
Cho dù ĐKVĐ V-League SHB Đà Nẵng và “đại gia” Xi măng Hải Phòng chưa lộ diện do đá muộn, nhưng đã có vài nét chấm phá về bộ mặt V-League 2010. Có những gương mặt dữ dằn và có cả những kẻ non nớt…
30 CHƯA LÀ TẾT
Thật ra 90 phút của trận mở màn chưa thể nào lột tả chân thực chân dung của từng đội bóng. Chẳng thế mà, “ông lão V-League” Nguyễn Thành Vinh khi tan trận vẫn cười tươi rói, bất chấp việc tân binh Hòa Phát HN trắng tay ở trận ra mắt. Hay HLV Nguyễn Hữu Thắng bào chữa rằng, SLNA không thắng được Navibank Sài Gòn trong trận “đề-pa” mùa giải mới chỉ đơn giản là… đen.
Đối với các đội bóng, trận mở màn chỉ có thách thức ở chỗ, đấy là 1 trận khó đá. Hay hoặc dở, thậm chí là bại trận chăng nữa, tất cả đều có thể xi xoa, và coi đấy là việc may (hoặc không may), thậm chí lấn át cả yếu tố chuyên môn. Bởi V-League có đến 26 vòng đấu, trong khi vòng quay của sân chơi này mới lăn được 1 chặng đầu tiên. Không thể đòi hỏi ngay lập tức, một ứng cử viên vô địch hay “ngựa ô” nóng máy chạy ầm ầm. Mọi thứ muốn nhanh, muốn đạt mục đích ở V-League thì cứ phải… từ từ.

Trận đấu giữa 2 đối thủ LS Thanh Hóa (bên trái) và B.Bình Dương đã thể hiện 2 thái cực của V-League 2010, và dự báo một mùa giải nhiều biến động. Ảnh: V.S.I
Với 6 trận đấu đã lộ diện, có những chiến thắng kinh hoàng như cách B.Bình Dương đả bại LS.Thanh Hóa. Cú sốc trong trận đấu này không phải vì B.Bình Dương giành trọn 3 điểm. Điều ngạc nhiên, khó giải thích một cách thấu đáo là tại sao á quân V-League có thể dội cơn mưa gôn vào lưới đội bóng xứ Thanh như vậy? Nói Bình Dương mạnh thì đúng là… nhàm, vì ngay cả khi sẵn sàng bán phắt trung vệ số 1 Việt Nam Vũ Như Thành, đội bóng này cũng không hề suy yếu. Thậm chí còn lành mạnh và giúp HLV Mai Đức Chung dễ làm việc hơn là khi sở hữu trong tay cầu thủ có tài, nhưng cũng lắm chiêu như vậy.
Vấn đề là sau một chiến thắng hoành tráng của B.Bình Dương (và cả K.Khánh Hòa) trong trận khai mạc, cựu vô địch V-League có thừa thắng xông lên hay không? Điều ấy thì không ai dám nói trước, bởi mùa trước, B.Bình Dương cũng từng thể hiện bằng chiến thắng 3 sao trước Nam Định, trước khi chao đảo rồi hụt khỏi ngôi vương. Cái sự dữ dằn của B.Bình Dương thể hiện còn phải kiểm định thêm thời gian.
BÁO ĐỘNG LÀ VỪA?
Đối với V-League lúc này, đừng nên “bói” ra những ứng viên cho ngôi vô địch. Bởi thời gian còn quá sớm để nhắc đến điều ấy, nhất là khi có những đội như Đồng Tâm Long An nổi tiếng là “máy dầu”, chỉ thật sự nóng máy khi V-League bước vào giai đoạn quyết định. Thế nhưng, kiếm tìm và báo động dần cho những ứng viên tranh chấp vé xuống hạng thì có thể lại sớm tìm ra những gương mặt “tiềm năng”. Trước khi V-League khởi tranh, nhóm nguy hiểm ấy được khoanh vùng cho Hòa Phát HN, Nam Định, Đồng Tháp, Navibank Sài Gòn…
Sự thật là sau 90 phút khởi động cho cuộc đua đường dài, nỗi thấp thỏm ít nhiều xuất hiện. Đội bóng xứ Thanh bị đặt vào thế báo động dần dần không phải vì họ kém lực, bởi trên lý thuyết, LS.Thanh Hóa còn có trong tay một loạt hảo thủ kế thừa từ Thể Công lẫn Thanh Hóa “xịn”. Nếu họ chơi đúng sức và đúng ý đồ thì ngay cả ĐKVĐ V-League SHB.Đà Nẵng cũng không thể đánh bại. Nhưng trận thua Bình Dương đặt cho HLV Vũ Trường Giang “đen” và những ông bầu xứ Thanh, Viettel vấn đề lớn: họ kiếm đâu tính truyền thống (của Thể Công) và bản sắc (của Thanh Hóa)? Không có tinh thần và chơi bóng kiểu “năm cha, ba mẹ”, mất phương hướng thì việc chống lũ là vấn đề mà LS.Thanh Hóa cần chuẩn bị để nâng mức báo động.
Ngược lại, với M.Nam Định, Hòa Phát HN hoặc thậm chí là Navibank Sài Gòn, cách thua hay kiểu hòa của họ cho thấy những non nớt, khiếm khuyết không hề đơn giản. Đội bóng thành Nam đang ngấm vì để mất tới 8 trụ cột, còn Hòa Phát HN thì chưa đủ bản lĩnh giữ vững chiến thắng và kiểu… cầu may như Navibank Sài Gòn, tất cả chỉ cho thấy sự bấp bênh trong tương lai nếu không được điều chỉnh gấp rút.
NGỌC LINH