Paralympic Paris 2024 sẽ khai mạc vào rạng sáng 29-8 (giờ Việt Nam), chương trình thi đấu kéo dài đến ngày 8-9 tại thủ đô nước Pháp.
Đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam tham dự với 14 thành viên (7 VĐV, 3 HLV, 1 bác sĩ và 3 cán bộ đoàn), do Phó Cục trưởng Cục TDTT Nguyễn Hồng Minh làm trưởng đoàn.
Các tuyển thủ gồm: Lê Văn Công, Nguyễn Bình An, Đặng Thị Linh Phượng, Châu Hoàng Tuyết Loan (cử tạ), Đỗ Thanh Hải, Lê Tiến Đạt (bơi) và Phạm Nguyễn Khánh Minh (điền kinh). Tất cả đều thuộc biên chế của TPHCM, địa phương có sự đầu tư và chăm lo tốt cho thể thao người khuyết tật.
So với Paralympic Tokyo 2020 (diễn ra năm 2021), lần này số lượng VĐV của đoàn thể thao Việt Nam vẫn giữ nguyên 7 người. Tuy nhiên, chỉ có 3 người từng thi đấu ở Paralympic Tokyo 2020 là Lê Văn Công, Châu Hoàng Tuyết Loan (cử tạ) và Đỗ Thanh Hải (bơi); còn lại là Phạm Nguyễn Khánh Minh (điền kinh), Lê Tiến Đạt (bơi), Nguyễn Bình An, Đặng Thị Linh Phượng (cử tạ) lần đầu giành vé đến Thế vận hội.
Mục tiêu của đoàn thể thao Việt Nam tại Paralympic Paris là giành 1-2 huy chương và niềm hy vọng được đặt lên vai của lực sĩ Lê Văn Công ở hạng cân 49kg. Ở nội dung này, anh từng giành HCV tại Paralympic Rio 2016 và HCB Paralympic Tokyo 2020. Ngoài ra, kình ngư Lê Tiến Đạt cũng được kỳ vọng làm nên bất ngờ. Tại Asian Para Games 4, anh từng đoạt HCV nội dung 100m ếch nam hạng thương tật SB5.
Chia sẻ từ Pháp, Trưởng đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam Nguyễn Hồng Minh cho biết, các thành viên đoàn đã gia nhập Làng VĐV và ổn định nơi lưu trú. Đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam được sắp xếp ở trong 4 căn phòng của tòa nhà D5, rất thuận tiện và gần nhà ăn. Sau đó, các VĐV của từng nội dung sẽ được kiểm tra hạng thương tật trước khi vào thi đấu chính thức.
"Điều kiện ăn ở, sinh hoạt tại Làng VĐV rất tốt. Nhà ăn rộng rãi với thực phẩm đa dạng. Tất cả tuyển thủ Việt Nam trong trạng thái tinh thần, sức khỏe tốt, sẵn sàng tranh tài";, trưởng đoàn Nguyễn Hồng Minh cho biết thêm.
Paralympic Paris 2024 sẽ là cơ hội lớn để các tuyển thủ Việt Nam thể hiện ý chí, nghị lực phi thường vượt qua những trở ngại của bản thân, khát vọng chiến thắng và cống hiến cho thể thao nước nhà. Ngoài công tác chuẩn bị về chuyên môn, công tác chăm sóc, phục hồi, điều trị chấn thương, dinh dưỡng và nhiều hoạt động hỗ trợ khác cũng được chú trọng, tạo không khí phấn khởi trong tập luyện và thi đấu, giảm áp lực thành tích cho các VĐV.
Theo lực sĩ Lê Văn Công, hiện chấn thương vai của anh đã bình phục hơn 80% và sẽ phấn đấu tranh chấp huy chương. Nam VĐV cũng cho rằng, trong thi đấu chưa nói trước điều gì và anh sẽ nỗ lực hết sức để cạnh tranh tấm huy chương cao nhất.