêm khắc với hoạt động của VFF chứ không thể cứ để tổ chức này “vui thì vỗ tay vào”, có chuyện thì lại nhờ cậy người khác như đã từng xảy ra với “cuộc chiến truyền hình”.

Cần phải thấy rằng, trách nhiệm của VFF là rất lớn. Thực tế cho thấy - với khá nhiều mục đích khác nhau, cả tốt lẫn xấu - các doanh nghiệp có thời điểm ào ạt đầu tư vào bóng đá. Việc này không ai cấm. Tuy nhiên, VFF chính là nơi điều tiết các mối quan hệ trong lĩnh vực bóng đá. Chính tổ chức này đã buông lỏng quản lý nên mới dẫn đến tình trạng “bong bóng bóng đá” như hiện nay.

VFF đã từng được AFC (LĐBĐ châu Á) hướng dẫn về cách tổ chức bóng đá chuyên nghiệp với 7 tiêu chí. Thậm chí họ còn “dọa” là nếu không hội đủ thì sẽ “cấm cửa” bóng đá Việt Nam. Trong 7 tiêu chí đó, có 2 bước vô cùng quan trọng, đó là: Báo cáo tài chính có kiểm toán và các CLB phải là doanh nghiệp. Nếu như ngay từ đầu, VFF kiểm tra kỹ 2 tiêu chí này thì chắc chắn những hiện tượng như “một bầu và nhiều đội bóng” hay giá trị ảo cầu thủ cũng như các mánh lới làm ăn trên thị trường chuyển nhượng khó mà bát nháo như hiện nay.

Nếu kiểm soát được 2 tiêu chí đó, VFF sẽ dư sức biết các CLB dùng tiền như thế nào, tiền của ai, có hợp pháp không. Kế đến, có thể xác định các CLB có đủ năng lực làm chuyên nghiệp không dựa trên cơ cấu ngân sách. Không thể có bóng đá chuyên nghiệp nếu các nguồn thu cơ bản như vé, đồ lưu niệm, truyền hình chỉ chiếm chưa đến 10% doanh thu.

Như vậy, việc VFF phải nhờ cậy đến thanh tra của bộ là chuyện hết sức đáng buồn. Đấy là chưa nói, chuyện của bầu Hiển và các đội bóng “rõ như ban ngày”. VFF là người kiểm soát cuộc chơi mà không quản lý nổi thì dù có nhờ thanh tra đi nữa, bản chất vấn đề vẫn là trách nhiệm của VFF. Thế nên có người ví von: VFF như người ăn ốc mà bắt người khác phải đổ vỏ. 

VIỆT QUANG  

Những vụ việc tiêu biểu 

* Đội hạng nhì Xuân Thành Hà Tĩnh mua suất đá hạng nhất của đội V&V rồi sau đó “chuyển hộ khẩu” vào TPHCM đổi tên thành Sài Gòn Xuân Thành mặc dù không có các tuyến trẻ, không có trụ sở công ty quản lý, cũng chẳng có nơi ăn, tập luyện thuộc sở hữu.

* Đầu mùa V-League 2012, vừa thăng hạng, Sài Gòn Xuân Thành đổi tên thành Sài Gòn FC với một công ty quản lý mới. Nhưng chưa kịp thi đấu, công ty này rút lui, trả đội bóng về lại cho tập đoàn Xuân Thành để rồi giữa mùa giải phải đổi tên lại thành Sài Gòn Xuân Thành.

* Giữa mùa V-League 2008, doanh nghiệp Xi măng Công Thanh bất ngờ nhận đội Thanh Hóa. Rồi vì không chuyển tiền trả lương, thưởng cho CLB, nhà tài trợ này bị xóa tên và Thanh Hóa rớt hạng. Nhưng ngay khi Thanh Hóa vừa rớt hạng, lại tiếp nhận đội Thể Công và đổi tên thành Lam Sơn Thanh Hóa. Chẳng thấy ai hỏi một đội bóng không có tiền đến mức phải xuống hạng và bị xóa sổ đội hạng nhất nhưng lại có tiền để mua suất và thi đấu chuyên nghiệp dù chẳng hề có bất kỳ doanh nghiệp nào làm chủ sở hữu.

Đ.LINH

Tin cùng chuyên mục