Tạm biệt Ibra, kẻ kiêu ngạo đã qui phục thời gian

Những bàn thắng, danh hiệu và những phát ngôn ngông cuồng đã khiến Zlatan Ibrahimovic trở thành siêu sao. Tính cạnh tranh, không qui phục trước một qui tắc nào và luôn tràn đầy năng lượng chiến thắng cũng đã làm nên những phẩm chất không giống ai của ngôi sao Thụy Điển vừa nói lời chia tay bóng đá.
Tạm biệt Ibra, kẻ kiêu ngạo đã qui phục thời gian

Tháng 9-2003, Thụy Điển vừa được hưởng quả phạt đền thứ 2 trong trận đấu với San Marino ở vòng loại Euro 2004. Kim Källström là người đã được chỉ định sẽ đá phạt đền và cũng đã tiến đến chấm đá phạt để thực hiện nhiệm vụ tương đối dễ dàng ấy. Nhưng Zlatan Ibrahimovic, khi ấy mới 21 tuổi, không đồng ý. Anh ta là cầu thủ đã bị phạm lỗi và quyết định giật quả bóng từ tay đàn anh để thực hiện quả phạt đền. Đó là pha bóng thành công nhưng chẳng ai ăn mừng cùng Ibra. Tiền đạo trẻ ấy đã không tuân theo qui tắc và tệ hơn nữa, anh đã đặt mình lên trên cả đội.

Đó là một điều mà người ta nói là “phi Thụy Điển”, một quốc gia trở nên thịnh vượng nhờ lối văn hóa tuân thủ các qui tắc xã hội, khuôn phép. Nhưng điều mà Ibra làm, lại là một trong những khía cạnh hấp dẫn nhất trong sự nghiệp lâu dài và thành công của cầu thủ vĩ đại nhất của bóng đá nước này. Ở một đất nước thường không có ai muốn trở nên khác biệt, thì Ibra là một thực thể tự mãn và thậm chí có lúc ngông cuồng một cách “xấc xược”. Ibra nói rằng mình sẽ trở thành cầu thủ xuất sắc nhất thế giới. Ibra lấy trộm xe đạp, ném trứng vào cửa sổ, nói đùa với nhân viên soi chiếu an ninh tại sân bay rằng mình có một khẩu súng trong hành lí, thậm chí có lần giả làm cảnh sát để bắt giữ một người mà nhóm bạn của Ibra nghĩ là khách mua dâm trước khi biết đó là một linh mục đang cố gắng giúp đỡ những người hành nghề mại dâm.

Cha mẹ của Ibrahimovic đến từ Nam Tư và trong quá trình lớn lên ở Thụy Điển, có những lúc anh cảm thấy mình không phù hợp với nơi này. Trong cuốn tự truyện “Tôi là Zlatan”, anh viết thế này: “Tôi là một chàng trai nhỏ con. Tôi có một cái mũi to và tôi bị nói ngọng phải được trị liệu về ngôn ngữ. Một người phụ nữ đến gặp tôi ở trường và dạy tôi cách phát âm các chữ cái. Tôi nghĩ điều đó thật nhục nhã và từ đó, tôi cảm thấy mình phải chứng tỏ bản thân nhiều nhất có thể”.

Bóng đá đã cho phép Ibra làm điều đó. Từ nhỏ anh đã là cầu thủ đặc biệt, khi chơi cho đội bóng địa phương Balkan. Ở đó, người ta kể một chuyện rằng, có trận đấu mà Ibra được đôn lên đá cho đội U12 khi chỉ mới 10 tuổi nhưng HLV bắt anh ngồi dự bị vì… quậy phá trước trận đấu. Khi hiệp một kết thúc, đội của Ibra bị dẫn trước 0-4, HLV quyết định cho cậu nhóc vào sân và họ thắng 8-5. Ibrahimovic ghi cả 8 bàn.

Một cầu thủ thiên bẩm, với dòng máu của trường phái bóng đá Nam Tư và cuộc sống nhiều khó nhọc từ bé, đã làm nên một Ibra luôn muốn phá vỡ các qui tắc. Ibra luôn tìm cách trở thành cầu thủ cuối cùng leo lên xe buýt, anh cố tình lười biếng như vậy để sau đó phải cố đuổi theo xe buýt cho đến kịp trận đấu. Thứ tính cách đó khiến cho Ibra luôn nổ lực trong suốt sự nghiệp của mình. Vì thế mà ngay cả khi ở giai đoạn cuối cuộc đời thi đấu, Ibra đã trở thành hình mẫu cho các đồng đội. Marco Verratti, người từng chơi với Ibrahimovic ở PSG, nói: “Ở PSG, thật ấn tượng khi thấy anh ấy vẫn tập luyện như một cậu bé 18 tuổi. Anh ấy cũng là một tấm gương để noi theo trong phòng thay đồ. Anh ấy là một nhà lãnh đạo. Đôi khi, chỉ cần xem anh ấy tập luyện, bạn đã muốn làm được nhiều hơn thế.”

Paul Clement, cựu trợ lý huấn luyện viên của PSG, nói với Guardian hồi năm 2014 rằng Ibrahimovic là “một cầu thủ phi thường ở các khía cạnh” năng lực, tính cách, sức mạnh. Thái độ tập luyện của anh ấy là chìa khóa. Tôi nhớ anh ấy đã thực hiện một trong những buổi tập khó tin nhất mà tôi từng thấy. Anh ấy đã ghi bàn thắng bằng một cú đá kung-fu trên cao, nhưng trong một pha bóng trước khung thành 2m x 1m ở các buổi tập, anh ấy cũng khiến người khác phải há hốc miệng”.

Dù có thời gian rất dài được xem là một trong 10 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới, nhưng chưa bao giờ Ibra đạt được mức độ tỏa sáng rực rỡ như Ronaldo, Messi nhưng nếu bạn muốn tìm một niềm vui khi xem đá bóng thì cứ chờ Ibra ra sân. Từ Hà Lan, Italy đến Tây Ban Nha và Pháp, Ibra luôn có thể ghi những bàn thắng đẹp đến kinh ngạc. Như cú đánh gót vào lưới Italy, cú xe đạp chổng ngược ở cự ly 35m vào lưới tuyển Anh hoặc cú vô lê xoay vòng cho LA Galaxy.

Ibra tuyệt đối không phải là một con người hoàn hảo, cũng như cách anh chơi bóng. Trong một cuộc tranh luận ở Thụy Điển, về việc tại sao một cầu thủ nam được tặng xe hơi vì phá kỷ lục khoác áo quốc gia nhiều nhất mọi thời đại còn nữ cầu thủ thì không, Ibrahimovic nói rằng thật “lố bịch” khi so sánh bóng đá nam và nữ và nữ. Cách phát ngôn như vậy sẽ đụng chạm đến bình đẳng giới và những giới hạn trong xã hội Thụy Điển. Ibra cũng nói với huyền thoại bóng rổ LeBron James rằng các VĐV nên tránh xa chính trị và thường tự gọi mình là "Chúa".

Thật ra Ibra chẳng cần phải “nổi loạn” như vậy để được nhớ đến. Vị trí của anh trong lịch sử bóng đá, đặc biệt là ở Thụy Điển, đã là di sản. Ibra có thể không phải là người Thụy Điển điển hình nhưng anh đã mang đến cho nhiều thế hệ người nhập cư ở quê hương anh niềm hy vọng rằng mọi thứ đều có thể xảy ra, ngay cả khi bạn lớn lên trong một ngôi nhà tan nát ở vùng ngoại ô nghèo. Và đối với một quốc gia, điều đó là vô giá.

Zlatan Ibrahimovic nói lời chào từ biệt của mình tại San Siro vĩ đại, trong màu áo của một trong những đội bóng vĩ đại. Cả sân vận động lạc giọng khi hô vang cái tên Zlatan Ibrahimovic. Rất nhiều giọt nước mắt đã rơi. Chính Ibrahimovic cũng không ngăn được dòng cảm xúc của mình. Mãnh sư đầu đàn cũng có phút mềm mỏng, một người đàn ông mạnh mẽ can trường cũng có khi phải rơi lệ.

Đó là một buổi chia tay đầy xúc động. Trên khán đài, ngay từ đầu trận đấu với Hellas Verona, các cổ động viên AC Milan đã giương tấm tifo với dòng chữ “God Bye” để nói lời từ biệt với huyền thoại của họ. AC Milan đã về đích mùa giải 2022-2023 một cách tốt đẹp: Đội bóng kết thúc mùa giải trong top 4 và đi xa hơn tưởng tượng ở đấu trường UEFA Champions League. Với Ibrahimovic, anh cũng đã hoàn thành nhiệm vụ của mình với đội bóng này để kết thúc hành trình bóng đá tuyệt vời.

Milan làm lễ chia tay cho Ibra như một huyền thoại

Milan làm lễ chia tay cho Ibra như một huyền thoại

Trong mắt nhiều người, Ibrahimovic có thể là một kẻ ngang tàng. Nhưng với các Milanista, anh là một người hùng đích thực. Năm 2010, anh gia nhập Milan lần đầu và lập tức trở thành nguồn cảm hứng trên hàng công để đưa Rossoneri đến với Scudetto đầu tiên sau 7 năm. Còn AC Milan mà anh quay về vào năm 2019 là một tập thể đang lạc lối. Và rồi những lão tướng dày dạn kinh nghiệm trận mạc như Ibrahimovic (cùng Simon Kjaer hay sau đó là Olivier Giroud) xuất hiện. Họ “thổi lửa” vào cả tập thể, trở thành những tấm gương cho cả đội noi theo bằng cả chuyên môn lẫn tác phong làm việc. AC Milan dần tìm thấy ánh sáng và họ cũng đã trở lại với Scudetto một lần nữa.

“Từ ngày mai, tôi sẽ là người tự do trên thế giới này”, Ibrahimovic chia sẻ trong cuộc họp báo cuối cùng với tư cách cầu thủ chuyên nghiệp. Chẳng ai chống lại được thời gian và Zlatan Ibrahimovic cũng vậy. Ở tuổi 41, sau những năm tháng dài thi đấu với nhiều vinh quang cùng những khoảnh khắc đẹp, Ibrahimovic cũng phải chùn chân mỏi gối. Và anh lựa chọn kết thúc cuộc chơi cuộc đời ở nơi mà anh gọi là “ngôi nhà thứ hai”….

Tin cùng chuyên mục