Văn hóa thể thao

Tản mạn V-League

Tản mạn V-League

Thế là V-League đã qua được 9 vòng. Trừ SHB Đà Nẵng và Đồng Tháp, 12 đội còn lại đã thi đấu xong phần của mình. V-League 2010 còn 4 vòng đấu nữa là kết thúc lượt đi, thông thường được xem là chặng nghỉ chân của các đội bóng, một quãng lặng cần thiết để các đội hồi phục thể lực và quan trọng hơn để bổ sung lực lượng nhằm cải thiện thành tích ở chặng lượt về.

1. Nhưng với 9 vòng đấu đã qua, giới quan sát vẫn có thể rút ra kết luận: không có đội nào yếu đến mức có thể tin chắc chắn họ sẽ cầm đèn đỏ ở cuối mùa. Megastar Nam Định sau 7 trận liên tiếp không biết thắng (chỉ kiếm được một trận hòa, còn lại toàn thua) - một thống kê không thể tồi tệ hơn, thế mà chỉ sau hai vòng đấu mới nhất đã nhường lại vị trí chót bảng cho Navibank Sài Gòn một cách ngoạn mục. Nói V-League 2010 không có đội nào đặc biệt yếu là nói theo tinh thần lạc quan. Nhìn dưới nhãn quan ít lãng mạn hơn, chúng ta sẽ thấy Nam Định có thể trút được gánh nặng sang vai Navibank Sài Gòn không phải vì Nam Định không yếu mà vì... “ngoài trời còn có trời”: mình đã yếu còn có kẻ yếu hơn!

Tiền đạo Quang Hải (áo hồng) không thể giúp K.KH thoát khỏi trận thua B.BD. Ảnh: ANH TÀI

Tiền đạo Quang Hải (áo hồng) không thể giúp K.KH thoát khỏi trận thua B.BD. Ảnh: ANH TÀI

2. Nhìn vào bảng xếp hạng, sẽ có người ngạc nhiên: phải chăng đã đến lúc khái niệm “tứ đại gia” của bóng đá Việt Nam đang ở trong tình trạng “bình cũ rượu mới”? Có thể tin như thế khi hai “đại gia” Hoàng Anh Gia Lai và Đồng Tâm Long An rơi ra khỏi 4 vị trí đầu bảng. Rơi ra khỏi 4 vị trí dẫn đầu không hẳn là thảm họa khi cuộc sống còn tới 17 vòng nữa, nhưng từ bỏ nhóm quý tộc để chí thú gia nhập “xóm nhà lá” cùng với Megastar Nam Định và Navibank Sài Gòn thì quả là hổ thẹn cho những cao thủ từng hùng cứ một phương.

Cách đây hai năm, nếu nói Gia Lai và Long An đang chật vật trụ hạng sẽ có người cười rớt cả răng. Nhưng ngay ở mùa giải năm ngoái, hai “đại gia” này đã kịp chứng minh mình chỉ là “tiểu gia” khi Gia Lai ngoi lên khỏi khu vực nguy hiểm nhờ những nỗ lực vào phút chót còn Đồng Tâm Long An, đội bóng vốn chưa bao giờ rơi ra khỏi 3 thứ hạng đầu ở những mùa giải trước đó, chỉ về đích thứ 10.

3. Tất nhiên, Gia Lai và Long An đã tuột dốc theo những con đường khác nhau, mặc dù cuối cùng thì họ cũng đi về một hướng: đó là đáy bảng xếp hạng. Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức của Hoàng Anh Gia Lai vẫn chưa bao giờ từ bỏ tham vọng đưa đội bóng phố Núi trở thành một tượng đài của bóng đá Việt Nam, nhưng những sai lầm về sách lược đã khiến đội bóng cư ngụ tại vùng đất có rất nhiều hổ thật này ngày càng biến thành con hổ giấy trong mắt các đối thủ, đến mức bây giờ bất cứ đội bóng nào cũng muốn đánh bại Hoàng Anh Gia Lai và cay đắng cho ông Đức là khả năng đó hoàn toàn nằm trong tầm tay của 13 đội còn lại.

Nếu đội bóng xứ Gỗ sa vào con đường lận đận chủ yếu do ông Đoàn Nguyên Đức chỉ quan tâm đến chất lượng cầu thủ mà không quan tâm đến chất lượng huấn luyện viên thì ngược lại đội bóng xứ Gạch rơi vào số phận hẩm hiu chỉ vì ông Võ Quốc Thắng chỉ quan tâm đến chất lượng huấn luyện viên mà không buồn ngó ngàng đến chất lượng cầu thủ.

Cả hai cách nghĩ  đều lệch lạc, méo mó, tệ hơn nữa điều mà hai ông quan tâm nhất đến chất lượng thì chất lượng vẫn chẳng thấy đâu. Như sống trong một khu ủ bệnh, cầu thủ của Gia Lai phát sinh đủ thứ rắc rối từ Agostino đến Lee Nguyễn, từ Thonglao đến Phan Thanh Bình, liên quan đến lối sống, hoàn cảnh, trình độ tùy trường hợp. Ở Long An, ông Võ Quốc Thắng quan tâm đến khu vực kỹ thuật bằng cung cách mà giới quan sát gọi là nóng vội: hết huấn luyện viên này xuống đến huấn luyện viên khác lên khiến mọi thứ cứ xoay tít mù mà thành tích thì vẫn đang rong chơi ở đâu đó cách sân Long An hàng trăm dặm.

Ông Đức và ông Thắng khác nhau ở điểm cơ bản: trong khi ông Đức sẵn sàng dốc hầu bao thì ông Thắng không ngừng siết chặt túi tiền, nhưng éo le thay cả hai bài toán chi tiêu lại cho ra cùng một đáp số.

Nhưng dù sao người viết bài này vẫn tin ở ông Đức hơn ông Thắng, vì Đồng Tâm có vẻ đã thỏa mãn với quá khứ trong khi Gia Lai không ngừng hướng đến tương lai, và với một con người như Đoàn Nguyên Đức, nếu ông chưa chán bóng đá thì chắc chắn ông không muốn ông Thành ở Hải Phòng, ông Trường ở Ninh Bình và đặc biệt là ông Hiển ở Hà Nội khoét vào lòng tự ái của mình.

4. Nhưng Gia Lai và Long An dù đang thất bát thì nỗi đau của họ cũng không thấm gì so với những người làm bóng đá Sài Gòn. Cách đây vài năm, bóng đá Sài Gòn bị xóa sổ khỏi V-League khi “người Mohican cuối cùng” là CLB.TPHCM phải ôm bóng xuống chơi ở giải hạng Nhất. Nhưng trong thời điểm đó, các đại biểu của một trung tâm lớn khác là Hà Nội cũng “biệt tích” khỏi “giang hồ V-League” khi Hà Nội.ACB và Hòa Phát.Hà Nội kẻ trước người sau văng ra khỏi sân chơi cao nhất quốc gia giúp lãnh đạo thể thao TPHCM cũng được “an ủi” phần nào.

Nhưng bây giờ, Hòa Phát.Hà Nội đã trở lại. Hà Nội.ACB mùa tới chắc chắn cũng sẽ trở lại khi họ đang đứng đầu giải hạng Nhất vững vàng như một pháo đài bằng thép. Và đang liên tục đứng ở ngôi quán quân V-League hiện nay là một đội Hà Nội khác: Hà Nội T&T. Những người lãnh đạo thể thao Hà Nội đã làm được rất nhiều trong mấy năm qua để vực dậy một nền bóng đá đang khủng hoảng mà không nghe nói họ tổ chức hội thảo hay tranh cãi gì ồn ào.

Ngược lại, những người lãnh đạo thể thao TPHCM tổ chức hết hội thảo này đến hội nghị khác, đưa ra hết lời hứa này đến lời hẹn khác, sa đà vào hết cuộc thương lượng này đến cuộc thỏa thuận khác. Kết quả là gì? Là họ “đi mua” một đội bóng ở nơi khác về, gắn cái tên Sài Gòn vào sau đuôi để cho ra một đội bóng mà người xem không muốn xem, người đá không muốn đá để cuối cùng nằm ở đáy bảng xếp hạng như một sự trêu ngươi.

5. Cuối cùng, cần phải chấp nhận một sự thực: Hà Nội. T&T sẽ là một “đại gia” thứ thiệt kể từ 2010. Năm ngoái họ đứng hạng 4, năm nay có lẽ họ sẽ tiếp tục ở trong bốn đội dẫn đầu cho đến cuối mùa, thậm chí có thể đoạt chức vô địch.

SHB.Đà Nẵng và Becamex Bình Dương với thực lực của mình, ắt vẫn giữ được vị trí trong “The Big Four”. Cần một đội nữa để cùng với Hà Nội. T&T thay thế vai trò của Hoàng Anh Gia Lai và Đồng Tâm Long An, nếu hai đội này tiếp tục ngủ quên ở nửa dưới bảng xếp hạng. Đó sẽ là ai?

Sẽ có người nhắc đến hai đội xi măng giàu sụ ở Hải Phòng và Ninh Bình. Nhưng người viết bài này thích bỏ phiếu cho Khataco Khánh Hòa và TĐCS Đồng Tháp hơn. Chính nhờ hai đội này mà V-League 2010 có cái để mà chờ đợi mỗi cuối tuần, không phải vì họ nghèo mà vì họ là hai đội chơi bóng với trái tim dũng cảm của Spartacus trong người! Điều đó thật đáng hoan nghênh!

Chu Đình Ngạn

Tin cùng chuyên mục