Myanmar có nền bóng đá để lại dấu ấn cho khán giả Việt Nam với lối đá rắn, thường dùng sức mạnh để “đàn áp” đối phương và sẵn sàng chơi thô bạo khi bị dẫn bàn. Bóng đá Việt Nam khá nhiều lần chạm trán các đội bóng Myanmar, dù tỷ lệ thắng nhiều hơn nhưng không ít cầu thủ của ta e ngại khi gặp họ. Thế hệ vàng bóng đá Việt Nam của thời Lê Huỳnh Đức, Nguyễn Hồng Sơn, Trần Công Minh… nhiều lần “tơi tả” khi chạm trán với họ. Nói chung đó là một đội bóng khó chơi!
Nhưng có vẻ mọi thứ bắt đầu khác đi khi U.19 Myanmar chiến thắng thuyết phục các cầu thủ của bầu Đức để giành ngôi vô địch giải U.22 Đông Nam Á ở Brunei vừa qua. Ở đó, không còn một Myanmar sẵn sàng cản bước đối phương bằng các pha vào bóng nảy lửa mà là những cầu thủ chơi bóng đầy quyết tâm nhưng không phạm lỗi. Chứng kiến trận đấu, người ta nhận ra rằng Myanmar đang bắt đầu một triết lý bóng đá mới, phù hợp và hiệu quả hơn. Họ chơi kỹ thuật, đá áp sát phong tỏa các hướng tấn công của đối phương nhưng cũng hết sức nhã nhặn. Gần như suốt trận đấu không thấy pha phạm lỗi cố ý nào, còn các lỗi trong tình thế bắt buộc thì rất hiếm. Đến nỗi học trò bầu Đức vốn được xem là các cầu thủ “hiền” nhất từ trước đến nay của bóng đá Việt Nam cũng nhận đến 2 thẻ vàng trong khi số thẻ vàng của Myanmar chỉ là 1.
Nói phù hợp và hiệu quả bởi lối đá kỹ thuật sẽ khai thác hết điểm mạnh của cầu thủ Myanmar vốn không to con. Nó phát huy sức mạnh ở khía cạnh lấy nhu thắng cương và giúp tránh phí sức không cần thiết. Vì sao có sự thay đổi quá bất ngờ này? Người ta nhắc ngay đến vị HLV người Đức Gerd Ziese. Bóng đá Đông Nam Á không lạ lắm với vị HLV này, nhưng khi về với Myanmar, ông đã có được đất vụng võ. Có thể so sánh chưa hợp lý lắm, nhưng có lẽ Gerd Ziese đã đưa triết lý bóng đá Đức ngày nay vào Myanmar. Bóng đá Đức giờ đây không còn là hình ảnh của cỗ máy xe tăng đầy sắt thép nữa mà thay vào đó là sự mượt mà lấy kỹ thuật chế ngự đối phương. Mà xét cho cùng, bóng đá nếu biết khai thác điểm mạnh sở trường thì sẽ càng mạnh hơn lên mà thôi.
Vấn đề là điều gì giúp bóng đá Myanmar nhận ra điều đó? Chắc chắn là những nhà điều hành. Họ đã mạnh dạn xã hội hóa, huy động nguồn lực con người và tài chính đầu tư cho bóng đá. Từ bộ máy với những con người hiểu biết, thức thời và có niềm tin, từ năm 2011, Myanmar đã mở 2 trung tâm đào tạo bóng đá trẻ quy mô lớn có sự hợp tác với các nước có nền bóng đá tiên tiến. Hai trung tâm này có nhiệm vụ đào tạo các em từ độ tuổi 10-16. Ngoài ra, họ cũng tận dụng các mối quan hệ để đưa các dự án đào tạo của FIFA về nước giúp hỗ trợ rất nhiều cho bóng đá trẻ. Kết quả, với hướng đi đúng và được điều hành bởi những con người hiểu biết, bóng đá Myanmar bắt đầu chuyển hưởng phát triển mà nhiều người làm bóng đá Việt Nam hiện nay phải giật mình.
Bóng đá Việt Nam từng có may mắn được sự cộng tác của chuyên gia Rainer Willfeld trong vai trò giám đốc kỹ thuật. Hồi đó, vị chuyên gia này làm việc trong lặng lẽ. Sự tỉ mỉ, chuyên nghiệp đến không ngờ của ông dường như chẳng có ý nghĩa gì với lãnh đạo bóng đá khi đó. Cuối cùng ông cũng ra đi trong lặng lẽ mà ngày nay nhắc lại ai cũng thấy rằng những điều ông làm là vô cùng quý giá. Nhắc không phải để tiếc, nhưng nếu chúng ta tiếp tục làm việc như những người thiếu hiểu biết thì bóng đá Việt Nam sẽ mãi quẩn quanh trong bế tắc và nhìn các nước chung quanh tiếp tục bứt phá. Myanmar không phải nhờ phép màu mà họ biết chọn đường đi mà thôi.
PHƯƠNG NAM