Thao túng

Không phải đợi đến khi Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bóng đá Sông Lam Nghệ An Nguyễn Hồng Thanh kiến nghị VFF hoãn mùa bóng 2013 thì vấn đề này mới được đem ra bàn cãi, mà việc hoãn hay không hoãn đã được đặt ra từ khi mùa bóng 2012… chưa kết thúc. Nhưng khi đó, lý do khiến nhiều người quan ngại là khâu tổ chức có thể không đảm bảo. Còn giờ đây, lý do cụ thể và trần trụi hơn đã được một câu lạc bộ nhắc đến, đó là khó khăn về kinh tế. Ông Thanh cho rằng nên hoãn mùa bóng vài tháng chờ… kinh tế hồi phục, khi đó tổ chức mùa giải cũng không muộn màng gì.

Thôi thì có hoãn hay không do VFF quyết định, nhưng từ đề xuất này mới thấy yếu tố kinh tế có vai trò đến mức nào trong bóng đá. Không ai chối cãi có tiền mới làm được bóng đá chuyên nghiệp và cũng nhờ các doanh nghiệp có tâm huyết cùng đồng hành hơn chục năm qua mà chúng ta có được giải chuyên nghiệp từng được một vài quan chức bóng đá tự hào là giải đấu… hấp dẫn nhất Đông Nam Á. Nhưng để đồng tiền chi phối và dẫn dắt từ câu lạc bộ cho đến một giải đấu mang tầm quốc gia là điều không nên.

Ai đã đẩy bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam đến chỗ khủng hoảng bong bóng xà phòng như hiện nay? Đã có lúc, giá trị cầu thủ được đẩy lên gấp chục lần giá trị thực khiến cầu thủ như lạc vào xứ thần tiên. Các ông bầu được cho là “chịu chơi” gần như khuynh đảo làng chuyển nhượng. Họ muốn có cầu thủ nào là cầu thủ đó bỗng dưng thành siêu sao, mặc cho chất lượng thi đấu vẫn thuộc hàng… siêu tệ!

Không chịu dừng ở siêu sao nội, nhiều ông bầu còn săn tìm các siêu sao… về vườn ở trời Tây với mức lương bí ẩn để biểu diễn vài động tác tâng bóng rồi lặn luôn vì chấn thương. Có lẽ, họ muốn được sánh ngang với các ông hoàng Ả Rập thâu tóm các câu lạc bộ lớn ở Anh, Ý! Tiếc là họ quên một điều, các ông hoàng ấy vừa có tiền vừa có tầm nhìn chiến lược, chứ không phải vung tiền để chứng tỏ mình giàu.

Và điều tệ hại hơn là đằng sau những phi vụ đẩy “siêu tệ” thành “siêu sao” là những khoản lót tay lạ thường. Hậu quả là cầu thủ cứ tưởng mình thuộc đẳng cấp cao nên không cần tập luyện, thi đấu ngày càng dở, khiến chất lượng câu lạc bộ cũng như đội tuyển quốc gia càng đi xuống. Ở phía còn lại, các ông bầu và những người liên quan rung đùi chia những khoản lót tay khủng khiếp ấy.

VFF không phải không biết, nhưng đã không có biện pháp quản lý dẫn đến tình trạng khá tồi tệ hiện nay. Việt Nam không thiếu những doanh nghiệp, những người yêu bóng đá muốn đóng góp cho sự phát triển chung, nhưng chạm đến cái mớ bùng nhùng này thì ai cũng thoái lui. Không ít các doanh nghiệp đóng góp ngay từ đầu và vẫn trụ vững đến nay với chiến lược đầu tư bài bản, thật sự vì bóng đá. Nếu VFF sớm nhìn nhận và điều chỉnh theo hướng này thì chắc chắn không có tình trạng nhiều câu lạc bộ rơi vào tình cảnh không tiền trả lương cầu thủ như hiện nay.

Vì vậy, khi một vài ông bầu lên tiếng bỏ giải, đề xuất hoãn, thậm chí lên tiếng bỏ bóng đá thì bao trùm vẫn là trách nhiệm và vai trò quản lý chiến lược của tổ chức VFF. Một giải đấu có thể tạm hoãn vài tháng hoặc hoãn cả mùa giải cũng là điều chấp nhận được, nhưng lý do phải chính đáng. Người hâm mộ sẽ không đồng tình khi bóng đá Việt Nam tiếp tục bị một vài ông bầu thao túng và VFF ngày càng thiếu vai trò trong các quyết định quan trọng. 

DƯƠNG NGỮ YÊN

Tin cùng chuyên mục