Trận chiến cuối cùng

1. Ở tuổi 32, Nguyễn Tiến Minh vẫn đang gánh vác trọng trách của cầu lông Việt Nam. Tấm vé đến Olympic 2016 nếu không do tay vợt người TPHCM đem về thì cũng khó ai lấy được, ngay cả đối với người đồng nghiệp Vũ Thị Trang ở nội dung đơn nữ. “Cày” hết giải quốc tế này đến giải mời nọ, Tiến Minh quả thật trường sức trong môn chơi vốn tiêu tốn rất nhiều thể lực.

Suy cho cùng, đấy cũng là cách duy nhất giúp anh giữ gìn danh tiếng của tay vợt thành công nhất trong lịch sử cầu lông Việt Nam. Tất nhiên, ngoài điều đó, đấy là cơ hội mưu sinh không thể tốt hơn, bởi lẽ thắng giải ở hệ thống Challenge hay Open ở nước ngoài, tay vợt này cũng được tưởng thưởng bằng những khoản tiền xứng đáng.

Phía sau anh vẫn đang là khoảng trống mênh mông, buộc Tiến Minh phải bước tiếp, dù đôi khi như chính anh thừa nhận, sức đã gần tàn, lực cũng sắp kiệt. Mà cũng khó tìm được tay vợt trẻ nào có thể thay thế đàn anh trong tương lai, dù thời gian gần đây cũng đã xuất hiện một vài gương mặt thuộc diện tiềm năng như Phạm Cao Cường, Bảo Đức…

Tức là, trong cuộc chạy đua đến đấu trường Olympic năm tới, Nguyễn Tiến Minh vẫn đơn độc. Đấy chính là trận-chiến-cuối-cùng của anh sau 2 kỳ Thế vận hội liên tiếp có suất chính thức. Lúc đỉnh cao nhất, Tiến Minh từng nằm trong tốp 10 thế giới, đoạt HCĐ thế giới và cũng nhờ vậy, cầu lông Việt Nam mới được biết đến trên bản đồ năm châu.

Tiến Minh đang đấu giải ở Mỹ, cần mẫn tích lũy điểm để góp mặt trong số những tay vợt đến thẳng Brazil 2016. Anh đau đáu một giấc mộng vinh quang ở đấu trường khắc nghiệt nhất của thể thao, dẫu biết rằng chiến thắng là điều khó khăn. Nhưng trăn trở hơn khi ngoái nhìn lại và nhận ra rốt cuộc nếu mình không quyết tâm và nỗ lực đến cùng, sẽ chẳng còn ai tạo dựng được niềm tin nơi giới làm nghề và trong lòng người hâm mộ cầu lông.

2. Tương tự Tiến Minh, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh - người mà thể thao Việt Nam mãi về sau này còn phải nhắc đến tên vì bảng vàng thành tích vang dội trên trường quốc tế - cũng sẽ bước vào trận-chiến-cuối-cùng ở Olympic 2016. May mắn hơn đôi chút, Xuân Vinh đã lấy vé chính thức, chỉ còn chờ lúc lên đường và hoàn thành giấc mơ vàng trong sự nghiệp lẫy lừng của mình.

Xạ thủ đeo quân hàm đại tá của Quân đội nhân dân Việt Nam đã kinh qua nhiều trận chiến thể thao, mà ở đó anh được nếm trải đủ vinh quang và cay đắng. Vinh từng đoạt ngôi vương World Cup ở cái tuổi trên 40 mà chẳng ai nghĩ tới. Vinh từng giữ ngôi số 1 thế giới trên bảng tổng sắp ở nội dung sở trường. Nhưng anh cũng từng nhiều lần thẫn thờ vì để vuột chiến thắng trong thoáng chốc…

Bắn súng Việt Nam thời nào cũng xuất hiện nhân tài, xong để đạt đến thành công như Hoàng Xuân Vinh thì quả rất hiếm. Nhưng ít ra, như thừa nhận của HLV Nguyễn Thị Nhung, xạ thủ lão tướng ấy chính là chỗ dựa, là động lực cho nhiều thế hệ vươn lên.

3. Liệu “Nữ hoàng thể dục dụng cụ” Phan Thị Hà Thanh có giành được tấm vé dự kỳ Olympic thứ nhì liên tiếp trong sự nghiệp? Đấy là câu hỏi khó, bởi lẽ cô vừa “thi trượt” ở giải vô địch thế giới 2015, buộc lòng đợi chuyến tàu vớt vào năm tới, trong cuộc đua dành cho những VĐV chưa may mắn. Hà Thanh cũng là biểu tượng đáng nể của TDDC và thể thao Việt Nam.

Không có đối thủ ở Đông Nam Á, từng vô địch châu Á và đoạt HCB thế giới, cô gái này đã nhiều phen làm nức lòng giới mộ điệu, nhưng vẫn chưa một lần được nếm trải vinh quang ở đấu trường Olympic. Giành vé chính thức đến Brazil 2016 là trận chiến khốc liệt tiếp theo mà Hà Thanh phải đối diện và nhiều người tin tưởng ý chí và nỗ lực của cô sẽ được đền đáp xứng đáng…

LÊ HÙNG

Tin cùng chuyên mục