Sự thật được bảo vệ

Ban Kỷ luật VFF đã khá nhanh khi ra quyết định xử phạt những vi phạm ở vòng hai V-league. Theo đó, huấn luyện viên phó của CLB Hà Nội Nguyễn Đức Thịnh bị phạt 10 triệu đồng và đình chỉ làm nhiệm vụ 3 trận kế tiếp do vi phạm Điều 40 “Hành vi xúc phạm danh dự, hành vi thiếu văn hóa” trong trận đấu giữa CLB Hà Nội và Đồng Tháp trên sân Cao Lãnh.

Cụ thể, HLV Đức Thịnh đã có những lời lẽ xúc phạm trọng tài trong trận đấu trên. Ban Kỷ luật VFF cũng phạt cảnh cáo HLV Nguyễn Đức Thắng và trợ lý Trần Doãn Dũng cũng của CLB Hà Nội do liên tục có hành vi, lời lẽ phản ứng trọng tài trong và sau trận đấu. Ngoài ra, Ban Kỷ luật VFF cũng phạt tiền ban tổ chức sân Pleiku và sân Lạch Tray do vi phạm công tác tổ chức trận đấu.

Như vậy là sau khi trọng tài điều khiển các trận đấu trở thành tâm điểm chỉ trích ở vòng hai V-league xảy ra, cứ tưởng một vài trọng tài sẽ bị “trảm” do sai sót trong điều khiển trận đấu. Tuy nhiên, người bị xử phạt lại là các huấn luyện viên, trợ lý, ban tổ chức sân. Và những quyết định phạt này đều có cơ sở rõ ràng, căn cứ đúng quy chế. Điều này cho thấy căn bệnh đổ lỗi ở các câu lạc bộ ngày càng nặng hơn.

Ở các mùa bóng trước, trọng tài cũng luôn là nơi để các huấn luyện viên, thậm chí các chuyên gia cho là nguyên nhân khiến đội bóng này thua, đội bóng kia thắng. Việc xử lý của ban tổ chức chưa kịp thời, nghiêm minh, chính xác nên xu hướng này càng có cơ hội phát triển. Chính vậy mà chỉ ngay ở vài vòng đấu đầu tiên của mùa này, điều đó đã lặp lại. May mà lần này ban tổ chức đã mạnh tay xử lý vấn đề, trả lại công bằng cho mọi thành viên tham gia giải đấu.

Ở bất kỳ trận đấu bóng đá nào, trọng tài dường như là thành phần ít có cơ hội lên tiếng nhất. Trong khi đó, các huấn luyện viên, trợ lý, ông bầu, cầu thủ… luôn xuất hiện rất nhanh trên các loại hình truyền thông. Thậm chí, khi trận đấu đang diễn ra, những hành vi phản ứng, những lời chỉ trích của huấn luyện viên đối với trọng tài đều được truyền tải bằng hình ảnh, lời nói đến rất nhanh và rất xa. Người tiếp nhận thông tin sẽ dễ bị cảm xúc chi phối khi chứng kiến những hình ảnh và lời nói ấy, nên tức thì khó phân biệt đúng sai. Khi đó, lực lượng trọng tài hoàn toàn không được lên tiếng, và có lẽ họ cũng không muốn lên tiếng vì mọi việc đều có giám sát và đầy đủ các bộ phận theo dõi, phân minh. May mà giờ đây, ban tổ chức đã nhanh hơn để sự thật, đúng sai được lên tiếng. Tất nhiên, không kể đến những trường hợp trọng tài sai thì cũng phải xử lý theo quy định.

Bóng đá thế giới chứng kiến một Mourinho được xem là một trong những huấn luyện viên có những hành động kỳ quặc, hay xách mé trọng tài. Tuy nhiên, nó không đồng nghĩa với việc cứ liên tục chỉ trích, phản ứng trọng tài trong khi chính bản thân mình chưa xác định chính xác hành vi, pha bóng đó đúng hay sai.

Theo dõi diễn biến trên sân không ai sát hơn trọng tài, nên có sai sót ở góc độ này cũng là điều ít xảy ra, ngoại trừ các trường hợp liên quan đến năng lực hoặc có vấn đề tiêu cực. Vì vậy, hãy để cho trận đấu diễn biến theo đúng nghĩa của một trận cầu thể thao, được giám sát và điều hành chặt chẽ theo quy chế. Đừng vì những bức xúc nhất thời khi đội bóng bị thua mà phản ứng thái quá, làm xấu đi hình ảnh câu lạc bộ và chính bản thân mình.

PHƯƠNG NAM

Tin cùng chuyên mục