Olympic Paris 2024 và thử thách cho IOC

Còn hơn một năm nữa mới đến kỳ Thế vận hội mùa hè Paris 2024, nhưng do các đợt thi đấu vòng loại chuẩn bị diễn ra nên những ồn ào về sự tham dự của các VĐV Nga và Belarus khiến cho “bóng ma” chính trị can thiệp vào tính trung lập của thể thao dấy lên vô số lo ngại.
IOC soạn thảo các điều kiện và hình thức cho phép VĐV VĐV Nga - Belarus hội nhập trở lại và thi đấu tại Paris 2024.
IOC soạn thảo các điều kiện và hình thức cho phép VĐV VĐV Nga - Belarus hội nhập trở lại và thi đấu tại Paris 2024.

Từ sau cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra hồi cuối tháng 2-2022, các VĐV Nga và Belarus đã bị loại khỏi hầu như tất cả các cuộc thi đấu thể thao quốc tế theo khuyến nghị của Ủy Ban Olympic Quốc Tế (IOC). Các tranh cãi nổi lên khi cuối tháng Giêng vừa qua IOC bất ngờ thông báo việc soạn thảo các điều kiện và hình thức cho phép VĐV 2 nước hội nhập trở lại, cơ sở để tiến tới tạo điều kiện cho họ đến Paris 2024 - sẽ khai mạc vào ngày 26-7 năm sau. Theo dự thảo này, có một vài qui tắc được đưa ra: các VĐV đó phải thi đấu trong màu cờ trung lập và không có hành vi “ủng hộ cuộc chiến tại Ukraine”, đồng thời tuân thủ các quy định chống doping của quốc tế. IOC vẫn tái khẳng định họ ủng hộ biện pháp cấm tổ chức các giải đấu quốc tế ở 2 nước Nga và Belarus; quốc kỳ và quốc ca của hai nước này cũng không được xuất hiện ở các giải thi đấu quốc tế. Đại diện chính quyền Nga và Belarus cũng không được phép hiện diện tại các sự kiện thể thao.

Dù chỉ mới là cuộc tham khảo và IOC chưa có một quyết định nào, nhưng ngay lập tức Ukraine đã có phản ứng gay gắt, dọa tẩy chay Paris 2024. Sự việc có vẻ như đi theo chiều hướng phức tạp hơn khi hôm 10-2, Bộ trưởng thể thao của khoảng 30 nước họp hội nghị trực tuyến, dưới sự chủ trì của phía Anh để bàn về chủ đề trên. Chưa có quyết định nào được thống nhất, nhưng gần như toàn bộ các nước tham dự hội nghị đều bày tỏ ủng hộ việc tiếp tục cấm VĐV Nga và Belarus. Riêng đại diện Pháp, Hy Lạp và Nhật Bản không tỏ quan điểm.

Về lý thuyết, quyền quyết định cuối cùng thuộc về IOC, đồng nghĩa mọi thứ đều có thể xảy ra. Olympic đã từng có các tiền lệ về việc tẩy chay nhưng nó vẫn diễn ra. Đồng thời, IOC có lý do chính đáng để đưa VĐV Nga và Belarus trở lại thi đấu. Chủ tịch IOC, ông Thomas Bach là người mạnh mẽ nhất trong việc này. Một mặt, ông chịu áp lực của Nga và các quốc gia ủng hộ họ bởi các liên đoàn thể thao quốc gia có vai trò đáng kể trong IOC. Đây không phải là trường hợp doping, mà là vấn đề chính trị, vốn không được phép can thiệp vào thể thao. Nếu tất cả các nước gây chiến tranh đều bị loại khỏi Thế vận hội thì có lẽ sẽ không còn Olympic nữa. Trong khi về phương diện thể thao, không thể phủ nhận được những đóng góp của Nga, một cường quốc thực thụ.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) và Chủ tịch IOC Thomas Bach đang đứng trước thử thách khó khăn
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) và Chủ tịch IOC Thomas Bach đang đứng trước thử thách khó khăn

Kế đến, lịch sử cũng từng ghi nhận Liên Xô đã tổ chức đại hội thể thao riêng (Spartakiad) trong những năm 1930 để đối đầu với Olympic. Hoặc đại hội thể thao của thế giới thứ 3 trong những năm 1960, sự kiện khi đó đã được Trung Quốc bảo trợ. Điều này dẫn đến một nền thể thao đầy chia rẻ, không đúng tinh thần Olympic mà IOC là biểu tượng. Hoàn toàn có khả năng Nga vận động các nước như Trung Quốc, Ấn Độ và một số quốc gia châu Phi, thậm chí cả châu Mỹ Latin tham gia tổ chức các cuộc thi đấu thể thao ngoài khuôn khổ của IOC. Bản thân ông Thomas Bach cũng có thể coi là một nạn nhân của tẩy chay thể thao. Khi còn là VĐV đấu kiếm, ông đã mất cơ hội bảo vệ HCV Olympic 1980 vì chính phủ tại Berlin tẩy chay.

Trong một bức thư gửi Ủy Ban Olympic Ukraine cuối tháng 1 vừa qua, ông Bach nhắc nhở lãnh đạo chính trị ở Kiev là “đang đi ngược lại các nguyên tắc cơ bản của phong trào Olympic. Như lịch sử đã chứng minh, các vụ tẩy chay trước đây đều đã không đạt mục đích chính trị và chỉ có tác dụng trừng phạt các VĐV”. Cũng theo IOC, đa số các tổ chức mà họ tham vấn đều chủ trương không một VĐV nào bị cấm thi đấu chỉ vì quốc tịch của họ.

Nhưng thử thách của IOC nằm ở chỗ, nếu có quá nhiều nước đe dọa tẩy chay Thế vận hội, thì IOC chỉ còn cách duy nhất là không mời VĐV Nga và Belarus. Tất nhiên là IOC cũng có quyền này. Ban tổ chức của Pháp cũng có quyền tương tự nhưng rõ ràng là nước Pháp cũng như thủ đô Paris cũng ở tình thế nhạy cảm. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron dù bị hối thúc của Tổng thống Ukraina, vẫn lấp lửng cho biết sẽ bày tỏ quan điểm cá nhân vào “mùa hè” tới. Người Pháp phải thận trọng vì tại World Cup 2022, chính ông Macron đã khẳng định “không nên chính trị hóa thể thao”. Hiện tại, về phía Pháp, trên đài truyền hình France 2 bà Anne Hidalgo, thị trưởng Paris ủng hộ việc VĐV Nga - Belarus được thi đấu nhưng không đại diện cho nước họ.

Tin cùng chuyên mục