Khi Uruguay bổ nhiệm “bật thầy” Marcelo Bielsa làm HLV hồi tháng 5, họ đã tham gia một “trào lưu”. Lionel Scaloni đã dẫn dắt Argentina đến vinh quang tại World Cup. Chile được quản lý bởi Eduardo Berizzo. Paraguay dưới quyền Guillermo Barros Schelotto. Bolivia do Gustavo Costas dẫn dắt. Colombia là của Néstor Lorenzo và Venezuela cũng chọn một người Argentina là Fernando Batista. Như vậy, có đến 7/10 quốc gia khu vực Nam Mỹ có HLV người Argentina. Trong khi đó, dù Peru có HLV bản địa còn Ecuador là một người Tây Ban Nha, thì thời kỳ thành công của 2 nền bóng đá này đều do HLV đến từ Argentina huấn luyện.
Chỉ có Brazil đứng ngoài trào lưu và như đã biết, họ hiện không có HLV trưởng. Những ứng viên của họ đều đến từ châu Âu. Tất nhiên là họ không thể đưa một người Argentina đứng đầu Selecao nhưng việc phải chờ Ancelotti, đến từ Italy vốn là một nơi có mối quan hệ rất gần với Argentina, cũng nói lên nhiều điều.
Tại sao Argentina lại trở thành nơi cung cấp các HLV nhiều đến vậy. Vì không chỉ ở Nam Mỹ, “chất” Argentina đang phủ đầy các băng ghế huấn luyện tại năm giải đấu lớn của châu Âu. Thử kể tên: Diego Simeone, Mauricio Pochettino, Jorge Sampaoli, Tata Martino, Bielsa. Thậm chí ở giải vô địch Brazil, thì Flamengo và Atlético Mineiro cũng đang dùng HLV Argentina. Có người đã nói rằng, nó đến từ phẩm chất cá nhân của những người Argentina, hay có thể ví đó là những “con gián”, một loại vật có từ thời cổ đại, tồn tại một cách bền bỉ theo kiểu “cố mà sống sót”.
Lịch sử đất nước, yếu tố địa lý và sự pha trộn văn hóa rất rõ nét từ châu Âu đã khiến cho người Argentina có máu “xê dịch”. Họ hướng ra thế giới nhiều hơn các quốc gia khác ở Nam Mỹ, đặc biệt là “trở về” với quê hương tổ tiên họ: Italy. Kể từ thời điểm năm 1924, khi CLB Torino ký hợp đồng với tiền đạo Julio Libonatti từ Newell's Old Boys, các cầu thủ Argentina “đổ bộ” qua Italy. Có 3 cầu thủ sinh ra ở Argentina trong đội tuyển Italy vô địch World Cup năm 1934. Một trong số họ, Luis Monti, đã từng là đội trưởng của Argentina trong trận chung kết World Cup 1930. Đó là truyền thống, và khi nền kinh tế Argentina lâm vào tình trạng vỡ nợ ở 2 thập niên gần đây, thì người Argentina càng tăng nhu cầu xuất ngoại.
Trong thế giới bóng đá, có lẽ chỉ người Hà Lan mới là “đối thủ” của người Argentina khi nói về những vấn đề mang tính cách mạng về chiến thuật thi đấu. “Họ tìm kiếm chúng tôi vì chúng tôi là những người yêu thích chiến thuật” Gustavo Alfaro, HLV Argentina từng dẫn dắt Ecuador tại World Cup cho biết. “Chúng tôi có những trường phái tư tưởng khác nhau đã nuôi dưỡng và rèn giũa từ bé”. Argentina có quá nhiều thiên tài chơi bóng bằng kỹ thuật cá nhân nhưng họ cũng không thiếu những bật thầy chiến thuật như Menotti , Bilardo hay Biesla đến mức mà trong thập niên 80, đã xuất hiện các thuật ngữ “menottismo” và “bilardismo” rồi sau này có “bielsismo”. Chính Pep Guardiola cũng từng “thọ giáo” Bielsa. Không phải là học cách huấn luyện mà là tiếp nhận những tư tưởng trong cách tổ chức trận đấu theo kiểu của người Argentina.
HLV Pekerman, người từng 3 lần vô địch U20 World Cup và là thầy của nhiều siêu sao Argentina cũng như HLV của các đội Argentina, Clombia, Venezuela |
Argentina đã giành được 5 trong số 7 kỳ World Cup dành cho lứa tuổi U20 từ năm 1995 đến 2007. Mặc dù họ cũng chỉ vừa mới có danh hiệu World Cup thứ 3 với Messi thiên tài nhưng cứ mỗi lần thất bại thì Argentina lại đi tìm con đường mới để chiến thắng. Một nền bóng đá có cả Maradona lẫn Messi, có Simeone lẫn Riquelme, Pablo Aimar, thì chưa bao giờ ngừng tuôn chảy ý tưởng chơi bóng. Có 3 cầu thủ vô địch World Cup 2022 từng là thành viên của đội Argentina vô địch U20 lần cuối cùng (2007) là Lionel Messi, Ángel Di María và Papu Gómez. Hãy nhìn cái lộ trình dài đằng đẩy ấy để thấy sức bền của bóng đá Agentina. Họ không dừng lại, kể cả thất bại, và vì thế mà họ tương thích với mọi thách thức trong nghề huấn luyện.
HLV Scaloni cùng đội trưởng Messi |
HLV Scaloni là hiện thân cho những giá trị của các nhà cầm quân Argentina: thực dụng, không giáo điều, nghiêm túc, chăm chỉ và thoải mái khi làm việc với cả cầu thủ lẫn chuyên gia phân tích dữ liệu. Điều này tương phản với Brazil, nơi các HLV hiếm khi tìm được việc làm ở châu Âu. Ở Argentina, tranh luận là một thứ văn hóa và nguồn gốc Italy lại bổ sung chất sáng tạo.