Một ngày trước khi họp HĐQT thường kỳ, theo kế hoạch thì VPF có họp với các CLB phía Nam. Dù được cho đây là những hoạt động mang tính chất định kỳ, nhưng sau thời gian khá im lặng trước các động thái của AVG trong “cuộc chiến truyền hình”, xem ra VPF đang sẵn sàng chuyển sang một hướng đi khác.
![]() |
Sự đồng thuận của tập thể sẽ tạo thành sức mạnh của VPF. Ảnh: Quang Minh |
Có 2 lý do để VPF phải “thu mình” lại trong thời gian gần đây. Thứ nhất là hiện tại, Tổng cục TDTT đang chủ trì một số công việc liên quan đến bóng đá Việt Nam, nhất là mô hình hoạt động mới của VFF. Thứ hai là VPF phải đợi Qui chế chuyên nghiệp 2012 được phê duyệt và đặc biệt là trên cơ sở đó, VFF sẽ ban hành những văn bản để VPF hoàn thiện pháp nhân của mình.
Có vẻ như VPF đang thực hiện một cuộc “cách mạng tư tưởng” ở các thành viên của mình, hòng tạo sự đồng thuận mới trước khi chuyển sang giai đoạn 2 của “cuộc chiến” mà họ có vẻ như chưa muốn kết thúc, cho dù vấn đề bản quyền truyền hình chỉ là cái cớ.
Cũng cần thấy rằng, vừa qua, VPF gần như đứng trên quan điểm của cá nhân các ông bầu đang điều hành hơn là các CLB. Việc đó tạo ra không ít sự mâu thuẫn trong “gia đình” của họ bởi thực tế là trên sân cỏ, các CLB của những “ông bầu lãnh đạo” có vẻ được ưu ái hơn. Hơn nữa, cách xử lý vấn đề của VPF đang sa đà theo kiểu VFF ngày trước hơn là đứng trên quyền lợi của các CLB một cách thiết thực. Nói gì thì nói, sức mạnh của VPF nằm ở chính các thành viên của họ. Trong khi đó, các CLB hiện đang vô cùng bối rối, thậm chí chán nản, khi sự ra đời của VPF hầu như chưa tạo ra được tác động tích cực nào.
o0o
“Tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Sẽ sai lầm nếu như VPF vội tính đến chuyện làm một cái gì đó thật đặc biệt cho nền bóng đá mà ngay cả chuyện “tề gia”, họ vẫn chưa hoàn thành. Coi như các ông bầu VPF cũng đã nhận thức được lỗ hổng quản lý của mình nên mới phải quay lại bước đi đầu tiên.
Muộn còn hơn không, bởi lý do lớn nhất để VPF ra đời đó là từ quyền lợi của các CLB. Chức năng quan trọng nhất của VPF chính là quản lý, điều hành các giải đấu của các CLB để từ đó, tạo nền tảng cho bóng đá Việt Nam. Nhiệm vụ lớn nhất của họ là đem lại sự thịnh vượng cho các thành viên cũng là cổ đông của mình. Tóm lại, nếu chẳng dựa trên nền tảng cũng như sự đồng thuận từ CLB thì mọi hành động của VPF đều có thể đi chệch hướng.
Vậy nhưng, trong thời gian qua, khi cái bóng của một vài ông bầu tự dưng quá lớn thì không khó để nhận thấy, dù bao trùm đến đâu, cái bóng ấy cũng chưa phải là tất cả các ông bầu. Đấy là chưa nói, còn khá nhiều CLB hoàn toàn không có ông bầu nào cả. Và cũng chưa nói, một số ông bầu vô cùng quan trọng khác đang đứng bên lề cuộc chơi hiện tại của VPF. Không tập hợp nổi sức mạnh ấy, VPF có làm gì thì cũng dễ bị hiểu là quan điểm cá nhân.
Tóm lại, VPF đang tiến hành “trị quốc” khi chưa kịp tề gia. Ngay cả việc họ chủ động gặp các CLB phía Nam cũng cho thấy, trong nội bộ của họ cũng có không ít sự phân hóa.
o0o
Không biết VPF có tính đến chuyện dừng lại lúc này hay chưa, nhưng chắc chắn, nếu cứ đi tiếp theo những cách đã làm, trước sau gì VPF cũng sẽ mắc sai lầm. Ngay cả khi VFF có chuyển giao quyền điều hành cho họ thì về nguyên tắc, các CLB vẫn là thành viên của VFF chứ không hoàn toàn phụ thuộc vào VPF. Nói như vậy để thấy, tập thể của VPF rất dễ bị phân hóa, tác động và có khả năng bị chia rẻ nếu không chịu đoàn kết lại với nhau. Ngay trong “cuộc chiến truyền hình” cũng thế, VPF nói VFF đã không lấy ý kiến của các CLB nhưng thực tế thì chính họ cũng chưa hề có ý kiến chính thức từ đại hội cổ đông mà chỉ mới thông qua ở HĐQT. Xin nhớ là mối quan hệ của các CLB với VPF chỉ là đối tác và các CLB có quyền phản đối bằng việc rút cổ phần ra khỏi công ty này. Và cũng xin nhớ, trên thực tế, không hẳn đã 100% các CLB đều đang ủng hộ các quyết định của lãnh đạo VPF hiện nay.
Đăng Linh