
Khán giả đến sân vì cái gì nếu không phải vì tình yêu với bóng đá (hiểu theo nghĩa rộng), với đội bóng của mình (cụ thể). Thật ra, cuộc hành trình từ thích xem bóng đá cho đến yêu mến một đội nào đó là rất dài, có khi chẳng bao giờ với tới được. Thế nhưng, khoảng cách giữa yêu và ghét lại vô cùng mong manh.
Thử xem 2 hình ảnh tương phản: Một CS.Đồng Tháp cái gì cũng thiếu nhưng lại được người hâm mộ yêu mến qua từng vòng đấu và họ đang dẫn đầu V-League hết sức thuyết phục với 4 trận toàn thắng trên sân nhà. Một B.Bình Dương nhiều cái rất thừa nhưng sân Gò Đậu càng ngày càng như cái lò lửa. Không biết chính sách mở cửa miễn phí của CLB còn được áp dụng hay không, nhưng mối quan hệ của đội bóng và CĐV nhà đang thê thảm y hệt như thành tích của họ từ đầu giải đến nay.
Tại sao lại có sự tương phản đến vậy? Tại sao người ta thích đến sân xem một đội bóng chẳng có ngôi sao nào đá, trong khi chỗ khác lại sẵn sàng nhục mạ chính những ngôi sao của mình?
Như đã nói, từ yêu đến ghét rất mong manh. Phải mất rất lâu, Bình Dương mới được sự yêu mến, để sân Gò Đậu lúc nào cũng đông khán giả. Yêu càng nhiều thì ghét càng nhiều. Cái cảm giác hụt hẫng vì kỳ vọng nhiều quá đã khiến người hâm mộ chuyển thái độ nhanh chóng. Đội đá càng dở, khán giả càng mang cảm giác bị lừa phỉnh bởi tên tuổi của các ngôi sao. Họ tức giận. Họ trở nên thiếu kiềm chế và thế là xung đột.
Còn CS.Đồng Tháp, lúc nào cũng ở thế yếu, lúc nào cũng khó khăn nhưng đá trận nào, ra trận đó. Nhiều cầu thủ CS.Đồng Tháp hiện vẫn không hài lòng với chế độ của đội bóng nhưng họ vẫn chơi tốt nhờ tình yêu của khán giả nhà. Dù sao, đấy cũng là “những người thân của họ”, là quê hương của họ.
Sự khác nhau, có lẽ nằm ở đó.

B.Bình Dương sẽ lấy lại niềm tin nơi người hâm mộ trong thời gian tới? Ảnh: Dũng Phương
Chửi mắng cầu thủ là điều chẳng có gì hay ho nhưng thú thật, đấy là quyền của người hâm mộ.
Tất nhiên, có phê bình cũng phải đàng hoàng chứ không thể lôi tên cha, mẹ của cầu thủ ra mà chửi. Nhưng để điều chỉnh thái độ trên khán đài thì không dễ chút nào, vô cùng mất thời gian bởi khán đài có nhiều thành phần, nhiều kiểu văn hóa khác nhau.
Cái điều chỉnh dễ nhất chính là đội bóng. Thắng thì không nói làm gì, nhưng nếu thua thì cũng thua thế nào cho ra dáng một tập thể chơi bóng vì khán giả. CS.Đồng Tháp đã thua, rồi cũng có thể mất điểm trên sân nhà nhưng chắc chắn là không ai quay lưng với họ. B.Bình Dương có thể vài trận tới sẽ thắng nhưng chắc gì có lại được tình yêu như cũ.
Chưa chứng tỏ được gì, các ngôi sao của họ còn quay lại phản ứng với khán giả. Người hâm mộ có lý do để tức tối: B.Bình Dương bị loại khỏi Cúp Quốc gia cũng trên sân nhà, thua những đội “nhà nghèo” Khánh Hòa, SLNA trên sân nhà, suýt nữa còn bị Thanh Hóa bôi xấu trong một trận đấu khác. Cầu thủ thì đi chơi bị chém… Những điều tệ hại liên tục xảy ra với một đội bóng mà giá trị chuyển nhượng bằng 2 đội như CS.Đồng Tháp cộng lại thì bảo sao không tức giận chứ!
Hơn nữa, đa số các cầu thủ Bình Dương là từ nơi khác đến. Họ kiếm tiền ở đây, kinh doanh nghề tay trái ở đây, thành danh ở đây. Đất Bình Dương cho họ quá nhiều, nên nói cho cùng, họ còn phải cố mà “lấy lòng” khán giả Bình Dương nhiều hơn việc các cầu thủ Đồng Tháp đã làm với “người thân của mình”. Đằng này… Thế mà sao không tức được!
Từ tình yêu đến sự thù ghét rất mong manh. Từ ghét đến việc dùng nắm đấm còn nhanh hơn nữa. Một đội bóng nổi tiếng thì cầu thủ luôn phải chịu nhiều áp lực. Đã là cầu thủ chuyên nghiệp, lẽ ra càng phải biết kiềm chế. Thế nhưng, đến nay đã bao giờ có cầu thủ Bình Dương nào lên tiếng xin lỗi khán giả vì sự yếu kém của mình hay không? Nếu có hành động đó, chắc gì đã xảy ra những chuyện tồi tệ như vừa qua.
Nói gì thì nói, Bình Dương phải cố gắng lấy lại hình ảnh của mình. Đây đâu phải là lúc cầu thủ của họ hay ông Trưởng BTC sân chế thêm dầu vào lửa. Người khán giả gây hấn kia có thể đã đi quá xa trong việc phê phán nhưng dù giải thích thế nào, lỗi vẫn nằm ở đội bóng.
Gầy dựng một tình yêu mới khó chứ chuyển từ nói chuyện sang đánh nhau thì dễ quá.
Hồ Việt