Sự quá đà tai hại

Đến thời điểm này, nhiều người đã hiểu vì sao HLV Miura không gọi các cầu thủ U19 lên tuyển. Câu trả lời rất rõ ràng: Điều đó không cần thiết, ít nhất là với cá nhân ông.

Đến thời điểm này, nhiều người đã hiểu vì sao HLV Miura không gọi các cầu thủ U19 lên tuyển. Câu trả lời rất rõ ràng: Điều đó không cần thiết, ít nhất là với cá nhân ông.

Bởi dù đã tung đến 20/22 cầu thủ ra sân nhưng hiện nay, băng ghế dự bị của Việt Nam vẫn vô cùng chật chội. Chỉ riêng hàng công, 2 tiền đạo hàng đầu V-League là Anh Đức - Hải Anh xem ra vẫn phải ngồi dự bị dài dài. Chưa bao giờ mà đội tuyển lại thừa mứa các cầu thủ tấn công đến như vậy. Xin nhớ là chúng ta đã có đến 8 bàn thắng sau 3 trận và có đến 6 cái tên khác nhau trải đều trên 3 tuyến ghi tên mình vào bảng tỷ số.

Bởi Miura không cần một cầu thủ có kỹ thuật cá nhân điêu luyện để đi bóng qua 2-3 cầu thủ đối phương. Ông cần những chiến binh, những người có thể tranh chấp, tì đè để tìm ra những khoảng trống nhỏ nhoi cho đồng đội. Ông Miura cần những con người có kinh nghiệm để gây khó cho đối phương ngay trên phần sân của họ bằng khả năng áp sát, thậm chí dùng tiểu xảo để ngăn cản tốc độ lên bóng của đối thủ. Những yếu tố đó, không dành cho những cầu thủ chỉ giỏi kỹ thuật và đam mê tấn công ghi bàn.

Người hâm mộ bóng đá Việt Nam từng cho rằng chỉ có lứa cầu thủ U19 mới xứng đáng với niềm tin yêu của họ. Ảnh: Minh Hoàng

Và quan trọng hơn, Miura không cần thêm ngôi sao nào khác cho một đội bóng mà ông chính là ngôi sao duy nhất. Chẳng việc gì Miura phải làm vừa lòng người khác khi gọi một vài ngôi sao được dựng nên bởi giới truyền thông mà chưa từng được kiểm chứng kinh nghiệm trận mạc. Công việc của Miura là xây dựng nên một đội bóng của ông, phục vụ cho mục tiêu mà ông tự chịu trách nhiệm chứ không phải để làm thỏa mãn yêu cầu của người khác mà vô tình gánh áp lực không đáng có cho mình cũng như cái cấu trúc mà ông đã mất nửa năm trời xây dựng.

Đã có những lúc, sự so sánh giữa U19 và ĐTQG được đặt ra một cách nóng bỏng, bất chấp những quy tắc cơ bản của quá trình phát triển bóng đá. Một cầu thủ 17-18 tuổi lên tuyển là chuyện bình thường nhưng nếu điều đó xảy ra thì phải xem đó là cơ hội, là niềm vinh hạnh của chính cầu thủ đó chứ không phải của đội tuyển. Đằng này, đã có lúc người ta cho rằng chỉ có U19 mới “cứu vãn” được ĐTQG và từ đó mới dẫn đến một cách nghĩ hết sức tai hại là đem ĐTQG ra so sánh với những gì U19 đã làm.

Rất may, thành công đến lúc này của đội bóng do Miura dẫn dắt đã phần nào chặn đứng những so sánh hơi quá đà đó. Chưa thể nói trước khả năng thành công của thầy trò ông Miura nhưng chí ít, những gì mà đội tuyển Việt Nam đã nỗ lực, đã khát khao, đã cống hiến cần được ghi nhận. Họ xứng đáng được yêu mến, tin tưởng và động viên nhiều hơn thay vì nghĩ đến chuyện thay thế họ bằng một lứa cầu thủ còn đi học.

Và có một chi tiết rất quan trọng: với cách dùng người của mình, rõ ràng HLV Miura chẳng ngại ngần khi sử dụng một vài cầu thủ trẻ của U19, chỉ có điều, chính sự quá đà trong việc tung hô U19 đã làm tắt cơ hội lên tuyển của chính họ.

Việt Long

Tin cùng chuyên mục