Claudio Ranieri, “gã thợ hàn vĩ đại” của đội chủ sân King Power đã bị sa thải chỉ vài tháng sau khi ông đưa đội nhà từ một câu lạc bộ vô danh đoạt chức vô địch Premier League lần đầu tiên trong lịch sử.
Cái tên Leicester sẽ không bao giờ được biết đến như ngày hôm nay nếu không có Ranieri, nhưng bóng đá vốn luôn cần sự phát triển. Và người ta vẫn phải tìm một cách lý giải nào đó thuyết phục nhất cho sự bất công trong môn thể thao vua này.
![]() |
HLV Ranieri (phải) mất ghế sau những thất bại liên tiếp của Leicester
Ranieri xuất thân là một hậu vệ, có sự nghiệp cầu thủ chẳng mấy thành công. Chơi cho AS Roma trong 2 mùa giải Serie A mà chỉ được ra sân có… 6 lần. Thế nhưng, khi từ giã sự nghiệp cầu thủ, ông lại thành công ngày càng nhiều hơn trong vai trò huấn luyện viên, mà nhất là ở những giai đoạn “dầu sôi lửa bỏng” nhất của các câu lạc bộ. Biệt danh “gã thợ hàn” được dành cho Ranieri khi ông chuyên “hàn gắn” thành công những manh nha của sự sụp đổ. Có những câu lạc bộ đang xếp chót bảng, cận kề xuống hạng thì bỗng chốc vụt sáng khi có Ranieri về. Mùa bóng 2011, Inter Milan chơi bết bát, nằm cận kề nhóm 3 đội xuống hạng, điều mà ít ai dám nghĩ tới với một đội vô địch Serie A. Ranieri đến ngay thời điểm ấy và không biết có phép lạ nào mà Inter thắng liền mạch 7 trận liên tiếp, sau đó vươn lên vị trí thứ 5 của giải đấu.
Trở lại với Leicester, đội bóng có biệt danh “Bầy cáo” đã khiến mọi người sửng sốt khi cho sa thải HLV Ranerie, người chỉ mới cách đó vài tháng còn được tung hô, vinh danh như một biểu tượng lịch sử, không thể thay thế của CLB Leicester. Thành tích đó không chỉ của Leicester mà của cả giải ngoại hạng Anh khi trong lịch sử của giải đấu hấp dẫn nhất thế giới này chưa một câu lạc bộ nào thành công nhanh chóng và thuyết phục như “Bầy cáo”. Khi Leicester vô địch, người ta đã tính giá trị của toàn bộ đội bóng này chưa bằng một ngôi sao tầm trung của các câu lạc bộ danh tiếng khác. Ranieri đã truyền lửa cho tập thể đội bóng vốn không có một ngôi sao nào trở thành nơi mà những Chelsea, Liverpool, Manchester United… phải nếm mùi thất bại trong những lần chạm trán. Và ở thời điểm đó, ai cũng nghĩ Ranieri sẽ trở thành bất khả xâm phạm tại Leicester như những tượng đài lão làng Alex Ferguson của Manchester United hay Wenger của Arsenal.
Nhà đầu tư đến từ Thái Lan của Leicester cho rằng họ phải làm gì đó để cứu vãn đội bóng và không thể chờ đợi lâu hơn được nữa. “Chúng tôi có nghĩa vụ phải đặt lợi ích lâu dài của đội bóng lên trên tình cảm, dù nó có sâu đậm đến đâu”, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Aiyawatt Srivaddhanaprabha cho biết như vậy khi nhận lấy làn sóng chỉ trích từ dư luận, nhất là các huấn luyện viên lão làng ở Anh. Trên thực tế, tình cảnh của Leicester tại thời điểm sa thải huấn luyện viên chưa hẳn đã không còn đường thoát. Đội bóng đang xếp thứ 17 với 21 điểm, hơn nhóm 3 đội xuống hạng 1 điểm. Ở mặt trận Champions League, đội vừa thua Sevilla 1-2 ở lượt đi vòng 1/8. Trong bối cảnh đó, một đội bóng biết khắc phục điểm yếu thì vẫn có thể “vượt khó vươn lên” được. Thế nhưng, với các nhà đầu tư bóng đá, đó đã là mức giới hạn. Họ không thể để đồng tiền có thể bay vèo trong tích tắc chỉ vì yếu tố tình cảm níu kéo. Và người hùng của đội bóng cũng phải ra đi.
PHƯƠNG NAM