Trả giá quá đắt!

Tuần qua, sự kiện tay vợt nữ người Nga Maria Sharapova dính doping gây chấn động làng quần vợt thế giới và trở thành chủ đề đàm tiếu không chỉ đối với những người làm thể thao, mà cho cả giới truyền thông. Người ta bắt đầu cảnh giác trước mọi phương pháp chữa trị chấn thương của VĐV, khắt khe hơn với việc dùng thuốc bổ trợ thể lực vì lo ngại có thể dính doping bất cứ lúc nào. Nói chung, ít người còn dám chủ quan với chính cuộc chơi của mình, khi nhìn thấy cái giá phải trả là rất lớn.

Ở Việt Nam, cũng trong tuần qua, vụ 6 cầu thủ Đồng Nai tham gia bán độ tại V-League vừa được đưa ra xét xử và đều lãnh mức án phạt tù thích đáng, thêm một lần khiến dư luận day dứt. Mới đó thôi, vụ các cầu thủ Ninh Bình dàn xếp tỷ số còn chưa nguôi ngoai, giờ đến lượt nhiều gương mặt được cho là tài năng hoặc từng là nhân tố chủ chốt của ĐTQG dính vào cạm bẫy của cái xấu.

Lòng tham đã che mờ mắt và khiến họ tha hóa, biến chất chỉ trong tích tắc, góp phần làm xấu hình ảnh vốn rất đẹp và mạnh mẽ của bóng đá nói riêng và thể thao nói chung tại xứ sở hình chữ S. Chắc chắn, nỗi ám ảnh ấy sẽ theo họ đến suốt cuộc đời, để luôn nhắc nhở rằng khi họ làm vấy bẩn bóng đá tức là đang phản bội lại môn chơi đã mang về cho họ đủ thứ, từ tiền bạc, danh tiếng cho đến một cuộc sống đủ đầy.

Nói gì đi nữa thì thể thao Việt Nam vẫn đang phải oằn lưng hứng chịu những “vết đâm” đau đớn như thế. Làm thể thao sạch luôn là đích ngắm từ lâu, có điều ở nhiều môn vẫn xuất hiện tình trạng dàn xếp tỷ số, nhường điểm, móc ngoặc để giải tỏa cơn khát thành tích ảo tồn tại trong hầu hết các địa phương, ngành tham gia đầu tư, xây dựng thể thao. Mà có riêng gì ở các giải đấu chính thức, “cái xấu” còn đeo bám cả ở những giải đấu mời, mang tính tập dượt cho đến những giải đấu lớn mang tầm quốc tế mà Việt Nam tham gia. Và ngoài bóng đá, những điền kinh, bơi lội, bóng chuyền, cầu lông, bóng bàn, quần vợt, võ thuật… cũng đều từng xảy ra những vụ tày đình, làm mất mặt các nhà quản lý, phương hại đến sự nghiệp phát triển của bộ môn. Điều đáng sợ là chúng xảy ra ngày càng thường xuyên, khi các cơ quan chức năng không có điều kiện theo dõi.

Thế nên, ngay chính những người làm thể thao lâu năm ở Việt Nam cũng cho rằng, chẳng ai dám vỗ ngực tuyên bố mình là người trung thực, môn thể thao mình tham gia sạch đến hoàn hảo. Khi cả một hệ thống cùng bị rơi vào vòng xoáy tiêu cực, thì đúng là kiếm tìm một điểm sáng nào đó kể ra cũng khó thật.

Thể thao sạch hay thể thao trung thực - cao thượng giống như một giấc mơ đối với tất cả giới làm nghề, từ Việt Nam cho đến thế giới. Cách làm có thể khác, nhưng phương pháp đầu tư và phát triển một VĐV hay cả nền thể thao thì không khác nhau bao nhiêu. Vấn đề là khi không thể triệt tiêu được căn bệnh thành tích ăn sâu, bám rễ vào tư duy của những người làm nghề, thật khó loại trừ được những tiêu cực và ý đồ xấu xa trong thi đấu thể thao.

Cuộc chiến của thể thao trước cái xấu lúc này về cơ bản chỉ dựa vào giới truyền thông, những tổ chức như WADA (phòng chống doping thế giới), CAS (tòa án thể thao) hay các cơ quan an ninh điều tra... khi xảy ra sự cố. Mà như thế thì chưa đủ để bảo vệ HLV, VĐV và thậm chí là nhà điều hành thể thao khỏi sự cám dỗ của tiền bạc, của chuỗi thành tích ảo… Đấy vẫn mãi là cuộc chiến không có hồi kết.

LÊ HÙNG

Tin cùng chuyên mục