Đề xuất bán một số cơ sở thể thao trong nội thành TPHCM để lấy tiền khai thông việc xây dựng Khu liên hợp thể thao Rạch Chiếc đã gây nên bức xúc trong dư luận nhiều ngày gần đây. Đa số đều không đồng tình, thậm chí cho rằng, đấy là đề xuất thiếu trách nhiệm. Nhưng phía sau đề xuất đó, còn có quá nhiều điều để thấy rằng thể thao TPHCM đang thiếu hẳn một định hướng mang tầm chiến lược.
Điều bất ngờ của đề xuất do một phó giám đốc sở VH-TT-DL vừa qua đó là bán sân Hoa Lư, địa điểm mà trước đó đã được UBND TP chỉ đạo khác, dựa trên đề án phát triển thể thao TPHCM do một phó giám đốc sở phụ trách thể thao soạn thảo, qua đó, nhiều cơ sở nội thành sẽ chuyển đổi thành các trung tâm huấn luyện thể thao đỉnh cao. Điều này có nghĩa, ngành thể thao TPHCM vẫn chưa hoàn toàn xây dựng một chiến lược hoàn chỉnh, có tính định hướng xuyên suốt. Mọi thứ chỉ mới dừng ở mức độ xin chủ trương, còn khi nào tiến hành và tiến hành ra sao thì chưa biết.
Thế mới có chuyện, người nghĩ thế này, người làm thế khác. Câu chuyện về khu Rạch Chiếc 12 năm nằm trên bàn giấy là minh chứng rõ nét nhất cho cái vòng luẩn quẩn của thể thao đỉnh cao TPHCM. Bên cạnh đó, các vấn đề khác như: đầu tư thiếu trọng điểm các môn phổ biến; khai thác thiếu hiệu quả công năng các cơ sở vật chất; hoạt động yếu kém của các liên đoàn thể thao…
Trong khi đó, với vị thế của một thành phố lớn, trung tâm kinh tế hàng đầu Việt Nam như TPHCM, rất cần ngành thể thao có những “cú đấm” thật sự để tạo thế dẫn đầu như đã từng có trước đây. Ấy vậy mà đến nay, kế hoạch đăng cai SEA Games 2017 hay một phần của Asiad 2019 vẫn nằm trên giấy dẫn đến khu Rạch Chiếc cũng cùng chung cảnh ngộ. Liên đoàn Bóng đá TPHCM đã đến nhiệm kỳ thứ 5 vậy mà lại định hướng “làm phong trào” thay vì phát triển đỉnh cao đi đầu trong xu thế chuyên nghiệp. Các bộ môn bóng chuyền, điền kinh sa sút chưa từng thấy, hoàn toàn đánh mất vị thế số 1 vốn thuộc về thành phố cách đây không lâu.
Khả năng đóng góp cho thể thao quốc gia của TPHCM hiện chiếm tỷ lệ trung bình thay vì là chủ lực. Kể từ khi cùng đăng cai SEA Games 2003 đến nay, thay vì được tạo đà để phát triển, thể thao đỉnh cao thành phố thụt lùi đến mức báo động. Thế nhưng, hiện vẫn chưa có một định hướng chiến lược, một “cú đấm” nặng ký nào thì thật đáng buồn.
Đề xuất bán các cơ sở nội đô để lấy tiền làm khu Rạch Chiếc cho thấy ngay trong ngành thể thao, cũng có những đánh giá bi quan về triển vọng phát triển. Cái nào cũng có nguyên nhân của nó: Cứ tháng này đến năm nọ trôi qua mà những cơ sở vốn dành cho đỉnh cao cứ giậm chân tại chỗ, dần thay đổi công năng, phục vụ mục đích ngoài ngành thì đương nhiên, chuyện nghĩ đến việc bán đi cũng là dễ hiểu.
Thực tế cho thấy, thể thao TPHCM cần thay đổi toàn diện bắt đầu từ một chiến lược toàn diện có tầm nhìn tối thiểu phải 10 năm. Nếu không có một “cú đấm” đích thực, giải quyết các vấn đề về khu Rạch Chiếc hay thay đổi công năng của các cơ sở nội đô cũng chỉ là giải pháp tức thời, dễ dẫn đến chuyện lãng phí hoặc tái diễn cảnh “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” mà thôi.
Đăng Linh