Sự ngờ vực chết chóc

Sự ngờ vực chết chóc

Hôm nay, TS.Quảng Nam sẽ đá với Sài Gòn Xuân Thành trên sân nhà. Nếu ở một hoàn cảnh nào đó, trận đấu này sẽ được người dân xứ Quảng chờ đợi lắm. Đá với đội bóng chưa biết thua, chưa để thủng lưới thì quả là sự thách thức thú vị. Thế nhưng, thay vào đó là biết bao nỗi ngờ vực.

Trận đấu này có thể bình thường như bao trận đấu khác. Nghĩa là chẳng có gì toan tính trong đó cả, hoàn toàn chỉ là vấn đề chuyên môn. Sẽ có đội thắng và đội thua. Nhưng dù nó bình thường đến thế nào đi nữa, rốt cuộc, cũng chỉ có một đội thua trắng dù bóng chưa lăn: chẳng ai khác, đó là chủ nhà TS.Quảng Nam.

Phước Tứ (phải) và đoàn quân Sài Gòn.XT sẽ làm khách ở xứ Quảng trong một trận đầu đầy dị nghị. Ảnh: Nguyễn Đạt

Phước Tứ (phải) và đoàn quân Sài Gòn.XT sẽ làm khách ở xứ Quảng trong một trận đầu đầy dị nghị. Ảnh: Nguyễn Đạt

Vì nếu họ thắng, liệu có ai ca ngợi cú lật đổ ngoạn mục trước “đại gia” Sài thành kia không? Hay lại thay vào đó là lời mai mỉa: chẳng qua Xuân Thành “làm nghĩa vụ”. Không ai thèm quan tâm đến chuyện TS.Quảng Nam đã đá như thế nào khi đã bị nhồi nhét vào trong đầu những thông tin về mối quan hệ giữa 2  đội bóng trước khi bóng lăn. Thắng mà chỉ có thể phô bày niềm vui một cách khiên cưỡng như thế, quả là một sự chịu đựng nặng nề.

Còn nếu TS.Quảng Nam thua, sự ngờ vực nhiều khi còn ghê gớm hơn. Cầu thủ xứ Quảng sẽ khó mà giải thích với người hâm mộ của mình. Họ sẽ bị cho rằng bắt buộc phải nhường cho Sài Gòn XT để đội đầu bảng kia tiếp tục sự hoàn hảo. Lúc đó, chẳng ai chịu tin rằng lực của TS.Quảng Nam làm sao thắng nổi dàn ngôi sao đẳng cấp V-League của đội khách. Người ta chỉ biết là TS.Quảng Nam thua vì phải thua mà thôi.

Mà chẳng cần phải đến khi kết thúc trận đấu, những ngờ vực chết chóc ấy mới xuất hiện. Cầu thủ Quảng Nam đá trên sân Tam Kỳ mà mắt liếc về khán đài thấy bầu Thụy ngồi trên thì cũng đã không còn tâm trí để đá cho thắng trận. Họ không tin mình sẽ thắng hoặc họ sẽ tin mình thắng chẳng qua nhờ SG.XTG lơi chân. Cứ đá trong tâm thế đó, 90 phút của trận đấu là 5.400 giây run rẩy tinh thần cầu thủ đội chủ nhà.

Ngày trước, thời bóng đá bao cấp, những trận đấu tiêu cực biết trước kết quả đôi khi chỉ cần lãnh đạo “bỏ nhỏ” vào tai vài trụ cột là xong. Bây giờ, như trận đấu chiều nay, chẳng cần ai chỉ đạo, thì toàn đội bóng tự nhiên mang cảm giác mình phải có nghĩa vụ làm một điều gì đó.

Cụ thể là làm cái gì, cũng chẳng ai biết. Điều duy nhất biết được chính là trận đấu đã không còn nguyên vẹn ngay trước khi bóng lăn.

o0o

Ai đã để bóng đá trở thành một kiểu show diễn không có hồi kết như vậy? Ai khiến cho trận đấu mang nặng những ngờ vực đầy vẻ chết chóc từ khán đài đến sân cỏ như thế?

Một ông bầu, mới xuất hiện nhận quyền chuyển giao đội bóng từ lãnh đạo tỉnh, sau đó lại đặt chỉ tiêu cho một đội bóng khác, mà chẳng thấy ai phản ứng gì cả. Những hình ảnh, thông tin đã phản bác những kiểu lập luận cho rằng 2 đội này chẳng liên quan đến nhau, rồi ông bầu ấy chẳng có gì phạm luật. Việc gì phải giở sổ sách chứng từ, truy lục bao nhiêu điều khoản trong luật kinh doanh để xác định có hay không có liên quan. Từ ngày ra đời đến nay, bóng đá là trò chơi của tâm lý. Người ta “muốn” hay không “muốn” thắng mới là quan trọng chứ đâu phải tìm ra cơ sở mà giải thích các kết quả thi đấu.

Chính vì người ta để cho sự nhập nhằng ấy tồn tại nên đã “sổ toẹt” mọi công sức, ý chí, lòng tin của cầu thủ. Nếu không có mối quan hệ ấy, trận đấu tại Tam Kỳ có thể chứa đựng một cuộc nổi loạn thú vị. Nhưng rốt cuộc, nó có thể trở thành một trò hề mà chính bóng đá là nạn nhân lớn nhất.

Vậy mà những người có trách nhiệm vẫn ung dung như không có chuyện gì xảy ra. Họ cho rằng mọi người nên tin vào tính trung thực của trận đấu.

Hy vọng? Tất nhiên, phải hy vọng. Niềm tin, thì chỉ còn biết tin mà thôi. Thế nhưng, cả 2 điều ấy, cũng chỉ là một kiểu trạng thái của tâm lý như chính sự ngờ vực mà thôi. Tin hay không trong trường hợp này, có giá trị gì đâu chứ!

Hồ Việt

Tin cùng chuyên mục