Ông Hải ở Thanh Hóa

HLV bị kỷ luật, “treo quyền” chỉ đạo là một chuyện không phải thường xảy ra. Với trường hợp của ông Lê Thụy Hải lại càng đáng xem là một sự kiện. Không phải bỗng dưng mà người ta vẫn đặt biệt danh cho HLV giàu cá tính này là Hải “lơ”. Bởi ông thường nhún vai bỏ qua những chuyện mà ông vẫn gọi là “vặt vãnh”…
Ông Hải ở Thanh Hóa

HLV bị kỷ luật, “treo quyền” chỉ đạo là một chuyện không phải thường xảy ra. Với trường hợp của ông Lê Thụy Hải lại càng đáng xem là một sự kiện. Không phải bỗng dưng mà người ta vẫn đặt biệt danh cho HLV giàu cá tính này là Hải “lơ”. Bởi ông thường nhún vai bỏ qua những chuyện mà ông vẫn gọi là “vặt vãnh”…

Lần này thì khác. Ngay trong trận đấu, ông đã bị đuổi lên khán đài. Tưởng chừng như vụ việc nhanh chóng “chìm xuồng” thì hôm qua, ông bị  phạt 2 trận cùng một số tiền. Có vẻ như VFF chọn vụ của ông Hải làm “án điểm” cho các HLV thì phải bởi phạt nặng như vậy hình như chỉ có mỗi mình ông Calisto thường phải chịu mà thôi.

Ông Hải nổi tiếng “bất cần đời”. Ông làm HLV mà thích thì làm, không thích cứ nói lời chia tay khăn gói ra đi ngay lập tức. Cái tính cách ngang phè phè ấy cũng là một trong những điểm mạnh để ông Hải được tiếng là “trị” cầu thủ ương bướng. Phải ngang ngạnh cỡ đó thì lãnh đạo mới ngán. Trên còn phải kiêng dè thì đương nhiên cầu thủ muốn “chống” ông cũng phải ngó tới, ngó lui.

Chúng tôi còn nhớ một thời khắc cách đây đã gần chục năm trên sân Quân khu 7 - TPHCM. Trận đó Thanh Hóa không còn tâm trạng để đá trước Quân khu 7 vì vòng trước, họ để thua Bình Dương ở trận áp chót giải hạng Nhất nên không có cơ hội để thăng hạng V-League 2004. Biết cầu thủ mình có phá đội, cũng biết trọng tài thổi ép để trao phần thắng cho Quân khu 7, nên giấc mộng lên chơi V-League không thành nhưng sau trận, ông Hải cắp nách cái túi nhỏ vừa đi vừa “cười đểu” tổ trọng tài. Đấy là biểu hiện tiêu biểu của ông Hải “lơ”. Khi ông đã biết trước cái gì, thì coi như chẳng “chấp”.

Nay, là một Hải “lơ” khác. Ông phản ứng trọng tài một cách thái quá và cũng bị VFF xử thẳng tay chẳng nể nang gì tăm tiếng của “người làm thuê số 1 bóng đá Việt Nam”. Những điều đó, đều bất thường đối với nghiệp cầm binh đầy thăng trầm của ông Lê Thụy Hải.

Người ta nói rằng, vì ở Thanh Hóa nên ông Hải mới phản ứng như vậy. Vì ở đây, ông đã phải  cảm nhận trở lại cái cảm giác cô thế của một đội bóng nhỏ. Tròn 10 năm trước, khi đến làm HLV ở xứ Thanh,  ông Hải còn lận đận, tên tuổi chưa là gì dù lúc thi đấu ông đã nổi tiếng. 10 năm sau, ông quay lại Thanh Hóa, đội bóng hiện đang đá ở V-League nhưng cũng …chẳng là gì, lại bị xếp vào hàng “nhà nghèo”, ứng cử viên xuống hạng.

Ngược lại, ông Hải đã trở thành VIP, mùa trước còn được Ninh Bình trả cả trăm triệu đồng mỗi tháng. Từ khi rời Thanh Hóa năm 2003, ông Hải toàn đến với các đội “nhà giàu”, cầu thủ toàn “hàng hiệu” tha hồ mà bày binh bố trận và phô cái chất “lơ” rất riêng của mình trong sự kính nể của đồng nghiệp.

Trọng tài Quốc Hưng đuổi thẳng HLV Lê Thụy Hải lên khán đài trong trận Hòa Phát HN-Thanh Hóa. Ảnh: Quang Thắng

Trọng tài Quốc Hưng đuổi thẳng HLV Lê Thụy Hải lên khán đài trong trận Hòa Phát HN-Thanh Hóa. Ảnh: Quang Thắng

Chao ôi, thời gian không tha cho bất kỳ ai. 10 năm rồi cũng quay về chốn cũ, phận cũ nhưng con người thì khác trước rất nhiều. Phải chăng vì thế mà ông Hải không chịu nổi cách cầm còi của trọng tài. Ông phản ứng dữ dội trong trận đấu với Hòa Phát như vậy có lẽ là do thói quen vừa nhiễm vào người trong thời gian gần đây.

Khổ! Thanh Hóa chứ đâu phải Đà Nẵng, Bình Dương, Ninh Bình mà Lê Thụy Hải có được cái “thế” đứng cao hơn trọng tài. Thế là vị vua sân cỏ mà ông Hải nói là đáng tuổi con cháu ấy chẳng ngần ngại đuổi thẳng ông lên khán đài.

Và bây giờ là án phạt 2 trận từ VFF. Một “cú đấm knock-out” thật sự vào sự kiêu hãnh của ông Lê Thụy Hải. Để nhắc nhớ ông rằng, nơi ông đang làm là Thanh Hóa, vốn chẳng có gì để VFF phải e dè mà không phạt.

Nếu đấy không phải là đội Thanh Hóa, có lẽ mọi chuyện đã khác.

Nhưng sự thật là ông Hải đang làm việc ở xứ Thanh, nơi mà khi ông đến nhận việc, đã có không ít người lo cho danh tiếng của ông sẽ tàn úa đi. Sự lựa chọn của ông Hải có thể xem là một trong những quyết định kém nhất trong sự nghiệp cầm binh của ông hay không, phải đến cuối mùa mới biết được, nhưng kỳ thực, từ sau khi rời Bình Dương, con đường ông Hải bước có chiều đi xuống và đi dần vào ngõ cụt.

Ông đến Thể Công, đội suýt rớt hạng và sau đó xóa sổ. Ông làm VIP ở Ninh Bình, nhưng đội lận đận gần hết mùa trước. Ông về lại với Thanh Hóa, có lẽ là trạm dừng chân cuối cùng trước khi giải nghệ, nhưng hỡi ôi, với những gì đã diễn ra ở vòng 2, đã có vô vàn dự cảm nặng nề nơi bến đỗ duy nhất còn trân trọng tài năng của ông

Hồ Việt

Ông Lê Thụy Hải bị cấm chỉ đạo 2 trận liên tiếp 

Hơn 20 ngày sau sự cố bị trọng tài Đỗ Quốc Hưng truất quyền chỉ đạo trên sân Hàng Đẫy, HLV Lê Thụy Hải đã nhận án phạt tiền và cấm chỉ đạo 2 trận liên tiếp trong khu kỹ thuật Thanh Hóa, ông Hải cũng là vị “thuyền trưởng” đầu tiên cầm quân ở V-League 2011 bị treo quyền chỉ đạo vì lỗi phản ứng quyết định trọng tài.

Án phạt 5 triệu đồng, cấm chỉ đạo 2 trận mà Ban kỷ luật đưa ra đối với hành vi phản ứng trọng tài của ông Lê Thụy Hải theo điều 57 quy định kỷ luật không vượt quá dự đoán trước giờ “nghị án”. Mức phạt chỉ tương đương với 1 chiếc thẻ đỏ (bị đuổi lên khán đài), nhưng để đưa ra án phạt nguội này cũng chẳng là việc dễ dàng đối với thành viên Ban kỷ luật.

Trong tuần hoạt động đầu tiên năm Tân Mão, Ban kỷ luật VFF đã không thể nhóm họp với lý do BTC giải chưa chuyển hồ sơ đến Ban kỷ luật theo trình tự. Phải tới lúc giới truyền thông lên tiếng, Trưởng ban kỷ luật Nguyễn Hải Hường thúc giục, việc thu thập hồ sơ mới được thực hiện để các thành viên Ban kỷ luật phân tích và mức phạt với hành vi phản ứng của HLV Lê Thụy Hải xảy ra trong trận Hòa Phát HN - Thanh Hóa (vòng 2 V-League).

Việc Ban kỷ luật đưa ra án phạt đối với ông Hải phần nào cho thấy rõ quyết tâm ngăn chặn tình trạng phản ứng không tuân theo quy định bùng phát trên sân cỏ từ Ban kỷ luật. Vắng HLV Lê Thụy Hải ở khu kỹ thuật, đó là tổn thất lớn đối với Thanh Hóa trong chuyến làm khách trên sân Navibank SG (vòng 3) và cuộc tiếp đón ĐKVĐ Hà Nội T&T (vòng 4).

Trước khi xảy ra sự cố liên quan đến HLV Lê Thụy Hải, các cầu thủ HAGL cũng đã bày tỏ thái độ phản ứng quyết định của trọng tài bằng việc tự ý bỏ ra ngoài, khiến trận đấu SHB Đà Nẵng - HAGL gián đoạn mất gần 10 phút. Đáng tiếc, vụ việc này bất ngờ được BTC giải “bỏ quên”, dù giám sát trận đấu ghi đầy đủ trong bản báo cáo gửi về VFF ở vòng khai mạc.

Mùa giải 2011 được dự đoán diễn biến rất khốc liệt, khi hàng loạt các đội bóng đầu tư mạnh mẽ để cải thiện thành tích. Những cuộc tranh cãi liên quan đến HLV, cầu thủ với lực lượng trọng tài cũng vì thế mà có thể bùng phát nhiều hơn, nếu những lỗi ban đầu xuất hiện không được giải quyết rõ ràng và chính xác. Mùa giải 2011 vẫn còn dài, muốn hạn chế các sự cố xảy ra, trước hết BTC giải và Ban kỷ luật cần phối hợp ăn ý, tránh trường hợp dễ dàng cho qua để rồi bị dư luận đặt ra nghi ngờ BTC đang cố tình dung túng cho đội bóng này, đội bóng kia.

Quang Ngọc

Nếu họ là bạn của nhau

Một cú bắt tay rất chặt và 2 nụ cười nhiều cởi mở dành cho nhau. Thời gian càng trôi qua, những cảm giác gần gũi giữa ông Calisto và ông Lê Thụy Hải dường như thêm phần nồng hậu. Nhìn hình ảnh ấy, rất nhiều người đã nói rằng: Nếu như họ là bạn của nhau…

Bạn hay không là bạn, chỉ có 2 ông biết với nhau nhưng chắc chắn họ chẳng phải là… kẻ thù. Đúng hơn, họ là “kình địch” của nhau ở cái thời ông Hải nắm Đà Nẵng rồi Bình Dương đấu với Calisto của ĐT.LA để tạo ra vô vàn giai thoại thú vị được nói đến ngày này, sang ngày khác.

Bạn hay không là bạn, điều đó không quan trọng. Bóng đá sống bằng những trận cầu và muốn đánh bại nhau trên sân cỏ là thứ “ganh ghét” rất đáng khuyến khích bởi dường như là nó ngày càng thiếu trên sân cỏ Việt Nam. Khi V-League càng lúc trở nên tẻ nhạt thì những “cú bắt tay lỏng”, nhìn nhau “cười nhạt” ngày trước của 2 ông thầy một ngoại, một nội giàu cá tính bật nhất này đem lại cảm xúc thật sự cho bóng đá.

Giờ đây, mối giao hảo của họ đã gần với nhau hơn rồi. Cũng đúng thôi vì một người đã trở nên quá già với những cuộc đua tranh, nay chỉ còn vẫy vùng trong cái “ao nhỏ” mang tên Thanh Hóa. Kẻ 3 năm làm HLV quốc gia, mỗi tuần ăn mặc bảnh bao, nghiêm chỉnh ngồi trên khán đài VIP, xa rời những khoảng khắc bộc phát nồng cháy mỗi khi xung trận. Họ khác nhau chỗ đứng, nhưng cùng chung một hoàn cảnh. Họ bắt tay nhau chặt, cười với nhau chân tình như thể chia sẻ nỗi nhớ về những ngày không xa nhưng muốn tìm lại thì vô cùng diệu vợi.

Bắt tay nhau thế, cười với nhau thế thì ở bóng đá Việt Nam tuần nào cũng gặp, nhưng như vậy đôi khi là buồn tẻ, vô vị mất rồi còn đâu.

Việt Long

Tin cùng chuyên mục